Giáo dục văn hóa Giao thông cho đoàn viên học sinh
24/12/2009Ai cũng biết TNGT hiện nay ở nước ta đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Có rất nhiều ý kiến, nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng lo ngại trên. Giải quyết quốc nạn trên như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Lộ trình ra sao? Vâng quả thực đây là bài toán khó của các cấp quản lý và sự thành công thì phụ thuộc phần lớn ở ý thức của người tham gia giao thông đặc biệt là lứa tuổi Thanh thiếu niên.
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VÀ GIÁO DỤC VĂN HOÁ GIAO THÔNG TRONG THANH NIÊN HỌC SINH
Ai cũng biết TNGT hiện nay ở nước ta đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Có rất nhiều ý kiến, nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng lo ngại trên. Giải quyết quốc nạn trên như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Lộ trình ra sao? Vâng quả thực đây là bài toán khó của các cấp quản lý và sự thành công thì phụ thuộc phần lớn ở ý thức của người tham gia giao thông đặc biệt là lứa tuổi Thanh thiếu niên.
Trên cơ sở các yêu cầu đặt ra nhằm giảm thiếu TNGT ở nước ta Ủy ban ATGT quốc gia đã xây dựng nội dung cơ bản về VHGT, trong đó xác định: "VHGT được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông" và "coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông".
Lẽ phải, cái đẹp, cái thiện, chuẩn mực đạo đức truyền thống và biểu hiện văn minh hiện đại nói trên thể hiện trước hết ở trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật...
Ở Việt Nam Luật giao thông đường bộ đã có từ lâu nhưng trên thực tế dường như vẫn tồn tại một thứ “luật” bất thành văn là: khi xảy ra tai nạn thì người đi ôtô thì phải đền người đi xe máy; người đi xe máy đền người đi xe đạp; và người đi xe đạp thì đền người đi bộ. Sự đúng sai theo Luật Giao thông do Nhà nước ban hành chỉ là “tình tiết” tăng nặng hay giảm nhẹ mức đền bù mà thôi.
Việc thiếu ý thức tôn trọng pháp luật giao thông như vậy đã dẫn đến nhiều ứng xử giao thông mà một số người vẫn đùa đó là một hành vi kiểu “made in Vietnam”. Khi đã không coi trọng pháp luật giao thông thì người ta cũng chẳng để ý đến cái gọi là “văn hoá giao thông”. Không cần biết đến những người khác cùng tham gia giao thông với mình, nhiều người cứ triệt để nguyên tắc “mạnh ai nấy đi”. Đối với giới trẻ hiện nay, tình trạng đó còn đáng báo động hơn. Ở tất cả mọi nơi từ Thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng hay đến miền núi những câu chuyện đau thương về tai nạn giao thông của lứa tuổi Thanh thiếu niên vẫn đang hàng ngày diễn ra để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Qua một cuộc điều tra về vấn đề vi phạm an toàn giao thông đã cho chúng ta một kết quả rất đáng buồn đó là con số người vi phạm Luật Giao thông bị xử lý ở độ tuổi 16 - 35 chiếm khoảng 80%, 80% sinh viên đi xe máy không giấy phép lái xe, 95% sinh viên khi lái xe máy còn điều khiển sai kỹ thuật và gần 100% học sinh THPT điều khiển xe không có giấy phép vì chưa đủ tuổi...
Trong giới trẻ hiện nay, đặc biệt là tuổi học sinh, sinh viên, việc thiếu văn hoá giao thông nhiều khi đã tạo thành một cách sống mà họ coi đó là sành điệu, là nổi bật và cá tính.
Họ đã bỏ qua một quy tắc quan trọng khi tham gia giao thông với cộng đồng đó là Văn hoá giao thông.
Ai trong chúng ta cũng nhận thấy rõ ràng giữa pháp luật giao thông và “văn hoá giao thông” có mối quan hệ khá khăng khít. Những hành vi, ứng xử “đẹp”, có văn hoá khi tham gia giao thông chỉ có được khi người ta hiểu và tôn trọng luật giao thông. Mặt khác, ý thức về lối sống văn hoá, tôn trọng người cùng tham gia giao thông sẽ là động cơ tốt thúc đẩy mọi người tìm hiểu và chấp hành luật giao thông. Nên chăng, cả hai ý thức này đều cần được song song nhấn mạnh trong những nỗ lực nhằm thay đổi ý thức của người tham gia giao thông.
Vai trò của nhà trường, của Đoàn trường trong việc Giáo dục cho đoàn viên học sinh hiểu và chấp hành đúng luật giao thông, thực hiện tốt Văn hoá giao thông là vấn đề mang tính thời sự và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Vấn đề có ý nghĩa then chốt để xây dựng Văn hoá giao thông là làm chuyển biến nhận thức của học sinh về an toàn giao thông, để làm được điều đó nhà trường và ngành giáo dục phải vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa. Bởi đây là môi trường rất thuận lợi giúp cho học sinh có thể thu nhận được những kiến thức cần thiết về pháp luật nói chung, và vấn đề an toàn giao thông nói riêng. Cần có chương trình giáo dục về an toàn giao thông ngay từ bậc tiểu học.
Các hình thức tuyên truyền cũng cần sinh động hơn, hấp dẫn hơn: sân khấu hoá, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu… Bên cạnh đó, việc cho học sinh thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh vể các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông có thể có sức tác động mạnh mẽ hơn nhiều buổi tuyên truyền, kêu gọi khô khan, đơn điệu.
Xây dựng văn hoá giao thông chính là góp phần giáo dục văn hoá, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn cho chính mình và những người xung quanh.
Trên thực tế việc giáo dục VHGT cho Thanh niên học sinh trong trường học là một vấn đề không quá mới nhưng có lẽ có phạm vi của nó còn hơi rộng và chưa có hiệu quả tốt như chúng ta đang mong đợi. Cần phải có những việc làm thiết thực, có sự phối kết hợp của các lực lượng khác nhau trong xã hội để phát huy cho hết những nét tích cực nhất trong mỗi hành động cụ thể khi đoàn viên thanh niên học sinh tham gia giao thông .
Thông qua giáo dục chúng ta cần hoàn thiện cho đoàn viên học sinh những nét đẹp truyền thống cũng như hiện đại về cách ứng xử văn hóa trên nhiều lĩnh vực trong đó có giao thông. Phải liên tục khơi dậy, vun đắp những nét đẹp trong hoạt động giao thông đó.
Mở đầu bằng Tháng ATGT năm nay và nên có kế hoạch thực hiện bền bỉ, liên tục. Trên cơ sở đó, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực và kiểu chấp hành "đối phó", củng cố kỷ cương giao thông và xây dựng môi trường văn hóa "người vi phạm biết ngượng và bị mọi người chê trách". Tương tự như cách nói dân gian "lạt mềm buộc chặt", một khi môi trường này định hình, dù không có chế tài xử phạt, song một cái nhún vai, một cái lắc đầu hoặc một ánh mắt không đồng tình đối với hành vi vi phạm đôi khi có tác dụng rất lớn...
Trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp đã tổ chức và động viên đông đảo đoàn viên thanh niên tích cực tuyên truyền và tham gia giữ gìn TTATGT với phong trào Thanh niên đồng hành với ATGT.
Từ thực tế phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay như: thành lập các đội thanh niên xung kích; đội thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo TTATGT; đoạn đường, tuyến đường thanh niên tự quản; cổng trường sạch đẹp an toàn; xây dựng bến đò an toàn; các đội tuyên truyền về Văn hóa giao thông; hội thi tìm hiểu Luật GTĐB, ĐTNĐ… diễn ra sôi nổi, hào hứng ở các trường học thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia.
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên đi đầu trong tham gia giữ gìn đảm bảo TTATGT, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX TƯ Đoàn đã thông qua đề án “Đoàn Thanh niên tham gia giữ gìn TTATGT” và mầu áo xanh tình nguyện của các thanh niên cùng lực lượng cảnh sát giao thông trên các tuyến phố, các nút giao thông để giải tỏa, phân luồng giao thông đã trở nên quen thuộc gần gũi trong mắt người dân. Với tinh thần xung kích, Đoàn viên thanh niên Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn đảm bảo TTATGT.
Trên cơ sở đó chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số các ý kiến như sau để việc giáo dục Văn hoá giao thông cho Đoàn viên thanh niên học sinh trong trường học có hiệu quả cao. Đó là :
- Thường xuyên nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; xây dựng nếp sống văn hóa của thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông bằng các hình thức phong phú, đa dạng, gắn lền với quyền lợi và nghĩa vụ của các em.
- Tiếp tục khẳng định, cổ vũ tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc tổ chức các hoạt động tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông trong năm 2009 và những năm tiếp theo.
- Tăng cường các hoạt động truyền thông và kịp thời phản ánh các hoạt động, mở rộng ảnh hưởng tới toàn thể xã hội về cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”.
- Nhà trường phối hợp với công an giao thông trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn về an toàn giao thông cho tuyên truyền viên của Đoàn trường. Trên cơ sở đó các tuyên truyền viên này sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cho các bạn đoàn viên học sinh khác tham gia bằng các hoạt động cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng trường và địa bàn .
- Tổ chức bình chọn “Đại sứ văn hóa giao thông” ở phạm vi trường hoặc liên trường.
- Tổ chức cuộc thi ảnh, thi làm clip với chủ đề: Mũ bảo hiểm cho trẻ em; các tình huống giao thông, các hành vi ứng xử đẹp khi tham gia giao thông
- Tổ chức các ngày hội “Đoàn viên học sinh với văn hóa giao thông”: Thông qua các diễn đàn và ngày hội với các nội dung như tiêu chí cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”; gặp gỡ giao lưu giữa các “Đại sứ văn hóa giao thông” với thanh niên, học sinh, ….
- Phối hợp xây dựng chương trình truyền thông về Cuộc vận động “Đoàn viên học sinh với văn hóa giao thông”;
- Phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Thanh niên, thiếu niên với an toàn giao thông đô thị”.
- In, phát hành tờ rơi, áp phích tuyên truyền: Giới thiệu những tấm ảnh đạt giải cao trong cuộc thi ảnh “Mũ bảo hiểm cho trẻ em”, giới thiệu một số tiêu chí của cuộc vận động “Đoàn viên học sinh với văn hóa giao thông” và các hoạt động của các “Đại sứ văn hóa giao thông”.
Hy vọng trong thời gian tới tất cả các đoàn viên thanh niên trong trường học đều nâng cao ý thức và thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra.