Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Văn hóa - Xã hội

Trang chủ Văn hóa - Xã hội Phố cổ Thành Nam - Niềm tự hào của người Nam Định

Phố cổ Thành Nam - Niềm tự hào của người Nam Định

10/01/2022

Khó mà dựng lại một cách thật hệ thống quá trình phát triển đô thị cổ Vị Hoàng qua mỗi thế kỷ, từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19. Nhưng chúng ta có thể hình dung thành phố cổ Nam Định đến thế kỷ 19 đã có những đường phố, những hoạt động sản xuất và thương mại như thế nào.

Không chỉ có 36 phố hàng như ở Hà Nội, theo các nhà nghiên cứu thì xưa Thành Nam có tới 35/38 phố Hàng cùng 4 phố Bến, 4 phố Cửa nức tiếng sầm uất một thời…

Phố Cổ Nam Định thế kỷ 19

Nếu về Nam Định ngày nay du khách vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh phố cổ giữa những đổi thay của thành phố văn hóa đặc trưng vùng Nam sông Hồng xưa.

Bản đồ thành phố tỉnh Nam Định do Hăng-ri Ri-vi-e (Henri-Rivière) vẽ sau khi quân Pháp chiếm đóng Nam Định năm 1883 cho thấy thành phố cổ kính này đến trước cuối thế kỷ 19 đã có một hệ thống đường phố ngang dọc. Thời kỳ này thành phố đã có hơn một vạn dân.

Các phố toả ra từ bờ sông Vị Hoàng và sông Đào, được xếp đặt thành đường ngang và đường dọc như ô bàn cờ tạo thành một khu vực thị dân đông đúc, ôm ấy mặt đông và một phần mạn nam của toà thành Nam Định đồ sộ.

Về mật độ, những đường phố xuyên ngang từ bờ sông đến hào nước bao bọc quanh thành là: Hàng Tiện, Hàng Giầy, Hàng Đồng, phố Hàng Sũ, phố Bến Ngự… đông người ở, nhà cửa xây san sát.

Hai phố chạy song song với dòng sông Vị Hoàng là phố Khách và phố Hàng Lọng.

Image result for phố cổ Thành nam xưa

Thành Cổ Nam Định thời Pháp thuộc

Tháng giêng năm Quý Tỵ, đời Thành Thái thứ 5 (1893) Hoàng Cao Khải, Kinh lược xứ Bắc kỳ gửi thư cho quan đốc học 5 tỉnh yêu cấu mỗi tỉnh làm một quyển địa dư chí tỉnh mình. Nguyễn Ôn Ngọc, đốc học Nam Định đã cùng các giáo thụ, huấn đạo các phủ huyện biên soạn. Năm tháng sau đã hoàn thành cuốn “Nam Định tỉnh địa dư chí”. Về thành phố ngày đó, Nguyễn Ôn Ngọc viết:

“… Tuy trước đây gặp nhiều lần binh hỏa, nhưng phong hội ngày càng mở mang, buôn bán ngày càng tấp nập, nay đã dần dần trở nên nơi đô hội vui vẻ. Hơn nữa dọc theo dải sông Vị Hoàng, sông Đào ôm ấp lấy thành phố, ở Năng Tĩnh thì có 3 đò ngang (Đò Quan, Đò Bái, Đò Chè), ở Đông Mạc có 3 đò dọc (đi Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình), thuyền buôn ở các tỉnh đổ đến, buôn bán hàng hóa – Ở trên xuống thì có các tỉnh Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên. Ở trong ra thì có các tỉnh từ Phan Thiết đến Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình. Xe thuyền nhóm họp, đồ đạc, hàng hóa đã nhiều, gỗ tre cũng đủ. Thêm vào đó lại có hỏa thuyền (tàu thủy) ngày đêm chuyên chở khách buôn qua lại như mắc cửi, đường thuỷ lại càng thuận lợi. Thuyền bè chật bến, sự buôn bán tấp nập, thành phố trở nên một xứ đô hội, (thứ nhất Hà Nội, thứ nhì là Nam Định). Từ Vị Xuyên đến Năng Tĩnh, từ Cửa Nam trải qua Cửa Đông đến Cửa Tây có 12 phố, ba chợ họp đông vui: chợ Rồng, chợ Phượng, chợ Hoàng”.

Image result for phố cổ Thành nam xưa

Cảnh bến đò quan xưa

Như vậy, Thành cổ Nam Định một thời từng là nơi buôn bán sầm uất nức tiếng không thua kém gì Thăng Long, Phố Hiến, những nét văn hóa và đặc tính của một vùng đất năng động nhạy bén vẫn còn ăn sâu vào phong cách của những người con Nam Định ngày nay.

Các phố được kể như trong bài “Nam thành cảnh trí” mô tả bằng thể văn vần:

Thành Nam cảnh trí an bài
Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông.
Nhất thành là phố Cửa Đông.
Nhất lịch Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Thao.
Hàng Giầy đẹp khách yêu đào.
Muốn tìm quốc sĩ thì vào Văn Nhân.
Ba năm một hội phong văn
Lại lều lại chõng về thăm Cửa Trường.
Ngọt ngào lên đến Hàng Đường
Say sưa Hàng Rượu, phô trương Hàng Cầm
Vải Màn nhỏ chỉ, nõn bông,
Hàng Cấp dệt lĩnh, Hàng Song buôn thừng.
Hàng Dầu, Hàng Lạc, Hàng Vừng,
Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen,
Hàng Vàng lắm bạc nhiều tiền,
Hàng Sơn gắn bó gần bên Hàng Quỳ.
Trăm năm nghĩa bạc tình nghi
Hàng Đàn, Hàng Ghế chung nghề làm ăn.
Hàng Tiện, Hàng Sũ, Hàng Mâm
Gặp nhau Bến Gỗ, vui sân một nhà.
Hàng Cót, Hàng Sắt bao xa
Ai về Bến Ngự rẽ ra Khoái Đồng
Cột Cờ lên đó mà trông,
Đò Chè lơ lửng bến sông cắm sào.
Phố Khách buôn bán vui sao,
Lợi quyền chểnh mảng nỡ trao tay người.
Hàng Dầu, Hàng Mã, Hàng Nồi,
Hàng Trống, Hàng Thiếc, lên chơi Hàng Thùng
Hàng Cau, Hàng Nón tưng bừng,
Thành Nam văn vật lẫy lừng là đây
Lang sa có mặt từ ngày,
Đỏ đèn Bến Củi đoạ đày hồng nhan
Hàng Thao tấp nập canh tàn,
Tám nghề, bảy chữ mở hàng phấn son
Đình tàn cây quế héo hon,
Giáo phường cốt cách chẳng còn như xưa
Liễu Đào trải mấy nắng mưa,
Cầm tan phách lối đã thừa xót xa.
Trông về đất cũ quê nhà,
Lò Trâu, Bến Nứa thật là đau thương
Ao tù Thượng Lỗi chán chường,
Tịch điền Năng Tĩnh âm hồn oán ma
Cổng Hậu, Ngã Sáu, Cầu Gia
Trường Thi phút chốc hoá ra hận trường
Hắt hiu Văn Miếu cổ tàn,
Nhường như sĩ tử thở than lỗi thời.
Buồn thay lễ nghĩa suy đồi
Thánh Trần sao lại cùng ngồi Thánh Quan?
Đền Ông hương khói mơ màng,
Chùa Rào cùng với Cửa Nam tơi bời
Phù Long, Đồn Thuỷ qua chơi
Quê hương đất cũ ngậm ngùi tàn canh
Non xưa nước cũ tan tành
Nào ai phá luỹ, dâng thành là ai?

Theo PV/tintucnamdinh.vn