Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Văn hóa - Xã hội

Trang chủ Văn hóa - Xã hội Một Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19

Một Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19

03/06/2020

Hơn 100 ngày nỗ lực căng mình chống dịch, chúng ta có thể tự tin nói rằng: Việt Nam đã đẩy lùi Covid-19. Lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ, học sinh được trở lại trường, đường phố trở lại tấp nập, công sở nhà máy, các hoạt động kinh doanh buôn bán được mở lại. Cuộc sống đã trở lại bình thường trên mảnh đất hình chữ S. Trở lại bình thường - điều đó thật quý giá. Bởi để có được hai chữ “bình thường” đó, Việt Nam đã trải qua một cuộc chiến cam go và căng thẳng, và chúng ta đã vượt qua đại dịch bởi nhờ một hệ thống chính trị chặt chẽ quyết liệt và sáng suốt, mọi tầng lớp nhân dân trên dưới đồng lòng cùng Chính phủ.

Subtitle-01-1589856255923.jpg

Khoảng cuối tháng 11-2019, khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, hầu như chưa ai biết để hình dung nổi chỉ vài tháng sau, virus corona chủng mới đã lan khắp toàn cầu và khiến cả thế giới phải đương đầu với đại dịch.

Info-01-1589856531336.jpg

Còn nhớ, bản tin đầu tiên của Bộ Y tế phát đi, khi đó chưa ai có thể ngờ đến sự nguy hiểm của dịch bệnh. Và liên tiếp sau đó, các bản tin liên tục được cảnh báo, hệ thống y tế dự phòng và các lực lượng chức năng của Việt Nam đã bật tín hiệu phòng, chống dịch ngay từ những ngày đó. 

Việt Nam đã đi một “nước cờ” khác biệt, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chủ động áp dụng giải pháp hành chính và chuyên môn y tế để thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương, tại tất cả các bộ, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.

Nhìn lại cuộc chiến hơn 110 ngày qua, hẳn chúng ta ai cũng nhớ, khi người dân cả nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý, thì ngay đêm 29 Tết (23-1), Chính phủ đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, cả hệ thống chính trị đã được kích hoạt bắt đầu một cuộc chiến chống dịch. Việt Nam xác định tâm thế bước vào một cuộc chiến chưa rõ được mức độ nguy hại của “kẻ địch” khi công bố hai ca nhiễm đầu tiên là người Trung Quốc. Kể từ đó cho đến tận cuối tháng 4 vừa qua, Việt Nam có hàng trăm cuộc họp, cùng với đó là một loạt các Chỉ thị, quy định hết sức cụ thể và áp dụng linh hoạt cho từng giai đoạn chống dịch. 

Một Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19 -0

Ngày 30-1, Thủ tướng ký quyết định công bố thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện "chống dịch như chống giặc", quan điểm là chấp nhận thiệt hại về kinh tế trước mắt để đổi lấy sự an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân.

Lúc này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo rất quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào phòng, chống dịch. Và từ đó cho đến hết tháng 4 vừa qua, khi Thủ tướng tuyên bố: Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi Covid-19, Việt Nam đã xác lập tình trạng chống dịch với nhiều nhiệm vụ kép cho từng giai đoạn chống dịch.

Cùng với sự kích hoạt hết sức hiệu quả của hệ thống y tế dự phòng (CDC) khắp các địa phương, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đã đưa lực lượng quân đội ngay vào trận chiến phòng dịch Covid-19 từ những ngày đầu. Cùng với các quyết sách hết sức táo bạo về yêu cầu cách ly triệt để, y tế các tuyến vừa chuẩn bị cơ sở điều trị tại chỗ, vừa liên tục nghiên cứu phác đồ điều trị, vừa tiến hành các biện pháp phát hiện, truy tìm dấu vết để khoanh vùng và cách ly những ổ dịch.

Một Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19 -0

Các nhà khoa học cũng ngay lập tức vào cuộc tìm hiểu về loại virus corona chủng mới để tìm cách phân lập, nuôi cấy, tìm đường sản xuất cho một loại vaccine "made in Việt Nam". Chính quyền các cấp chưa lúc nào được đặt vào một tình thế cấp bách như thế để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Việt Nam đã chủ động áp dụng một loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Lần đầu tiên, chúng ta công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virrus corona gây ra là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Đây cũng là đại dịch đầu tiên mà chúng ta áp dụng biện pháp cách ly quy mô lớn và tiến tới cách ly toàn xã hội như một số nước trên thế giới.

Một Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19 -0

Các biện pháp của Việt Nam bao giờ cũng đặt ở một mức cao hơn so với khuyến cáo của WHO. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia thực hiện biện pháp ngừng miễn thị thực, hạn chế nhập cảnh và áp dụng hình thức cách ly tập trung với người nhập cảnh từ hoặc đi qua các vùng dịch và với tất cả mọi người nhập cảnh từ ngày 21-3-2020... Các ca bệnh nhập khẩu được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Có thể nói, đại dịch đã làm cho Việt Nam có một cuộc cách mạng trên mặt trận công nghệ thông tin. Hệ thống thông tin trực tuyến từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch  từ Bộ Y tế đến trực tiếp với từng người dân theo từng ngày, từng giai đoạn với nội dung hết sức cụ thể.

Info-04-1589862408214.jpg

Chúng ta cũng ứng dụng triệt để khoa học công nghệ vào trong lĩnh vực phòng chống dịch từ khai báo y tế trực tuyến, thực hiện các cuộc hội chẩn trực tuyến điều trị cho các ca bệnh nặng, phổ biến thông tin, theo dõi giám sát bệnh nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng triển khai ngay hệ thống khai báo y tế cá nhân (nCoV), nhằm giúp truy tìm dấu vết các trường hợp nghi ngờ một cách hiệu quả để tiến hành cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Chỉ đúng 15 ngày sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, ngày 7-2, Việt Nam công bố với thế giới đã phân lập, nuôi cấy được virus SARS-CoV-2 và là nước thứ 4 đạt được thành tựu này. Đây là một kỳ tích của ngành y tế, chứng minh được năng lực sẵn có của chúng ta từ trước đến nay trước những loại virus mới. 

Một Việt Nam trong cuộc với chiến Covid-19 -0

Trên đà đó, Việt Nam đã phát triển được loại sinh phẩm xét nghiệm PCR rất tốt thay thế nguồn nước ngoài và là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể. Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp PCR của Việt Nam đã được WHO, Vương quốc Anh công nhận chất lượng và có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.

Không thể không nhắc tới một bước đi rất nhanh của Việt Nam trong nghiên cứu vaccine phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. Chúng ta đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine phòng Covid-19 và tiêm thử nghiệm trên chuột hơn hai tuần. Các mẫu máu trên chuột thí nghiệm đang được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2. 

Một Việt Nam trong cuộc với chiến Covid-19 -0

Việt Nam đã điều trị khỏi cho 81% ca bệnh, chưa có ca nào tử vong.

Chúng ta đã áp dụng triệt để tất cả các biện pháp cần thiết trong vấn đề đối phó với dịch bệnh. Chiến lược phòng dịch đã đặt rõ ngay từ đầu gồm năm nguyên tắc “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị” và bốn phương châm. Toàn bộ lực lượng y tế của Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo triển khai rất bài bản, từ giám sát đến phát hiện, điều trị, phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19… Chúng ta đã liên tục cập nhật các tình huống, phác đồ điều trị theo kinh nghiệm điều trị của thế giới. 

Info-05-1589858272392.jpg

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ghi nhận việc chúng ta đã xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt với năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Đến ngày 19-5, Việt Nam đã có 33 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và chúng ta vẫn đang ngăn chặn quyết liệt các ca nhập cảnh vào Việt Nam. Thành tựu đó giúp chúng ta là một trong năm nước khống chế được dịch Covid-19 sớm nhất. Trong số 324 ca mắc, chúng ta đã điều trị khỏi cho 81% bệnh nhân và các ca bệnh nặng đều được ngành y tế hội chẩn liên tục, cứu chữa kịp thời, chưa để xảy ra ca nào tử vong. 

Một Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19 -0
Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, trước tình hình đại dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ngày 30-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 
Một Việt Nam trong cuộc với chiến Covid-19 -0
Trong cuộc họp ngày 6-4 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khi Covid đã được đẩy lùi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lên tiếng cảm ơn nhân dân các tầng lớp đã đồng lòng cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch để có được kết quả ngày hôm nay. 
Điều đó thật sự ý nghĩa, bởi hơn 110 ngày qua, sự đồng lòng, chung sức của người dân làm nên sức mạnh để Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19. Nhớ lại những ngày cả nước thực hiện giãn cách, người dân tuân thủ nghiêm túc các chỉ thị, thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn trở nên vắng vẻ, các hàng quán trường học đóng cửa, học sinh nghỉ học ở nhà trong ba tháng, để thấy cuộc sống nhộn nhịp bình thường của những ngày này thật đáng giá. Điều đó có sự góp sức của mỗi người dân Việt Nam.
Info-05-1589858272392.jpg

Hàng chục nghìn chiến sĩ quân đội nhường chỗ ăn, ngủ, ngày đêm canh gác để ngăn chặn nguồn lây xâm nhập. Các “chiến sĩ áo trắng” cũng bước vào một cuộc chiến không kém phần cam go là sàng lọc từng người dân, điều tra dịch tễ, giám sát sức khỏe hằng ngày, khám sức khỏe tại chỗ cho người dân.

Trong chúng ta, không một ai có thể quên hình ảnh những chiến sĩ áo xanh nhường chỗ ở tập trung cho người cách ly; không thể quên hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trên các mặt trận điều tra dịch tễ và điều trị cho người bệnh ngày đêm. Nhiều người mẹ phải xa con tới cả tháng trời để lăn xả ở đầu chiến tuyến, nhiều người bố không được chào đón con đầu lòng trong giây phút vợ hạ sinh. Chúng ta cũng cùng đau xót với nỗi đau chia lìa của những người con phải lập bàn thờ bố mẹ ngay tại khu cách ly vì nhiệm vụ, không thể về nhà để trọn đạo làm con.

Công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 nhận được sự đồng lòng rất lớn của hơn 90 triệu người dân Việt. Ngay sau những lời kêu gọi ủng hộ của chính quyền các cấp, các tập đoàn lớn đã ủng hộ trên mọi chiến tuyến những trang thiết bị bảo hộ, trang thiết bị phòng dịch... Nêu cao tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái" của dân tộc, người dân ủng hộ tuyến đầu bằng những tin nhắn, nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Những cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng… đầm ấm tình người Việt Nam, san sẻ bớt khó khăn cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Những bà mẹ chắt chiu những đồng tiền tiết kiệm, những mớ rau trong vườn… chỉ để muốn góp phần nhỏ vào công cuộc chống dịch vất vả của các chiến sĩ.

Một Việt Nam trong cuộc với chiến Covid-19 -0

Không một ai đứng ngoài và không một ai bị bỏ lại trong cuộc chống dịch. Chính phủ đồng hành với người dân bằng những chính sách hỗ trợ như gói an sinh xã hội cho nhiều nhóm đối tượng khó khăn, chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó. Người dân đồng lòng với sự kêu gọi của Chính phủ qua từng giai đoạn, từ thực hiện giãn cách xã hội, nới lỏng giãn cách một cách từ từ hay chấp hành cách ly tập trung nghiêm ngặt.

Sức mạnh tổng hợp từ sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc, đồng lòng, chung sức, sẻ chia và nghĩa tình tạo nên một Việt Nam mạnh mẽ trước “kẻ thù vô hình”. Việt Nam có được niềm tin cao nhất của nhân dân là bởi chúng ta luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Chúng ta chiến thắng từ các quyết sách đúng và dứt khoát của Đảng, Nhà nước và từ sự đồng lòng hưởng ứng, hợp tác của người dân.

Một Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19 -0
Subtitle-03.jpg

“Cảm ơn Việt Nam” là những lời được nói nhiều nhất và chứa đựng nhiều cảm xúc nhất của những du khách nước ngoài bị mắc kẹt, những bệnh nhân người Trung Quốc, Anh, Brazil, Pháp… trong những ngày qua, khi họ được sống trong một bầu không khí chống dịch quyết liệt nhưng đầy tính nhân văn của Việt Nam.

Nhiều người vượt qua cơn bệnh nguy kịch vì Covid-19 hẳn sẽ không bao giờ quên được những ngày sống trong sợ hãi khi mắc bệnh tại một đất nước xa lạ. Nhưng sau tất cả, hành trang mang về nước của họ là sự cảm kích, là lời cảm ơn và hẹn ngày trở lại Việt Nam thân thiện, nghĩa tình.

77 tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài và Trung tâm Dữ liệu Phi chính phủ nước ngoài - Liên hiệp Hữu nghị bày tỏ sự biết ơn và ủng hộ đối với chính phủ Việt Nam vì đã "vào cuộc kịp thời, hiệu quả và minh bạch trong cuộc chiến nhằm đẩy lùi dịch Covid-19".

“Cha tôi đặc biệt đã giao cho tôi trọng trách rằng: Hãy cảm ơn Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam, những người đã dang tay giúp đỡ khi chúng ta gặp nạn. Các bác sĩ và y tá đã chữa trị cho chúng ta bằng tất cả sức mạnh và sau cùng đã giúp chúng ta khỏi bệnh. Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam!” – là những dòng chữ cảm động của người con trai Li Ding (người Trung Quốc – ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam) thay mặt cha mình cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã giúp người cha vượt qua lưỡi hái tử thần do mắc Covid-19.

Một Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19 -0

Đây cũng là những lời cảm ơn của hai vợ chồng người Anh gửi cán bộ y tế Bệnh viện Trung ương Huế: “Chúng tôi trở về nhà trong tình trạng cách ly xã hội và hàng ngày chứng kiến tin tức kinh khủng về số người tử vong tại hầu hết các thành phố của chúng tôi. So sánh tình trạng đó với cách làm đáng ngưỡng mộ, Việt Nam xử lý dịch Covid-19 thật sự quá tuyệt vời”. Và họ cũng không quên hẹn ngày trở lại cũng như mong có cơ hội được đón tiếp những người bạn Việt Nam quả cảm, nghĩa tình trên đất nước họ.

Là một người nước ngoài tại Việt Nam trong cơn khủng hoảng từ dịch Covid-19, một thầy giáo người Anh - Cormac Loftus đã thổ lộ “tôi thấy rất cảm kích và yên tâm khi được ở đây thay vì ở châu Âu”. Sau khi nhìn thấy dịch Covid-19 khiến chính quê hương mình rơi vào hỗn loạn, anh Cormac Loftus đã có một bức thư viết riêng đăng tải trên Báo Nhân Dân với những lời tâm sự: “Giờ đây, tôi biết rằng, Chính phủ Việt Nam đã hành động đúng. Thông qua hành động sớm bằng việc đóng cửa trường học, hạn chế chuyến bay và cuối cùng là dừng mọi hoạt động nhập cảnh, và nhờ khả năng tiên đoán tình hình, sự lãnh đạo sáng suốt và việc người dân sẵn sàng tuân thủ hướng dẫn, chúng ta đã tránh được những thảm cảnh mà chúng ta đang chứng kiến ở những nơi khác. Với việc ưu tiên con người trước tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã làm một việc đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta”.

Info-05-1589858272392.jpg

Đại sứ các nước đã gửi những lời cảm ơn sâu sắc của mình tới Việt Nam vì đã hỗ trợ công dân nước họ tại các khu cách ly, hỗ trợ công dân trở về nước an toàn, hỗ trợ các trang thiết bị phòng, chống dịch và đặc biệt, họ cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước sự điều trị tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam.

Với tất cả sự ngưỡng mộ và yêu quý, một giáo viên quốc tịch Anh sống tại Hà Nội Wayne Worrell và các người bạn nước ngoài đã xây dựng dự án truyền thông "Cảm ơn Việt Nam - Việt Nam cố lên!". Dự án mang đến những thông điệp cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế và lực lượng chức năng Việt Nam vì những nỗ lực quên mình của họ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, đem lại sự bình yên cho mọi người.

Trong hành trình chống dịch Covid-19, Việt Nam cũng đã nhận được nhiều thư, điện từ lãnh đạo nhiều nước, vùng lãnh thổ thế giới, bày tỏ khâm phục trước những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt là thế giới giành nhiều lời ca ngợi về sự phản ứng nhanh, kịp thời và quyết liệt của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp trong từng giai đoạn chống dịch. 77 tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài và Trung tâm Dữ liệu Phi chính phủ nước ngoài - Liên hiệp Hữu nghị bày tỏ sự biết ơn và ủng hộ đối với chính phủ Việt Nam vì đã "vào cuộc kịp thời, hiệu quả và minh bạch trong cuộc chiến nhằm đẩy lùi dịch Covid-19".

Một Việt Nam trong cuộc với chiến Covid-19 -0

Truyền thông thế giới cũng có không ít những bài báo bày tỏ sự ngạc nhiên, thú vị và ngưỡng mộ về cách Việt Nam chống dịch hiệu quả với chi phí thấp nhất. Tờ l’Obs của Pháp có bài viết khẳng định: "Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu" trong cuộc chiến chống Covid-19. Tác giả bài báo "Không có trường hợp tử vong do virus corona: làm thể nào để giải thích bí quyết Việt Nam?” (tờ Ouest-France) đã viết: Việt Nam đã thực hiện chiến lược "nắm đấm sắt" để dập dịch. Tờ Les Echos của Pháp đánh giá rằng Việt Nam là “một trường hợp ngoại lệ” và khó có nước nào có thể làm tốt hơn.

Trong bài viết "Covid-19: Phép màu ở Việt Nam?" đăng trên tờ Liberation (Giải phóng) ngày 23-4, nhà nghiên cứu Gilles Fumey về lĩnh vực địa lý và văn hóa nhận định, Việt Nam đã vượt qua đại dịch và không có trường hợp tử vong là một kỷ lục vô cùng đặc biệt trên thế giới. Trong khi đó, tờ Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Ðức đặt câu hỏi mở về việc nên chăng các nước phương Tây có thể học hỏi điều gì đó từ cách thức chống dịch của Việt Nam.

Một Việt Nam trong cuộc với chiến Covid-19 -0

Những thành quả đáng khích lệ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam được báo "Mùa xuân nước Nga" gọi là "Phép nhiệm màu Việt Nam - cách một dân tộc quả cảm chiến thắng đại dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam".

“Phải hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân” được quốc tế đánh giá là một hành động trách nhiệm của Đảng và Chính phủ Việt Nam, đã tập hợp được ý chí, sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng trong quá trình chống dịch.

Trong bối cảnh đại dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp với gần trăm nghìn ca mắc mỗi ngày, số tử vong vẫn chưa dừng lại, dù chúng ta đã cơ bản đẩy lùi dịch bệnh nhưng vẫn không hề chủ quan. Chính phủ luôn đưa ra thông điệp cho người dân luôn sẵn sàng ở tư thế chủ động, vừa “thiết lập trạng thái bình thường mới” để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống đồng thời sẵn sàng đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn dân, với việc “bao đê thật chặt” trước làn sóng dịch vẫn còn cao trên thế giới, chúng ta tự tin rằng, dù bất kỳ cuộc chiến cam go nào, Việt Nam cũng không chùn bước.

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử