Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Văn hóa - Xã hội

Trang chủ Văn hóa - Xã hội Những chính sách có hiệu lực từ tháng 11/2012

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 11/2012

02/11/2012

(GD&TĐ) - Nhiều chính sách mới có hiệu thi hành từ tháng 11/2012, trong đó, đáng chú ý là quy định Nâng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ; 3 loại bao bì không phải chịu thuế bảo vệ môi trường; bổ sung quy định cấp lại, cấp mới hộ chiếu phổ thông; mức phí cấp CMND theo mẫu mới từ 20.000 - 70.000 đồng...

Nâng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số:34/2010/NĐ-CP, trong đó nâng mức phạt đối với hành vi chở quá số người cho phép, điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, chạy quá tốc độ,...

Theo đó, điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định phạt tới 15 triệu đồng.

Trường hợp điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định bị phạt tiền từ 600.000 - 10.000.000 đồng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 3.000.000 đồng.

Các quy định mới này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2012.

3 loại bao bì không phải chịu thuế bảo vệ môi trường

Theo Nghị định 69/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP, có 3 loại bao bì đóng gói sẵn hàng hóa không chịu thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể, loại thứ nhất là bao bì đóng gói sẵn hàng hóa nhập khẩu.

Loại thứ hai là bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.

Loại thứ ba là bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua trực tiếp của người sản xuất hoặc người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2012.

Bổ sung quy định cấp lại, cấp mới hộ chiếu phổ thông

 

Nghị định 65/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Chính phủ ban hành, trong đó bổ sung quy định cấp lại, cấp mới hộ chiếu phổ thông.

Trước đây, Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Còn theo Nghị định 65/2012/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành đã bổ sung rõ quy định: Hộ chiếu phổ thông còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

Tại Nghị định 136/2007/NĐ-CP, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm. Việc gia hạn phải thực hiện trước khi hộ chiếu hết hạn ít nhất 30 ngày.

Tại Nghị định 65/2012/NĐ-CP, quy định trên được sửa đổi là: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 6 tháng thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

Quy định về hộ chiếu thuyền viên cũng đã được sửa đổi. Cụ thể, hộ chiếu thuyền viên có giá trị không quá 10 năm (quy định cũ 5 năm) tính từ ngày cấp và không được gia hạn (quy định cũ được gia hạn một lần).

Nghị định 65/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/11/2012.

Mức phí cấp Chứng minh nhân dân mẫu mới

Từ ngày 5/11/2012, mức phí đối với cấp Chứng minh nhân dân (CMND) mới được thực hiện theo quy định tại Thông tư 155/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, mức phí cấp CMND theo mẫu mới từ 20.000 - 70.000 đồng.

Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí CMND mới bằng 50% mức thu quy định trên.

Một số trường hợp không phải nộp lệ phí gồm công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Uỷ ban dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; Công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; Trường hợp cấp đổi CMND mới do Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.

8 loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng không được xuất khẩu

Từ 6/11/2012 chính thức áp dụng việc cấm xuất khẩu 8 loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo Thông tư 04/2012/TT-BXD.

8 loại khoáng sản này gồm: Đá vôi, phụ gia nằm trong Quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng; đá xây dựng thuộc các mỏ tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; đá khối; cát nhiễm mặn; cát xây dựng (cát tự nhiên); cuội, sỏi các loại; felspat (trường thạch) và các loại đất sét, đất đồi.

Phí cấp phép kinh doanh karaoke từ 6-12 triệu đồng

Quy định này được thực hiện từ ngày 5/11/2012 theo Thông tư số 156/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vũ trường.

Cụ thể, tại các thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, mức thu lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke từ 1 đến 5 phòng là 6 triệu đồng/giấy; từ 6 phòng trở lên là 12 triệu đồng/giấy; mức thu lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vũ trường là 15 triệu đồng/giấy.

Tại các khu vực khác, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke bằng 50% các khu vực trên; riêng mức thu lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vũ trường là 10 triệu đồng/giấy.

Thí điểm mức chi tiền lương, thu nhập ngành BHXH

 

Tháng 11 cũng là tháng bắt đầu việc chi trả mức lương mới cho công chức, viên chức các đơn vị Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo Quyết định 37/2012/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm mức chi tiền lương, thu nhập đối với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015.

Đối tượng thí điểm mức chi tiền lương gồm:

1- Công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

2- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số:204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ làm việc trong các tổ chức bảo hiểm xã hội được thành lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định số: 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007;

3- Công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các đơn vị thuộc ngành lao động được giao tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008.

Trên cơ sở số biên chế và dự toán chi hoạt động quản lý được giao, mức chi tiền lương đối với 3 đối tượng nêu trên bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định (lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ).

Vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước phạt đến 50 triệu đồng

Theo Nghị định 66/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2012, vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.

Cụ thể, nếu biếu, tặng cho, trao đổi tài sản nhà nước không đúng quy định bị phạt từ 5-50 triệu đồng. Ngoài ra, phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp...

Người đại diện trình bày nội dung khiếu nại phải là người khiếu nại

Theo Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nạikhi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại.

Việc cử đại điện được thực hiện như sau: Trường hợp có từ 5-10 người khiếu nại thì cử 1 hoặc 2 người đại diện; trường hợp có từ 10 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người.

Việc cử người đại diện để trình bày khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2012.

Sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật

Nghị định 72/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/11 tới nêu rõ, sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật là việc các tổ chức, cá nhân bố trí, lắp đặt đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng; đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng theo quy định.

Các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống lắp đặt mới có trách nhiệm bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã được xây dựng.

Việc lắp đặt, bố trí các đường dây, cáp và đường ống mới vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng phải có các giải pháp bảo đảm sự hoạt động bình thường của hệ thống đã có.

Nghị định cũng nghiêm cấm các hành vi: Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung không tuân thủ quy hoạch đô thị; không đúng giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng theo quy định; lắp đặt đường dây, cáp và đường ống vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung không theo quy định; cản trở việc tham gia sử dụng chung theo quy định; vi phạm quy định về quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Điều chỉnh phí thăm quan Bảo tàng Hải dương học

 

Từ ngày 15/11/2012, mức phí thăm quan Bảo tàng Hải dương học sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 158/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Mức thu đối với người lớn là 30.000 đồng/người/lượt; đối với sinh viên là 15.000 đồng/người/lượt và học sinh là 7.000 đồng/người/lượt.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Quyết định 53/2005/QĐ-BTC, mức phí đối với người lớn được điều chỉnh tăng gấp đôi, từ 15.000 đồng/lượt/người lên mức 30.000 đồng/người/lượt. Mức phí đối với sinh viên tăng từ 7.000 đồng lên 15.000 đồng/người/lượt. Phí thăm quan đối với học sinh được giữ nguyên mức 7.000 đồng/người/lượt.

Bộ Tài chính nêu rõ, không thu phí tham quan Bảo tàng Hải dương học đối với khách tham quan là người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em dưới 6 tuổi hoặc trẻ em có chiều cao dưới 1,2m.

Giảm 50% mức phí tham quan Bảo tàng Hải dương học đối với các trường hợp: Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá; Người cao tuổi; Người khuyết tật nặng theo quy định.

Lộc Hà (TH)

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại