Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Văn hóa - Xã hội

Trang chủ Văn hóa - Xã hội Những vấn đề tâm lý của học sinh khi học online kéo dài

Những vấn đề tâm lý của học sinh khi học online kéo dài

24/12/2021

Việc học online kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, tăng lo âu, giảm tương tác và bị cô lập xã hội, mà nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm.

Thạc sĩ Tô Thị Hoan, chuyên viên Tâm lý học trường học, nhà Tham vấn tâm lý với 7 năm kinh nghiệm, chia sẻ những vấn đề học sinh gặp phải khi học online kéo dài và cách phụ huynh hỗ trợ con giảm thiểu những vấn đề đó:

Sự khốc liệt của làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến học sinh phải trải qua kỳ học online dài nhất từ trước tới nay. Tính tới hiện tại, học sinh ở gần 40 tỉnh, thành đã không đến trường gần nửa năm (bao gồm cả nghỉ hè). Đây cũng là năm học đầu tiên các em phải dự lễ khai giảng online.

Sức khoẻ và sự an toàn là ưu tiên hàng đầu nên học trực tuyến là lựa chọn tốt nhất trong thời gian này. Chúng ta không phủ nhận những tác động tích cực của việc học trực tuyến, như bố mẹ không mất thời gian đưa đón con, trẻ thấy thoải mái vì có thể mặc đồ ở nhà, cơ hội để hình thành và rèn luyện kỹ năng học tập chủ động. Tuy nhiên, việc học trực tuyến trong thời gian kéo dài mang lại rất nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề tâm lý.

Ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu hay thống kê đầy đủ về thực trạng sức khoẻ tâm thần của học sinh trong giai đoạn học online, dưới tác động của Covid-19 nhưng chúng ta cũng có thể được nghe hay chứng kiến nhiều câu chuyện về chủ đề này trong thực tế.

Một vài phụ huynh đã tìm đến tôi để xin tư vấn về tình trạng các hành vi không mong đợi hoặc chống đối của con gia tăng khi học ở nhà. Có những học sinh né tránh học online vì cảm thấy khó thích nghi ở giai đoạn đầu. Và một trong những băn khoăn rất phổ biến của các phụ huynh chính là "con rất dễ bị phân tâm" khi học trực tuyến.

Ngồi trước màn hình máy tính hay điện thoại trong một thời gian dài có thể khiến các em cảm thấy mệt mỏi. Trong giai đoạn Covid-19, một thuật ngữ mới ra đời là "Zoom fatigue" để chỉ sự mệt mỏi và cảm giác kiệt sức sau những cuộc họp hoặc giờ học online kéo dài. "Zoom fatigue" không phải là chẩn đoán chính thức trong tâm lý học hay khoa học về sức khoẻ tâm thần nhưng việc học sinh bị kiệt quệ do đối mặt với màn hình trong thời gian dài cùng lượng kiến thức hay thông tin mới quá nhiều là điều có thể xảy ra.

Thiếu tương tác và cô lập xã hội cũng là vấn đề đáng lo ngại. Khi học trực tiếp, học sinh có nhiều cơ hội để tương tác với nhau trong giờ học và vui chơi cùng nhau vào những giờ giải lao. Còn học trực tuyến thì sự tương tác xã hội giảm đi đáng kể và không còn những giờ giải lao vui chơi cùng bạn bè nữa.

Việc thiếu tương tác xã hội, đặc biệt là với bạn đồng lứa, có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, thiếu động lực và bị cô lập. Ngay cả người lớn cũng cảm thấy trống trải khi không được gặp bạn bè. Trẻ em và thanh thiếu niên thì lại càng cần những buổi vui chơi với bạn bè. Nó giúp các em học được các kỹ năng xã hội. Việc thiếu hụt các tương tác xã hội kéo dài sẽ khiến các em có những khó khăn trong việc hoà nhập, giao lưu và kết nối sau này.Quảng cáoNhiều học sinh cũng có thể rơi vào tình trạng tăng lo âu và căng thẳng khi học trực tuyến. Thứ nhất, lịch trình sinh hoạt của nhiều học sinh có thể bị thay đổi như các em phải học vào buổi tối thay vì ban ngày như trong lớp học truyền thống. Vì ban ngày, các em không có máy tính/ điện thoại để dùng hay bố mẹ không thể giám sát và hỗ trợ. Giờ thức dậy, giờ đi học, giờ làm bài tập, giờ ăn trưa hay giao lưu bạn bè cũng khác so với khi học trực tiếp.

Thứ hai, việc phải tách bạch những sinh hoạt ở nhà và giờ học cũng có thể là khó khăn với nhiều học sinh. Có những em vừa ngồi, nằm trên giường vừa học, kết quả là ngủ luôn trong giờ. Nhiều học sinh sẽ có xu hướng trì hoãn và dễ phân tán bởi một số yếu tố trong môi trường gia đình, không gian ở nhà.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình thu nhập thấp, không đủ khả năng mua các thiết bị công nghệ cho con có thể khiến học sinh giảm lòng tự trọng, giá trị nhận thức cá nhân và khiến các em trở nên lo âu, căng thẳng.

Không chỉ học sinh, sức khoẻ tâm thần của cha mẹ cũng bị ảnh hưởng khi họ cũng căng thẳng vì phải đảm trách vai trò hỗ trợ, giám sát con học online. Tương tự, sức khoẻ tâm thần của giáo viên bị ảnh hưởng và có thể tác động lên học sinh.

Để hỗ trợ được tốt nhất cho trẻ, người lớn, mà đặc biệt là cha mẹ cần sớm nhận biết một vài dấu hiệu cảnh báo về mặt sức khoẻ tâm thần ở trẻ như:

- Sợ hãi và lo lắng quá mức, nỗi buồn kéo dài có thể nhìn thấy.

- Quá hiếu động so với bình thường hoặc so với phần lớn trẻ khác.

- Hành vi ứng xử hung hăng, mất kiểm soát và chống đối.

- Dễ nóng nảy và cáu kỉnh.Quảng cáo- Thu rút, né tránh khỏi các tương tác xã hội.

- Thành tích học tập ở trường giảm đột ngột.

- Mất hứng thú với bạn bè hoặc các hoạt động yêu thích.

- Ăn mất ngon hoặc ăn quá nhiều.

- Thay đổi đột ngột về cân nặng.

- Thay đổi đột ngột thói quen ngủ (ngủ ít, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều) và có thể gặp ác mộng dai dẳng.

- Thường xuyên đau đầu hoặc đau bụng.

- Khó tập trung.

- Trốn học hoặc bỏ học.

Nếu nhận thấy con có một hoặc một vài dấu hiệu bất thường như trên, cha mẹ cần có những biện pháp can thiệp hợp lý như tìm kiếm hỗ trợ từ giáo viên hay từ chuyên gia trong lĩnh vực sức khoẻ tâm thần.

Đặc biệt, cha mẹ hãy thiết lập và duy trì một môi trường tích cực trong gia đình để hỗ trợ sức khoẻ tâm thần của con cũng như cho chính mình.

Thứ nhất, nên tạo cho con không gian học tập riêng để tránh tối đa các yếu tố gây sao nhãng.

Thứ hai, khuyến khích các thói quen lành mạnh, bao gồm: Ngủ đúng giờ (giờ ngủ mỗi ngày không nên chênh nhau quá 30 phút); ngủ đủ giấc (trẻ 6-13 tuổi được khuyến cáo là cần ngủ 9-11 giờ/ngày); ăn đủ bữa và đủ chất; tập thể dục thể thao hàng ngày theo khung giờ nhất định; vui chơi giải trí với các hoạt động không màn hình thay vì tiếp tục giải trí với thiết bị điện tử sau giờ học online.

Thứ ba, giúp con tạo lập và thực hiện một lịch trình đều đặn mỗi ngày. Ngoài thời khoá biểu học tập của con, phụ huynh có thể giúp con lên lịch trình cho cả các hoạt động sinh hoạt khác trong ngày.

Thứ tư, giúp con tăng tương tác xã hội bằng cách tạo không gian và thời gian kết nối với các bạn bè cùng trang lứa (có thể dưới hình thức online khi chưa thể gặp trực tiếp). Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần gia tăng những khoảng thời gian tương tác xã hội chất lượng giữa các thành viên trong gia đình để phần nào bù đắp thiếu hụt về tương tác với cộng đồng lớp học/ trường học của con.

Cuối cùng, hãy tập trung vào việc ghi nhận những điều con làm tốt thay vì chỉ chăm chăm chỉnh sửa những lỗi sai.

 
- Nguồn: VnExpress.net -