Hành cung Thiên Trường thời Trần: Dấu xưa còn lại
10/01/2022Sau khi lên ngôi Hoàng đế, vua Trần Thái Tông đã quan tâm ngay đến việc xây dựng Hành cung Tức Mặc tại hương Tức mặc (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định), vùng đất phát tích và hiển đạt của vương triều Trần.
Hành cung Tức Mặc được xây dựng chính xác từ năm nào thì sử cũ không nói đến, nhưng qua phân tích từ ghi chép của sử cũ, chúng ta có thể tin rằng Hành cung Tức Mặc đã được xây dựng từ trước năm 1231. “Năm Tân Mão (1231), mùa thu tháng 8, vua ngự đến Hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau” (Đại Việt sử ký toàn thư, 2011:12).
Việc xây dựng cung điện, lầu gác tại Hành cung Tức Mặc vào năm 1239, cũng như việc mở rộng quy mô, nâng tầm vai trò, chức năng của Hành cung Tức Mặc thành phủ Thiên Trường và Hành cung Thiên Trường vào năm 1262 đã được sử cũ ghi chép rất rõ ràng, cho thấy Tức Mặc-Thiên Trường có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị của nhà Trần, của quốc gia Đại Việt, trong thế kỷ 13-14.
Trong hệ thống các hành cung nhà Trần, Tức Mặc-Thiên Trường là hành cung quan trọng nhất, có vai trò như kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Không những thế, vùng đất này còn là căn cứ quân sự, là địa điểm rút lui chiến lược của hoàng tộc Trần khỏi Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên-Mông xâm lược.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, các dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác của Hành cung Tức Mặc-Thiên Trường xưa cơ bản không còn tồn tại trên mặt đất ngày nay. Dấu tích chùa tháp Phổ Minh còn lại đến hôm nay như là sự hiện hữu hiếm hoi, minh chứng vị trí không gian và lịch sử thăng trầm của Hành cung Tức Mặc-Thiên Trường vang bóng một thời.
Hành cung Thiên Trường ra đời là sự phát triển tiếp nối từ Hành cung Tức Mặc. Đại Việt sử ký toàn quyển V kỷ nhà Trần chép: “Mùa xuân, tháng Giêng năm Kỷ Hợi, Thiên Ứng Chính Bình 8 (1239) lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó, sai Chu về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện”. “Tháng Hai năm Nhâm Tuất, Thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc, ban yến tiệc lớn… Đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phí Tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh. Từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này…”.
Qua một số ghi chép trong chính sử cho thấy, năm 1262 khi Thượng hoàng Trần Thái Tông đặc cách hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường thì Hành cung Tức Mặc cũng được đổi theo thành Hành cung Thiên Trường. Từ đây Hành cung Thiên Trường đã trở thành thủ phủ của phủ Thiên Trường, là một trung tâm quyền lực của Đại Việt thời Trần, nơi ngự của các Thượng hoàng và là hậu cứ quân sự trong kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông. Quy mô, diện mạo của hành cung đã dần biến đổi với sự xuất hiện hàng loạt các công trình kiến trúc trải dài thuộc các xã Mỹ Trung, Mỹ Phúc của huyện Mỹ Lộc và một phần của TP Nam Định hiện nay mà trung tâm là các cung điện: Trùng Quang, Trùng Hoa và chùa Phổ Minh.
Hơn sáu thế kỷ trôi qua, chiến tranh, thiên tai tàn phá “cửa biếc, cung vàng” một thuở đã biến mất, một phần đã lùi vào lòng đất, chỉ còn lại ít dấu tích trên mặt đất. Đó là tháp Phổ Minh, bộ cánh cửa gỗ của chùa Phổ Minh, hệ thống rồng đá ở bậc cấp chùa và tháp Phổ Minh cùng hàng trăm chân tảng đá chạm hoa sen tại đền Thiên Trường và chùa Phổ Minh. Dựa vào vị trí của chùa Phổ Minh, có thể nhận định khu vực đền Trần (gồm đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa) thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định hiện nay được xây dựng trên cương vực của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa thuộc Hành cung Thiên Trường thời Trần. Tuy nhiên, để xác định chính xác vị trí, quy mô, hình thái kiến trúc của các cung điện thời Trần thì cơ bản đều phải dựa vào những kết quả khai quật, nghiên cứu của khảo cổ học.
Từ năm 1970 đến nay đã có 49 đợt/cuộc khai quật, thám sát tại các di tích thời Trần nằm trong cương vực Hành cung Thiên Trường và các di tích vệ tinh thuộc huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định. Từ kết quả các cuộc khai quật cho thấy, Khu vực đền Trần-chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) được nhận định là trung tâm của Hành cung Thiên Trường xưa, trong đó có cung điện Trùng Quang-nơi ngự của các Thượng hoàng sau khi nhường ngôi; cung điện Trùng Hoa-nơi ngự của các vua nối ngôi khi về chầu Thượng hoàng; Chùa Phổ Minh là nơi tu hành của vương hầu, quý tộc Trần, đặc biệt, đây còn là nơi gắn liền với những hoạt động của Phật hoàng Trần Nhân Tông mà ngày nay những dấu tích kiến trúc của thời Trần vẫn còn hiện hữu.
Có thể nói, kết quả thám sát và khai quật thăm dò tại khu vực đền Trần – chùa Phổ Minh (khu vực được xác định là trung tâm của Hành cung Thiên Trường) trong gần 4 thập niên qua đã phát hiện được các dấu tích kiến trúc gồm: Hệ thống móng trụ kiến trúc được đầm chặt bằng gạch, ngói vụn; các dải gạch ngói xếp hình hoa chanh viền quanh nền của các kiến trúc; các đường cống thoát nước được xếp bằng gạch hoặc liên kết bằng các ống cống tròn đất nung; các ô ngói xếp hình vuông hoặc bát giác dạng bồn hoa trang trí các viên sỏi trắng; bờ kè nằm nghiêng xếp bằng đá cuội; dấu tích nền sân gạch hoa…
Các dấu tích này tương tự như các dấu tích kiến trúc thời Trần đã xuất lộ tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) và Tam Đường (Thái Bình). Điều đặc biệt kết quả khai quật tại dải đất phía Tây đền Trùng Hoa năm 2006 đã có cơ sở nhận định về quy luật phân bố của các kiến trúc tại đây gồm nhiều thành phần khác nhau được bố cục: phía trước là bồn hoa, ao cảnh; khoảng giữa là kiến trúc nhỏ, ở phía sau là kiến trúc lớn, trên mái có trang trí đầu rồng, đầu phượng đất nung. Phát hiện này là cơ sở cho nhận định về quy mô, phong cách kiến trúc của các cung điện trong Hành cung Thiên Trường.
Đi cùng với các dấu tích kiến trúc là các vật liệu xây dựng rất đa dạng, phong phú như gạch xây, gạch lát nền hoa sen, hoa thị, ngói mũi lá, ngói mũi sen đơn, ngói mũi sen kép, ngói tròn, ngói tráng men… Đáng chú ý là phát hiện khá nhiều gạch chữ nhật có in nổi chữ Hán ở 2 hoặc cả 4 mặt dòng chữ “Vĩnh Ninh Trường”. Điều này có thể đưa ra giả thiết thời Trần có một loại vật liệu được sản xuất riêng, chuyên để xây dựng công trình quan trọng của triều đình. Vật liệu trang trí có: đầu rồng, đầu phượng, uyên ương, lá đề cân, lá đề lệch, đầu đao… mang đặc trưng phong cách thời Trần, có nét tương đồng, kiểu dáng, màu sắc như những hiện vật khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long.
Ngoài ra, các cuộc khai quật thám sát trên cũng thu được hàng ngàn di vật, cổ vật là các đồ dùng sinh hoạt với chất liệu gốm men ngọc, gốm hoa nâu, đất nung, đồ sành…
Kết quả nói trên càng khẳng định di tích đặc biệt quốc gia đền Trần-chùa Phổ Minh thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định hiện nay được xây dựng trên cương vực các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa-Trung tâm của Hành cung Thiên Trường. Kết quả khảo cổ học cũng giúp chúng ta nhận diện về diện mạo khá rõ của quần thể kiến trúc cung điện của Thượng hoàng thời Trần mà đến nay chưa có một di tích cung điện nào thuộc thời Trần có thể so sánh được.
- Theo http://daidoanket.vn/ -