Mahabharata – cả thế gian trong một thiên sử thi
07/10/2021Lần đầu tiên, thiên sử thi vĩ đại Mahabharata được giới thiệu bằng tiếng Việt dưới dạng sách hình ảnh, lộng lẫy và bề thế(*). Lộng lẫy, vì quyển sách của hãng DK tập hợp hơn một nghìn tranh ảnh minh họa. Bề thế, vì bản thân thiên sử thi này được coi là dài nhất trong các thiên sử thi của nhân loại, dù quyển sách của hãng DK chỉ là bản cực kỳ rút gọn.
Nhà văn Hồ Anh Thái bên tượng Ganesha đầu voi mình người – thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng, 1991.
Quả thật đó là một bản thánh kinh cho bất kỳ một cuộc du hành nào trong cõi người. Ta hãy đọc một đoạn, khi Sukra khuyên con gái là Devayani: “Kẻ nào kiên nhẫn chịu đựng những điều xúc phạm của những người xung quanh, kẻ ấy sẽ chinh phục được thế giới. Kẻ nào kiềm chế được cơn nóng giận của mình như một tay kỵ mã trị được con ngựa bất kham, kẻ đó mới thực sự là một người đánh xe chứ không phải một kẻ tay biết cầm dây cương nhưng không điều khiển được ngựa, mặc nó muốn đi đâu tùy thích. Kẻ nào trút bỏ được cơn nóng giận đúng như rắn trút bỏ xác, kẻ đó mới thực sự là một trang anh hào. Kẻ nào không bị gục trước những đau khổ tột cùng do người khác gây nên, kẻ đó đã thực hiện được mục đích của mình. Kẻ nào không bao giờ nổi giận, kẻ ấy đứng cao hơn người thành tâm cúng tế trong một trăm năm. Đầy tớ, bạn bè, anh em, vợ con, đạo đức và lòng trung tín sẽ rời bỏ người nào để cho cơn nóng giận lôi cuốn. Người khôn ngoan không nên bận lòng vì lời nói của bọn tiểu nhân”…
Mahabharata bằng hình – thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ, Lê Thị Oanh dịch, Hồ Anh Thái hiệu đính.
Từ thượng cổ đến nay, đã có muôn vàn tác phẩm văn chương nghệ thuật lấy cảm hứng từ thiên sử thi. Từ thơ ca đến tiểu thuyết, từ ca vũ kịch đến múa rối bóng, từ mỹ thuật cho đến kiến trúc đền đài cung điện, từ lễ hội dân gian cho đến lời ăn tiếng nói hằng ngày, từ điện ảnh đến phim truyền hình… Trong một liên hoan phim quốc tế năm 1989, tôi đã ngồi xem hơn năm tiếng đồng hồ bộ phim Mahabharata của đạo diễn người Anh Peter Brook với dàn diễn viên từ mười bảy nước. Cũng thời gian ấy, truyền hình Ấn Độ phát bộ phim truyền hình gần một trăm tập, giờ chiếu vào buổi sáng chủ nhật, đường phố vắng tanh, thậm chí có cuộc họp đột xuất của các bộ trưởng cũng phải lùi thời gian đến sau giờ chiếu.
Hiện diện trong đời sống hằng ngày
Mahabharata được sáng tác dần dà trong khoảng 1.000 năm. Người đầu tiên kể câu chuyện này là hiền giả Vyasa. Các hiền giả và thi sĩ cổ đại thường là không dùng chữ mà chỉ truyền khẩu, cho nên tương truyền Vyasa đã đọc sử thi Mahabharata cho Ganesha chép thành văn bản. Ganesha đầu voi mình người là thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng, vị thần được người Ấn Độ thờ để làm giàu của cải và giàu kiến thức cho con cháu.
Theo thời gian, Mahabharata trở thành công trình của nhiều đời thi sĩ và triết gia, mỗi đời thêm thắt ít nhiều. Trên thực tế, câu chuyện được truyền khẩu trong dân gian đời này sang đời khác, cuối cùng được tập hợp lại thành văn bản vào khoảng thế kỷ IV.
Bức tranh Krishna đánh xe cho Arjuna ra chiến trường
Cốt lõi là chuyện của hai anh em. Người anh bị mù từ khi lọt lòng, đã mù thì chớ có làm vua, nên người em lên làm vua thay anh. Nhưng rồi người em lại bị ốm đau bệnh tật, đã bệnh tật cũng chớ có làm vua, ông bèn đi vào rừng, để lại vương quốc cho ông anh mù. Một trăm đứa con trai của ông vua mù đòi chiếm toàn bộ vương quốc, đuổi năm anh em Pandava con ông chú vào rừng. Sự tham tàn châm ngòi lửa cho chiến tranh nổ ra.
Krishna giảng “Chí tôn ca” cho Krishna (quần tượng ở Kurukshetra)
Đầu những năm 1990, tôi đã nhiều lần đến quê hương của năm anh em Pandava, đã đến Mathura là quê của Krishna, nhân vật hào hoa trong sử thi với năm trăm cung tần mỹ nữ. Nhưng mãi đến 2018 tôi mới đến Kurukshetra, bãi chiến trường trong thiên sử thi, chỉ cách thủ đô New Delhi 160km. Ở đó còn khu đền trong hồ nước mà nhân vật phản diện Duryodhana ẩn trú trước khi bị kết liễu mạng sống, vẫn còn cây đa cổ thụ tương truyền là nơi Krishna thuyết pháp về bổn phận chiến binh. Tượng đài cỗ xe tứ mã, mô tả tráng sĩ Arjuna chần chừ không muốn tiến quân vì thấy bên phía kẻ thù là những người anh em họ của mình. Nhưng bài thuyết giáo Chí Tôn ca của Krishna về tinh thần chiến binh đã làm cho Arjuna quyết tâm xung trận…
Trên khắp đất nước Ấn Độ, đâu đâu cũng thấy dấu tích của sử thi. Nơi này đã diễn ra cuộc đánh bạc lừa đảo giữa những người anh em họ đến mức nhà Pandava mất một nửa vương quốc và bị lưu đày. Nơi này Krishna tinh nghịch, rình cho các cô mục đồng xuống sông tắm, lấy trộm hết váy áo của các cô, khiến cho các cô phải ở yên dưới nước mà cầu xin chàng trả lại váy áo. Nơi này chàng Arjuna chiến thắng trong cuộc thi kén rể, lấy được công chúa Draupadi. Chàng đưa cô dâu về nhà và gọi mẹ từ ngoài cửa: Mẹ xem con có gì đây này. Bà mẹ không nhìn ra mà nói: Thì con cứ đem chia cho anh em con như mọi bận. Lời nói của bà mẹ có sự chứng giám của các thần, không rút lại được nữa. Nàng Draupadi phải trở thành vợ của năm anh em Pandava…
Câu chuyện trong sử thi không chỉ in dấu ở Ấn Độ mà ngày nay có thể thấy hiện diện trong đền đài và nghệ thuật ở những xứ sở chịu ảnh hưởng văn hóa Hindu xưa như Indonesia, Thái Lan, Campuchia… Chẳng phải đâu xa, chuyện nàng Draupadi với năm ông chồng cũng đã là nguồn cảm hứng cho tôi viết nên chương Một bà năm ông trong tiểu thuyết Dấu về gió xóa (nhà xuất bản Trẻ 2012-2014).
Nhân vật phản diện Duryodhana lẩn trốn trong hồ nước này, trước khi bị giết, kết thúc trận chiến mười tám ngày.
Nỗ lực và mong muốn
Không chỉ coi Mahabharata như thánh kinh, tôi luôn mơ ước tự mình dịch thiên sử thi này ra tiếng Việt, ít nhất là một bản rút gọn khoảng dăm bảy trăm trang. Cho nên tôi rất hào hứng khi họa sĩ Trần Đại Thắng ở công ty Đông A mua bản quyền để dịch bản sử thi của hãng DK. Tôi không thu xếp được thời gian để trực tiếp dịch, nhưng nhận phần làm hiệu đính cho cuốn sách, như vậy cũng coi như phần nào đã thỏa ước mơ.
Cho đến nay, bản dịch tiếng Việt vào loại dày dặn hơn cả là của Cao Huy Đỉnh và Phạm Thủy Ba, nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 1979, dày 500 trang khổ 13x19cm. Cuốn này nhà xuất bản Văn Học tái bản năm 2004, bổ sung phần Bhagvad Gita (Chí Tôn ca) do Nguyễn Quế Dương dịch.
Bản sử thi lần này (Đông A và nhà xuất bản Dân Trí 2021), không chỉ đậm đặc cốt truyện bi hùng, những tình huống li kỳ gay cấn, những huyền thoại, giai thoại éo le hấp dẫn… mà còn dày đặc những khảo sát mang tính lịch sử, những bằng chứng và luận chứng thuyết phục, liên quan đến nhiều khía cạnh của văn hóa Ấn Độ. Đặc biệt, lần đầu tiên người đọc có trong tay một quyển sách hình ảnh, tập hợp trong đó vô số bức tranh, pho tượng đẹp và quý, từ cổ đại cho đến hiện đại, cùng với hình ảnh về các loại hình ca vũ nhạc kịch dân gian cũng như nghệ thuật hiện đại lấy cảm hứng từ Mahabharata.
Người dịch bản sách này là chị Lê Thị Oanh, từng là trưởng cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam tại Ấn Độ. Nhấn mạnh rằng bản sử thi của DK là cuốn sách to tướng, rất ấn tượng về kích thước (khổ 25x30cm), để tiết lộ người chuyển ngữ là một dịch giả bé nhỏ. Người nhỏ nhưng toàn dịch những quyển sách bom tấn: The Usborne Bách khoa lịch sử thế giới (Đông A và nxb Dân Trí 2011), Lịch sử thế giới – chân dung nhân loại theo dòng sự kiện (Đông A và nxb Dân Trí 2017). Chị cũng từng dịch những quyển sách được chú ý như Alice ở xứ sở diệu kỳ, Chú nhóc ở thành Istanbul (tự truyện của Aziz Nesin)…
Lần này dịch giả bé nhỏ lại nhận dịch một quyển sách to là Mahabharata. Tôi thấy thú vị, kể cho chị nghe một giai thoại: vài thế kỷ trước, một nhà xuất bản Pháp đặt kế hoạch dịch sử thi này. Họ chia bộ sử thi cho một nhóm người dịch, đồng thời kêu gọi ai đặt mua trước thì được giảm giá. Hơn hai trăm người đặt mua trước. Nhưng ta đã biết là sử thi này dài gấp mười lần thiên sử thi Iliad và Odyssey cộng lại. Công việc kéo dài hàng chục năm trời. Lần lượt người đặt mua chết hết, rồi người dịch cũng theo nhau qua đời mà bản dịch… vẫn chưa xong.
Chúng tôi, người dịch và người hiệu đính, dù vẫn nhìn vào nhóm người dịch chạy tiếp sức ở xứ Gôloa xưa kia, coi như lời nhắc nhở, nhưng dù sao cũng lượng được sức mình. Vả lại bản sách của DK kích thước to lớn thật, nhưng cũng chỉ là rút gọn, chỉ là phần xương sống căn bản của bộ sử thi. Bản dịch là nỗ lực lớn nhưng khâu chuyển dịch và hiệu đính vẫn chưa thể coi là hoàn toàn mỹ mãn – như chính thiên sử thi, phải mất mười thế kỷ mới dần dần hoàn chỉnh. Dù sao thì chỉ hình dung mà vui nếu mai đây quyển sách lớn này được đặt trên bàn của mỗi gia đình, để kiến thức tinh túy và linh hồn Ấn Độ đến với nhiều thế hệ người Việt.
HỒ ANH THÁI
Nguồn: vanhocsaigon.com