Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Văn hóa - Xã hội

Trang chủ Văn hóa - Xã hội Khai ấn Đền Trần

Khai ấn Đền Trần

01/03/2010

Trong chiều và tối 2/3 (tức ngày 14/1 âm lịch), Nam Định tổ chức lễ khai ấn Đền Trần, nơi thờ các vị vua đời Trần. Cả thành Nam rộn ràng trong không khí là chủ nhà đón khách thập phương về xin ấn, đi lễ. Các nhà nghỉ ở thành phố Nam Định không còn lấy một phòng trống. Dòng người đông đặc tắc nghẽn cả đoạn đường dài vào Đền Trần lúc nửa đêm hôm qua.

Về Đền Trần năm nay, ai cũng lo mình không xin được ấn vua ban, dù chỉ là loại được đóng trên giấy điệp. Để xin được ấn vua ban lúc nửa đêm, người ta phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu, hoặc đến thời điểm khai ấn. Loại này được đóng trên giấy điệp vàng là dành cho "thường dân".

Còn có một loại ấn được đóng trên tấm lụa đỏ, loại này chỉ có rất ít, và chỉ dành cho các quan chức cấp tỉnh, Trung ương về dự. Cứ 10 khắc trên lụa đỏ chỉ có 1 tấm duy nhất là có giá trị vì được cắt ra từ tấm áo hoàng bào của các đời vua. Và nếu ai may mắn được tấm lụa đó thì coi như đã đắc lộc, đắc thọ.

Chỉ mới 4h30 chiều, nhưng Đền Trần đã đông nghẹt người đến tham quan, cầu lễ. Hàng quán hai bên vỉa đường cũng nhờ vậy mà mọc lên san sát. Các nhà nghỉ trong thành phố cháy sạch, không còn lấy một phòng trống. Một lãnh đạo công an thành phố Nam Định cho biết, có mấy người bạn thân ở Hà Nội về, chạy đôn đáo khắp thành phố mà chẳng thuê được nhà nghỉ, đành phải mời khách về nhà riêng của mình.

Một phó phòng CSGT công an tỉnh Nam Định từ sáng đến giờ liên tục bị điện thoại "réo", ông này bảo: "Đấy, toàn là đầu (04) của Hà Nội các cậu gọi để nhờ xin ấn. Nhưng mà giờ đến cả cán bộ lãnh đạo Tổng cục nhờ xin tôi cũng chịu chết, vì đã hết loại ấn in trên lụa đỏ rồi".

Khai an Den Tran

Khách thập phương lễ đền trước giờ khai ấn.

Còn một cán bộ thuộc phòng CSGT cho hay: ý nghĩa khai ấn đầu năm rất đơn giản, chỉ là sau khi nghỉ Tết từ ngày 23 tháng chạp, đến ngày 15 tháng giêng (âm lịch), Vua mới khai ấn để nhập triều làm việc. Thủ tục này vẫn được các cán bộ lãnh đạo Nam Định cùng một số bộ ngành Trung ương tổ chức thường niên và mọi người biết ít đến. Nhưng mấy năm nay, việc này lại trở nên rầm rộ, được mọi người quan tâm, chờ đợi. Không chỉ người Nam Định mà người tứ xứ đổ về chờ đợi thời khắc nửa đêm để xin được một tấm ấn vua ban để được tấn lộc tấn tài trong năm mới.

Mấy năm trước, chưa đến giờ khai ấn, loại ấn đóng trên giấy điệp vàng đã được bày bán tràn lan trên các quán hàng. Nhiều người bảo đó là giả, nhưng người bán hàng khẳng định trăm phầm trăm là thật và được lấy từ trong ra. Năm nay khác hơn, trước thời điểm khai ấn 12 giờ, tịnh không thấy một tấm điệp vàng đóng ấn được bày bán. Hỏi những người bán hàng, ai cũng lắc đầu mà không giải thích gì. Nhiều người đoán gì đoán non: Chắc là sợ công an tóm nên không dám bán. Vậy nhưng theo lời anh xế ôm: "Bán đầy, tại các chị không biết chỗ". Nhưng theo quan niệm của phần đông, ấn phải xin được vào thời khắc khai ấn mới linh thiêng, mới có tài lộc. Đó cũng là lý do mọi người kéo nhau đến vào thời điểm nửa đêm.

Khai an Den Tran

Kiệu rước các đức thánh đời Trần.

Đúng 24h đêm 14 tháng Chạp, Đền Trần chật cứng người, sau nghi lễ khai ấn của 3 lãnh đạo tỉnh Nam Định, dòng người chặt như nêm ùa vào, chen lấn, xin đóng ấn. Đoàn quân "bán ấn" chuyên nghiệp cũng được dịp ra vào như con thoi: đóng ấn, mang ra bán, rồi lại vào "xin ấn". Chen lấn, xếp hàng xin đóng ấn chỉ phải đặt lễ 2.000 đồng. Đứng ngoài cũng có ấn với giá 10.000 đồng, có người mua giá cao hơn 20.000 đồng.

1h sáng 15 tháng Chạp, mọi người bắt đầu ra về, trả lại Đền Trần không khí tĩnh lặng của đêm như chưa hề có lễ hội. Trên tay ai cũng có thêm tấm ấn vua ban, lại khấp khởi hy vọng mọi sự tốt đẹp hơn trong năm tới. Để năm sau hóa vàng tấm ấn cũ và tiếp tục tìm đến Đền Trần xin ấn mới.

Khánh Ngọc