Cô gái đi qua 30 quốc gia: Hãy ngừng chê bai Việt Nam!
20/11/2016Ở tuổi 29 chạm ngõ 30, cô gái trẻ Phạm Thủy Tiên quyết định nghỉ việc một tháng để đi xuyên Việt trên hành trình 'Chuyến xe tuổi trẻ'.
Động lực đi qua 30 quốc gia vì câu hỏi 'Việt Nam bạn có gạo ăn không?'
Chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài của tôi chính là chương trình Học kỳ trên biển của ĐH Virginia Tech (Mỹ). Thay vì học trong lớp học, chúng tôi được đưa lên một con tàu di chuyển qua mấy chục quốc gia trên thế giới. Lần đầu được trải nghiệm cách học mới, tôi cảm thấy rất tuyệt nhưng điều khiến tôi sốc nhất chính là những câu hỏi bạn bè quốc tế về Việt Nam. 'Việt Nam bạn có gạo ăn không? Việt Nam bạn có tivi không?
Việt Nam có máy tính không?'. Khi tôi trả lời 'Dĩ nhiên là có chứ, ngày nào bọn tôi cũng xem tivi mà' họ ồ lên ngạc nhiên. 'Ủa vậy hả, không phải là cả làng xài chung một cái tivi mà nhà nào cũng có à?'.
Trời ơi, đó là năm 2007 rồi và người trẻ quốc tế dường như không biết gì về Việt Nam cả. Họ nhìn đất nước mình kiểu như không biết bọn mày có gạo ăn chưa giống như một số quốc gia hiện nay vẫn đang cần cứu trợ lương thực vậy. 'Vietnam war' có lẽ là cụm từ duy nhất khi họ nhắc về Việt Nam. Tôi cảm thấy bị chạm tự ái quá chừng. Kể từ đó, tôi có một động lực là muốn đi nhiều hơn để mang hình ảnh Việt Nam đến nhiều bạn bè trên khắp thế giới.
Thủy Tiên trên tàu Nippon Maru (SSEAYP).
Chụp ảnh với các bạn quốc tế trong buổi triển lãm văn hóa Việt Nam SSEAYP 2014 (Thủy Tiên hàng dưới, thứ 2 từ phải sang).
Tôi tìm hiểu và đăng ký các khóa học bổng, những chương trình giao lưu ngắn hạn, giải thưởng của những cuộc thi. Tôi tham gia CLB Quốc tế Thanh niên của Thành đoàn, có chương trình giao lưu với Hàn Quốc nên tôi đi Hàn Quốc. Tôi đoạt giải Nhất trong cuộc thi 'Đi tìm đại sứ văn hóa Việt Nam' do Đại sự quán Mỹ tổ chức, thế là tôi được đi Mỹ.
Tôi còn nhớ trong vòng phỏng vấn cuộc thi này, các thầy hỏi 'Nếu qua Mỹ và giới thiệu về Việt Nam thì em sẽ chọn gì để giới thiệu?'. Tôi chọn dân ca. Tôi là một người rất tham vọng, tôi muốn bằng một hình ảnh có thể kể về rất nhiều thứ, dân ca có thể giới thiệu về âm nhạc, đời sống, tinh thần và cả văn hóa Việt Nam nữa.
Các thầy hỏi tiếp 'Em có biết hát không?'. Tôi đáp 'Em thật ra hát cũng bình thường thôi, nhưng khi cần thì em sẽ hát, em không sợ gì hết'. Trong buổi lễ trao giải, các thầy trong ban giám khảo nói với tôi rằng 'Tôi chọn em vì em có một tinh thần không biết sợ là gì'.
Bên bờ sông Danube (Budapest, Hungary).
Hoa anh đào mùa xuân (Bonn, Đức).
Câu nói ấy cũng tạo động lực cho tôi rất nhiều. Không phải lúc nào tôi cũng 'bách chiến bách thắng' trong các cuộc thi hay học bổng, nộp 10 đơn thì đôi khi chỉ được 2 - 3 đơn thôi, nhưng tôi cứ nộp vì không sợ gì cả.
Ngay cả khi nhận được suất học bổng Thạc sĩ ở Hà Lan, tôi cũng mạnh dạn gửi thư cảm ơn và từ chối họ vì trường chỉ cấp học phí, tôi làm sao kham nổi mức sinh hoạt phí khi sinh sống ở đó. Tôi bất ngờ nhận lại được thư trả lời từ họ 'Chúng tôi hiểu với một sinh viên châu Á đi học sẽ vất vả như thế nào. Bạn cứ nhập học đi, chúng tôi sẽ cấp luôn cho bạn vừa học phí lẫn sinh hoạt phí'. Thế là tôi đi học ở Hà Lan rồi từ đó khám phá thêm hơn chục quốc gia khác nữa ở châu Âu.
Tôi vẫn thường hay đùa hồi sinh viên có những lúc tôi chỉ có 500 đồng trong túi mà vẫn khao khát đi khám phá thế giới. Nếu không có tiền thì mình đi bằng tiền của người khác.
Hãy ngừng chê bai Việt Nam!
Khi nói đến cụm từ 'Người Việt xấu xí', thể nào cũng có nhiều người sẽ kể ra những tính từ như 'trễ giờ, ngồi lê đôi mách, thụ động, ù lì'. Nhưng càng đi nhiều tôi càng thấy hóa ra những tính từ ấy không chỉ là 'đặc sản' của người Việt Nam.
Ví dụ chuyện trễ giờ chẳng hạn, tôi có một anh bạn người Ý, anh chàng chẳng bao giờ đúng giờ cả. Cả lớp tôi gọi bạn ấy là 'đồng hồ của lớp', khởi hành chuyến đi nào mà nhìn thấy anh chàng là biết chúng tôi đã trễ giờ rồi. Khi đến Ý tôi phát hiện ra chuyện xe buýt, tàu Ý trễ giờ là chuyện rất bình thường. Tàu thông báo xuất phát lúc 9h30 nhưng đến 9h45 tàu mới đến.
Người Brazil cũng rất hay trễ hẹn. Có lần tôi đi Brazil hội thảo, họ thông báo 9h tất cả tập trung ở sảnh khách sạn để di chuyển đến nơi tổ chức hội thảo. Mãi đến 10h30 người phụ trách mới đến và thậm chí họ không giải thích hay xin lỗi gì cả, còn nói với chúng tôi một cách vui vẻ 'Tụi mình đi nha'. Chuyện đó diễn ra hàng ngày cho đến cuối hội thảo thì hầu hết mọi người trong đoàn đều chấp nhận, đó là cách của người Brazil, họ dặn 9h nghĩa là 10h mới có mặt.
Thủy Tiên đang làm việc cùng đồng nghiệp tại UN ESCAP (Bangkok, Thái Lan).
Nói về việc người Việt thụ động, tôi có câu chuyện về Brunei. Đó là một đất nước giàu có, họ có nhiều dầu mỏ đến nỗi được thế giới ví von 'Người Brunei chỉ cần múc dầu đổ vào miệng', nghĩa là chỉ cần bán dầu thô họ đã thu được rất nhiều tiền.
Sinh viên đi học sẽ có tiền trợ cấp từ chính phủ, ra trường sẽ có việc làm, lương cao lại được cấp nhà, cấp xe. Một đất nước được bao cấp hoàn toàn như vậy, người trẻ sống trong sung sướng nên không có nhu cầu phấn đấu gì cả. Thậm chí có nhiều người không muốn đi học vì nhà họ giàu quá, không đến trường thì vẫn có nhà, có tiền. So với Brunei, rõ ràng nhiều người trẻ Việt Nam có nghị lực và ý chí phấn đấu hơn nhiều.
Hội thảo tại Recife, Brazil (Thủy Tiên thứ 2 từ trái sang).
Chụp ảnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Thủy Tiên hàng giữa, thứ 2 từ phải sang).
Điều tôi muốn nói qua các câu chuyện này là mỗi quốc gia, mỗi vùng đất có câu chuyện riêng của họ, chúng ta hãy thôi cực đoan về những tính xấu của dân tộc mình, vì rõ ràng chúng không phải là 'đặc sản' của người Việt. Hãy chấp nhận chúng như một phần vốn có và tìm cách cải thiện, chứ đừng chỉ mãi ngồi chỉ trích, chê bai. Tôi nghĩ rằng đó không phải là một tinh thần đúng đắn.
Chuyến xe tuổi trẻ: 'Tuổi trẻ là phải sống không dám sợ'
Tôi từng có một mong ước được cùng người yêu rong ruổi khắp Việt Nam trên chiếc xe máy nho nhỏ, thưởng ngoạn cảnh đẹp, có những ngày thư thái uống trà buổi sáng trong tiếng chim hót, ngắm mặt trời lặn buổi hoàng hôn, dọc đường sẽ ca hát, nói chuyện phiếm.
Rồi bọn tôi sẽ làm một vài việc ý nghĩa, như là đến các trường Đại học nói chuyện chia sẻ về ước mơ và kỹ năng sống, như là tặng sách và xây thư viện mini cho những địa phương chưa có điều kiện, như là tìm các nhân vật với câu chuyện truyền cảm hứng thật hay ho để làm thành những videoclip cho bạn bè khắp nơi xem và học hỏi. Đó sẽ là những ngày không chỉ có rong chơi mà còn có cả những việc hữu ích cho cộng đồng.
Anh người yêu để cùng 'bánh bèo' thì chưa thấy đâu mà đã thấy 5 anh em bánh bột lọc khác vô 'phá đám', tôi gặp Vũ, Rosie, Sương, Phú, Nguyên rồi dự án 'Chuyến xe tuổi trẻ' ra đời. Trên chuyến xe đi qua 15 tỉnh thành, dừng chân ở 10 trường Đại học, gặp gỡ và truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, tôi nhìn thấy tuổi trẻ của mình trong những trăn trở của họ.
Sáu thành viên trong 'Chuyến xe tuổi trẻ'.
Tôi đã từng có một thời gian lạc lối, đó là thời điểm sau khi tôi học xong thạc sĩ ở Hà Lan trở về nước. Tôi đi dạy, đi làm báo ở đài truyền hình, tôi cũng có thời gian làm việc trong Production House nơi sản xuất các TVC quảng cáo, truyền thông, tôi đã làm rất nhiều công việc nhưng không biết mình thật sự muốn gì.
Sốc nhất là cuộc chia tay người yêu sau khi đi du học trở về, đó là mối tình nghiêm túc nhất vì chúng tôi đã nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình. Thời gian yêu nhau, tôi toàn tâm toàn ý vào mối quan hệ này nên lơ là nhiều mối quan tâm khác, đến khi chia tay tôi nhận ra tôi không có gì cho riêng mình.
Đó là bài học lớn trong chuyện tình cảm. Tôi nghĩ mọi phụ nữ nên có sự độc lập nhất định, đi làm dù không kiếm được nhiều tiền thì vẫn nên đi làm. Phụ nữ cũng nên có khoảng thời gian riêng cho mình, đặt tất cả vào tay một người khác thì khi họ đi, mình sẽ không còn gì cả. Tôi nghĩ đó có lẽ là khoảng thời gian tôi chạm đáy rồi.
Thủy Tiên trong buổi nói chuyện tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).
'Trong 'Chuyến xe tuổi trẻ', Vũ đặt ra 3 câu hỏi mà bọn tôi rất ấn tượng: Why not? Vì sao mình không làm chuyện này? Why not now? Tại sao không phải là bây giờ, chờ đến lúc nào nữa? Why not me? Tại sao không phải mình mà phải chờ người khác?'.
Có một câu trong quyển 'Bài giảng cuối cùng' của Randy Pausch mà tôi rất thích 'Chúng ta không thể thay đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó'. Tôi nghĩ khi chạm đáy rồi thì mình chỉ còn có cách đứng dậy đi tiếp thôi.
Tôi đọc sách, học đàn, học yoga và đi làm tình nguyện. Thông qua những chuyến đi, tôi nhận ra điều tôi muốn làm nhất là đào tạo con người. Tôi không cổ súy người trẻ nhất định phải làm ông này bà nọ, nhưng hãy là một người có ích và làm cho bản thân tốt hơn mỗi ngày. Tôi muốn mở một trung tâm để giúp người trẻ trang bị kỹ năng vào đời và hướng về những hoạt động cộng đồng.
Trên hành trình 'Chuyến xe tuổi trẻ' chúng tôi gặp Trúc ở Đà Lạt, một cô gái đã từ bỏ công việc kỹ thuật viên nha khoa lương cao ổn định để mở chuỗi hostel nhằm thỏa mãn ước mơ được gặp gỡ bạn bè khắp nơi khi cô không thể đi khám phá thế giới vì còn vướng bận chuyện gia đình.
Chúng tôi gặp Thịnh ở Đồng Hới (Quảng Bình), chàng trai bỏ việc toàn thời gian trong một tổ chức bảo tồn thiên nhiên để mở quán cà phê chuyên tổ chức những hoạt động giúp mọi người nâng cao tinh thần bảo vệ cây cối, thiên nhiên.
Chúng tôi gặp bác Khuê năm nay đã 76 tuổi rồi nhưng mỗi năm bác đều đi xe máy mấy chục nghìn cây số để quyên góp tiền xây trường cho trẻ em nghèo hoặc mang đồ đạc đến những bản làng xa xôi ít người biết đến. Bác nói một câu mà tôi nhớ mãi: 'Tuổi trẻ là phải sống không dám sợ, phải sống có ích cho bản thân và cho người khác'.
Tôi có cảm giác như ở khắp nơi có nhiều người đang làm nhiều việc tốt, họ đang đốt lên những đốm lửa nhỏ, rồi dần dần những đốm lửa xích lại gần nhau và lớn lên, đất nước mình rồi sẽ có một tương lai tốt đẹp.
'Tôi có đọc đâu đó rằng 'Nếu như bạn có thể tìm được điều bạn thích, biết bạn muốn gì trước tuổi 30 thì chúc mừng bạn là một trong 10% những người hạnh phúc nhất thế giới. Tôi cảm thấy được an ủi là mình được nằm trong 10% những người đó'.
Nhiều bạn hỏi phương châm sống của tôi là gì, tôi nghĩ mãi cũng chỉ là 'Be happy'. Tôi đang sống theo chủ nghĩa tối giản, ăn uống đơn giản, mua sắm theo nhu cầu, đi xe Dream dù ai cũng hỏi sao tôi không đổi xe khác cho sang.
Tôi nghĩ điều cuối cùng khi con người đi làm kiếm tiền hay tìm bạn đời cũng chỉ là để hạnh phúc. Tôi không cần mưu cầu danh phận, trở thành người nổi tiếng, tôi chỉ cần làm những việc mình thích là đã thấy hạnh phúc rồi.
29 tuổi chạm ngõ 30, dù chưa có gia đình, chưa có sự nghiệp rực rỡ nhưng tôi tự hào về khối 'tài sản' là những trải nghiệm mình đã có và con đường sắp tới mình sẽ đi.
Theo Phạm Thủy Tiên (1987): Giảng viên khoa Quan hệ quốc tế ĐH Khoa học xã hội và nhân văn