Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Văn hóa - Xã hội

Trang chủ Văn hóa - Xã hội Thiên Trường - Nam Định trong thơ xưa và nay

Thiên Trường - Nam Định trong thơ xưa và nay

10/10/2012

Thiên Trường - Nam Định, mảnh đất địa linh nhân kiệt luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân, danh sỹ...

Từ thời Trần, các vị vua đầu triều, các công khanh, vương hầu đã có những áng tuyệt bút về hành cung Thiên Trường, về hào khí Đông A một thời vang dội. Trong bài thơ “Hạnh Thiên Trường hành cung”, Trần Thánh Tông - vị vua thứ 2 của triều Trần đã coi hành cung Thiên Trường như một châu trong 11 châu tiên: “Cảnh thanh u vật cũng thanh u/ Mười một tiên châu đây một châu/ Trăm tiếng đàn ca chim sánh giọng/ Nghìn hàng tôi tớ quất nhô đầu”. Vua Trần Nhân Tông trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” đã vẽ nên bức tranh làng xóm thật yên bình: “Trước xóm sau thôn tựa khói lồng/ Bóng chiều dường có lại dường không/ Mục đồng sáo vẳng trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”. Phạm Sư Mạnh trong bài thơ “Thiên Trường ký sự” cũng giúp chúng ta hình dung được về một triều đại vàng son: “Sông Vĩnh bao quanh điện cửu trùng/ Đoàn thuyền thuận gió lướt thong dong/ Đôi bờ sương phủ vườn kim quất/ Lắc rắc mưa rươi rải khắp vùng”. Trần Đạo Tái - con của Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải khi mới 14 tuổi cũng có tập thơ “Thiên Trường cảnh vịnh” 60 bài, trong đó bài thơ “Tức Mặc hành đô” cho thấy sự đông vui, phồn thịnh của hành đô Tức Mặc: “Người về năm ngả, dời sao nỡ/ Vui nghiệp tứ dân, đâu sánh cùng/ Xanh đỏ tới chầu xe ngựa tụ/ Nến đèn suốt sáng nói cười đông”. Nguyễn Phi Khanh - thân phụ của danh thần Nguyễn Trãi trong bài “Cảm xúc sau khi thi ở Thiên Trường”, giữa lúc tâm hồn đang nặng trĩu những nỗi niềm riêng vẫn không thể thờ ơ trước vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây:“Gió xuân vườn ngự hoa lay động/ Mưa bụi phương trời liễu tốt tươi”.

Không chỉ giúp các thế hệ sau hình dung được phần nào diện mạo hành cung Thiên Trường một thuở với những lầu son gác tía, cung điện nguy nga, nhiều bài thơ còn được xem như bằng chứng xác thực về nguồn gốc, xuất xứ của những tục lệ vốn có từ lâu đời của nhà Trần. Đỗ Hựu, vị Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Tuất (1478) sinh thời đã viết trong bài thơ “Đêm 14 đi thăm hội khai ấn”: “Từng nghe ngày trước Trần vương/ Tức Mặc còn đó tổ đường nơi đây/ Dời về Vạn Khoảnh đất này/ Khang thôn định trạch thảo ngay hoà hài/ Lòng thành tế cá hôm mai/ Khai Ấn cầu vọng lâu dài yên vui/ Đến nay đâu sánh ở đời/ Dân thôn mãi mãi bày lời tạ ơn”. Tiếp nối mạch nguồn cảm hứng thi ca của ông cha, các nhà thơ sau này đã viết về Thiên Trường - Nam Định, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt, những dấu mốc đáng nhớ trong biết bao thăng trầm của lịch sử. Nhà thơ Tú Xương đã thể hiện tình cảm sâu nặng với mảnh đất Thành Nam qua những bài thơ chan chứa nỗi niềm. Trong thơ ông, làng Vỵ Hoàng với cảnh sắc, con người, nếp sống, truyền thống và cả sự đổi thay… luôn là nguồn cảm hứng thi ca bất tận. Trong bài thơ “Vỵ Hoàng hoài cổ”, nhà thơ đã ca ngợi truyền thống học hành khoa bảng của quê hương Nam Định: “Nô nức qua chơi phố Vỵ Hoàng/ Này nơi phong vận, đất nhiều quan”. Sự biến thiên của đất Thành Nam khi thực dân Pháp vào đô hộ cũng in đậm trong thơ Tú Xương. Sau khi công sứ, tổng đốc cho lấp sông Vỵ, phá thành cổ, chợ Vỵ Hoàng, phố Hàng Nâu bị đổi tên, nhiều phố cổ của Nam Định bị mang tên biển chữ Tây khiến nhà thơ không khỏi xót xa: “Trời kia xui khiến sông nên bãi/ Ai khéo xoay ra phố nửa làng”. Nam Định một thời phồn hoa đô hội chẳng thua chốn kinh kỳ. Đọc bài thơ “Nam thành cảnh trí” có từ thời Pháp thuộc, chúng ta có thể hình dung rõ nét về một Thành Nam đất học, đất nghề: “Thành Nam cảnh trí an bài/ Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông/ Nhất thành là phố Cửa Đông/ Nhất lịch Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Thao/ Hàng Giầy đẹp khách yêu đào/ Muốn tìm quốc sỹ thì vào Văn Nhân/ Ba năm một hội phong vân/ Lại lều lại chõng về thăm Cửa Trường…”. Thơ viết về Nam Định những năm chống Mỹ thể hiện tinh thần lạc quan và ý chí quyết chiến, quyết thắng của những con người Thành Nam. Bài thơ “Hoa thành phố Dệt” (Vũ Quốc Ái) đã thể hiện sức sống bất diệt ở mảnh đất từng chịu biết bao bom đạn khốc liệt của kẻ thù: “Sau những trận Hàng Dầu, Bến Thóc, Hàng Thao…/ Mùa xuân nay hoa đào thành phố Dệt/ Vẫn tươi đỏ những nụ cười trẻ đẹp/ Và soi trên sóng nước sông Đào/ Hồ Vỵ Xuyên bom ném lối công viên/ Cây lá vẫn bền màu xanh dũng cảm/ Trời thành phố đã nhiều phen tung sấm/ Soi gương hồ thăm thẳm bóng hoa in”. Bài thơ “Quê ta thành phố Dệt” (Nguyễn Bính) toát lên khí thế bừng bừng trong sản xuất và chiến đấu, thể hiện tính chất toàn diện của cuộc chiến tranh nhân dân: “Mỗi gốc cây đã biến thành công sự/ Mỗi nhà dân thành những pháo đài/ Và mỗi người đã trở thành chiến sỹ/ Làm việc bằng hai, đánh giặc cũng bằng hai”. Cùng chung cảm hứng ngợi ca đất và người Thành Nam anh dũng, kiên cường trong sản xuất và chiến đấu, hăng hái trong dựng xây quê hương sau chiến tranh là rất nhiều bài thơ khác của thế hệ nhà thơ chống Mỹ: “Sắc mùa xuân trên bản đồ quy hoạch” (Vũ Minh Am), “Nhà máy của ta” (Bùi Công Tường), “Viên gạch ở Hàng Thao” (Thanh Tùng), “Nam Định, thành phố tuổi thơ” (Phạm Đình Ân), “Thành Nam ta có cột cờ” (Đỗ Phú Nhuận), “Điều em hằng mong” (Hoàng Trung Thuỷ), “Nhà bưu điện thành phố” (Vũ Ngọc Phác), “Bia căm thù ở Hàng Thao” (Phạm Trường Thi), “Mùa xuân Thành phố Dệt” (Phạm Quốc Tuấn), “Hàng Nâu” (Trần Đắc Trung), “Chợ Rồng” (Phạm Như Hà)…

Thiên Trường - Nam Định trải qua 750 năm đang vững bước đi lên trên con đường đổi mới với những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực sẽ tiếp tục tạo nguồn cảm hứng để các nhà thơ hôm nay có thêm những áng thơ hay về một Thành Nam hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống; để Thành Nam mãi là nỗi nhớ niềm thương trong lòng những người con xa xứ, đúng như những câu thơ của Trường Giang trong bài thơ “Với Nam Định”:

“Ra Bắc, vào Nam ngược xuôi trăm ngả
Không nguôi nhớ về thành phố quê ta
Ôi Nam Định! như mẹ hiền rộng lượng
Vẫn ngóng chờ mình đấy, dẫu mình xa…”

Lam Hồng

Nguồn tin: Báo Nam Định