Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Văn hóa - Xã hội

Trang chủ Văn hóa - Xã hội Bài văn của học sinh

Bài văn của học sinh

25/02/2013

Đề bài Ô-trốp-xki từng nói: “Hãy biết sống ngay cả khi cuộc sống trở nên không chịu đựng nổi” Dựa vào ý của Ô-trốp-xki, hãy viết một bức thư khuyên một người bạn của em vì gặp nhiều chuyện buồn mà muốn từ bỏ cuộc sống.

Bài làm

Nam Định, ngày 10 tháng 1 năm 2013

Gửi em!

Tôi vừa đọc xong “Rừng Nauy” của Murakami và thẩu cảm tận cùng nỗi hoang hoải cô đơn của cả một thế hệ thanh niên Nhật Bản những năm 60. Họ mất phương hướng, lẩn trốn vào tình dục và sẵn sàng tìm đến cái chết. Rùng mình hoảng sợ! Tôi nghĩ đến em. Giờ đây khi vừa thoát khỏi tay thần chết, một mình đối diện với bốn bức tường trắng của bệnh viện, chắc em hiểu hơn tôi điều này. Rằng mọi thứ cứ như một sợi dây, bất chợt căng ra, rồi đứt phựt! Cuộc sống có khi trở nên không thể chịu đựng nổi.

Tôi biết em là niềm tin, là niềm hi vọng của bố mẹ. Tôi cũng thế, loài người sinh ra vốn thế, chẳng bao giờ thoát được kiếp “gánh gồng” (“Nhân sứ”- Hòa Vang). Một con người có ý thức và nhận thức không thể nào gạt đi được gánh nặng trách nhiệm trên đường trường. Nhưng bởi thế mà đôi khi ta kiệt sức.

Trên thế gian này chắc chẳng có loài sinh vật nào yếu đuối như con người, em tin không? Sự thật là chúng ta phải mất tới 1 năm mới có thể tự đứng trên đôi chân của mình và ít nhất 18 năm để tự mình hòa nhập vào cuộc sống. Vậy mà giữa cuộc đời dài rộng, chúng ta phải đối diện với những gì? Những biến động không ngừng, những cám dỗ muôn ngả, những thiên tai, những thách thức. Một hạt cát trong vũ trụ bao la cũng có thể gây nên sự va chạm thiên thạch, bão mặt trời mang sức mạnh hủy diệt. Sự sống con người lúc nào cũng có thể bị xóa nhòa đi như thế. Biết bao đe dọa, biết bao nhiêu rủi ro làm chúng ta dễ bi quan, buồn rầu và đau khổ.

Sợi dây kéo căng mãi rồi cũng đứt, sức chịu đựng của con người luôn có giới hạn. Khi tất cả vượt qua ngưỡng ấy, con người sẽ không kiểm soát, làm chủ được mình. Điều này em đã trải nghiệm rồi, chắc em hiểu, phải không?

Còn nhớ lúc nghe tin em nhập viện, tôi vô cùng bàng hoàng, sửng sốt. Con người ta được sinh ra trên đời đã là một điều đáng quý. Sự sống bao giờ cũng cần phải được nâng niu, trân trọng. Vậy mà em….

Thôi dù sao thì tất cả cũng đã qua. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một phút giây bồng bột của tuổi trẻ. Rồi nhiều năm sau nữa, khi đã từng trải và chín chắn hơn, nghĩ lại chuyện này, có thể em sẽ cười mình ngốc nghếch, sẽ thấy mọi thứ bây giờ em cảm giác không chịu nổi đến lúc ấy chỉ là vô nghĩa, vô vị. Vì vậy nghệ thuật sống là “Biết sống ngay cả khi cuộc sống trở nên không chịu đựng nổi” (Ôtrôpxki). Em đang nghĩ là tôi nói những câu giáo điều, sách vở. Thật ra tôi cũng như em chưa có nhiều thời gian để trải nghiệm. Nhưng ít nhất hiện tại, tôi đủ tỉnh táo hơn em để nhìn ra những điều em không thấy.

Khi em úp mặt vào tay bật khóc và thấy thế giới như sụp đổ thì hoa vẫn nở, chim vẫn hót và trái đất vẫn quay.

Khi em tìm cách từ bỏ cuộc sống, những đứa trẻ vẫn chào đời và bắt đầu sự sống.

Khi em gạt đi tất cả để ích kỉ cho bản thân, vẫn luôn có mẹ cha, bạn bè, thầy cô lo lắng, quan tâm em. Mong em nhớ rằng em mất đi không làm cho cuộc sống ngừng lại những vòng quay, nhưng với chúng tôi là một sự tổn thất không sao bù đắp được, cũng là một thất bại đớn đau.

Em ạ dù sao em không nhìn thấy thì em cũng không có quyền phủ nhận tất cả những điều đó. Dẫu sao thì cuộc đời cũng luôn chứa đựng và hứa hẹn những điều tốt đẹp.

Thế nên con người cần được sống, phải sống và biết sống.

Người Nhật Bản đấu tranh với thiên tai khủng khiếp hàng năm để tồn tại và phát triển. Hêlen Keller đấu tranh với bệnh tật để mà vươn lên. Được sống là quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của mỗi người không chia màu da, sắc tộc.

Em biết không, lần đầu tiên tôi biết đến chuyện thanh niên tự tử là năm lớp 8. Sau đó tôi tiếp xúc với Internet bắt gặp nhiều chuyện tương tự và bị ám ảnh. Mỗi lần cảm thấy tuyệt vọng, tôi không phải chưa từng nghĩ đến cái chết. Nhưng may mắn thay, lần nào cũng vậy, bản năng sống luôn trỗi lên mãnh liệt và chiến thắng. Tạo hóa đã ban cho con người một bản năng quá tuyệt vời để sinh tồn và vượt lên tất cả. Em sẽ không cười tôi chứ nếu tôi nói tôi sợ chết? Vì sợ chết mà tôi giữ cho mình quyền sống.

Em ơi con người ta nhiều khi không phải muốn sống mà là phải sống. Sự sống đôi lúc chẳng đơn thuần là bản năng đâu mà là nghị lực, là bản lĩnh. Tính mạng là cha mẹ ban cho, sống là có trách nhiệm, là đạo hiếu, là nghĩa vụ với cuộc đời. Giá mà em nghĩ đến điều ấy trước khi đưa ra quyết định sai lầm. May mà mọi thứ còn có thể cứu vãn.

Lẽ dĩ nhiên cái quan trọng hơn cả việc sống là sống như thế nào, là biết sống. Tôi tin rằng một người như em, có nhận thức, có khát vọng, không bao giờ nghĩ rằng sống là đơn thuần tồn tại thân xác, là ngày 3 bữa cơm, ngủ 8 tiếng. (Nếu thế thì em đã chẳng từ bỏ cuộc sống vì bất kì điều gì). Tôi biết em là người sống có mục tiêu và mong muốn, sống có ý nghĩa. Vậy thì em thân yêu, sự sống của em chưa tận, hãy bắt đầu cơ hội mới cho mình để khẳng định giá trị tồn tại của bản thân. Đừng bỏ cuộc!

Lần này em tỉnh lại cũng coi như là đã sống được khi em thấy cuộc sống trở nên không chịu nổi. Mong em mau hồi phục và thành công hơn với một khởi đầu mới.

                                                                 Thương mến

Nguyễn Thị Phương Trinh
                                                                        (12 Chuyên văn -  Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định)