Tố chất Việt và giáo dục Việt đang ở đâu? (Phần 1)
22/11/2009(Tuần Vietnamnet)Tác giả: Nguyễn Việt (CHLB Đức, 11/2009) Càng tự hào về tố chất Việt, chúng ta càng phải đặt câu hỏi, tại sao đất nước chúng ta vẫn thiếu nhân tài, dân ta vẫn nghèo, đất nước vẫn còn lạc hậu? Sẽ là quá đơn giản, vô trách nhiệm và ngụy biện nữa, nếu chúng ta cứ tìm cách đổ tội cho chiến tranh
LTS: Dẫn thống kê của chính phủ Đức, tác giả Việt Nguyễn, người đang sống ở CHLB Đức cho biết, gần 60% học sinh Việt Nam ở Đức đạt trình độ "tinh hoa", hơn hẳn hai nhóm theo sau là Đức và Nga (trên 40%). Tác giả quả quyết, hiện tượng học sinh Việt ở Đức cũng chẳng khác gì hiện tượng tương tự ở Mỹ, ở Canada hay đâu đó có người Việt đặt chân tới. Ở đâu thì truyền thống hiếu học, cần cù của dân tộc ta cũng luôn được phát huy, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhưng tại sao chúng ta vẫn thiếu nhân tài, dân ta vẫn nghèo, đất nước vẫn còn lạc hậu? Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết 2 kỳ của ông như một tư liệu để mọi người cùng thảo luận.
Tố chất Việt Nam
Vừa qua, đài truyền hình ZDF của Đức có chương trình nói về vấn đề hội nhập của thanh niên có nguồn gốc nhập cư, một đề tài đang nóng lên sau khi liên minh trung tả CDU/CSU/FDP thắng cử tại cuộc bầu cử quốc hội cuối tháng 9 vừa qua. Điều làm tôi quan tâm đến là ZDF đã chứng minh trường hợp học sinh Việt Nam thành đạt tại Đức bằng biểu đồ so sánh tỷ lệ học sinh được vào trường Gymnasium (bên Anh gọi là Grammar shool, loại trường dành cho học sinh khá, giỏi có khả năng sau này vào đại học, bắt đầu từ lớp 5 đến lớp 12).
Học sinh các trường Gymnasium ở Đức còn được gọi là Elite-Schüler (học sinh tinh hoa). Theo biểu đồ này: tỷ lệ học sinh hết cấp 1 đuợc tuyển vào Gymnasium toàn quốc là 27%; tỷ lệ học sinh gốc Việt vào Gymnasium là 55%; tỷ lệ học sinh gốc Thổ Nhĩ Kỳ đạt trình độ đó là 11%.
Vì không tìm được biểu đồ này trên trang web của ZDF, nên tôi phải vào trang web báo Zeit (Thời đại) và tìm thấy bài viết tương tự về hiện tượng này (http://www.zeit.de/2009/05/B-Vietnamesen), trong đó có bảng thống kê chính thức, mới nhất của cục thống kê liên bang Đức.
Thống kê này cho thấy gần 60% học sinh Việt Nam ở Đức đạt trình độ "tinh hoa", hơn hẳn hai nhóm theo sau là Đức và Nga (trên 40%). Hiện tượng này làm cho nhiều chính khách Đức hết sức ngạc nhiên và họ đã không ngần ngại dùng nó để đả phá lại ý kiến của nhiều cộng đồng nhập cư khác (đặc biệt là các cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-Rập). Các cộng đồng này cho là con cái họ ít thành đạt vì chính sách nhập cư yếu kém của chính phủ Đức.
Thành thực mà nói, là dân nhập cư, tôi luôn dạy các con tôi phải biết ơn chính phủ và nhân dân Đức đã tạo điều kiện giúp chúng tôi hội nhập vào một xã hội văn minh, dân chủ, bình đẳng. Họ bình đẳng đến mức mà trên căn cước và mọi giấy tờ của tôi, nơi sinh chỉ được phép ghi là Binh Dinh (Bình Định), hoặc trên giấy tờ của vợ tôi thì chỉ ghi là Son Tay (Sơn Tây), có nghĩa là mọi quan chức, từ cảnh sát đến phòng thuế, khi tiếp xúc chúng tôi, không được phép hỏi và biết là chúng tôi thuộc gốc dân nào. Do vậy ý kiến của một số đại diện cộng đồng kia chỉ có thể là ngụy biện và tỷ lệ rất cao học sinh Việt Nam lọt vào các trường tinh hoa của Đức đã làm cho họ lúng túng.
Hiện tượng học sinh Việt ở Đức cũng chẳng khác gì hiện tượng tương tự ở Mỹ, ở Canada hay đâu đó có người Việt đặt chân tới. Ở đâu thì truyền thống hiếu học, cần cù của dân tộc ta cũng luôn được phát huy, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bên cạnh đó, một điều không thể chối cãi được là tố chất thông minh của người Việt. Bởi vì chỉ hiếu học, cần cù sẽ không có những tên tuổi được thế giới công nhận như Nguyễn An (kiến trúc sư xây thành cổ Bắc Kinh và trị thủy sông Hoàng) hay Trương Trọng Thi (phát minh ra máy tính cá nhân) và thời hiện đại thì như Phan Đình Diệu (Lý thuyết automat).
Khi đi thăm Sillicon Valley ở San Jose, tôi đã gặp rất nhiều trí thức trẻ gốc Việt nắm các vị trí cao tại các tập đoàn điện tử viễn thông của Mỹ. Tất cả các cháu đều là thế hệ 2, thế hệ 3 của dòng người Việt tỵ nạn, sang đây từ những năm 70-80 thế kỷ trước. Quá nửa các cháu mà tôi gặp là con nhà nghèo, cha mẹ từng chỉ làm những công việc chân tay vất vả khi mới sang đây, luơng mỗi giờ vài USD, nhưng luôn động viên con cái học hành.
Philipp Roesler, bộ trưởng Y tế Đức. Ảnh: Reuters. |
Hiện tượng ông Philipp Roesler, một trí thức gốc Việt, từ Bộ truởng kinh tế bang Niedersachsen đuợc đề bạt lên làm Bộ trưởng Bộ Y tế chính phủ liên bang Đức ở tuổi 36 lại càng làm tăng vọt sự chú ý của dư luận Đức về cộng đồng nguời Việt và làm cho cộng đồng ta tại Đức rất tự hào. Tuy bản thân ông Roesler, sinh ra ở Khánh Hòa năm 1973, đuợc gia đình bố mẹ nuôi mang về Đức từ lúc 9 tháng tuổi, không hề chịu ảnh hưởng gì từ văn hóa Việt, nhưng trong các dịp tiếp xúc với cộng đồng, ông không bao giờ dấu giếm sự gắn bó huyết thống này.
Việt Nam có thể nghèo đuợc không?
Càng tự hào về nguồn gốc, về tố chất Việt, chúng ta càng phải đặt câu hỏi, tại sao đất nước chúng ta vẫn thiếu nhân tài, dân ta vẫn nghèo, đất nước vẫn còn lạc hậu? Sẽ là quá đơn giản, vô trách nhiệm và ngụy biện nữa, nếu chúng ta cứ tìm cách đổ tội cho chiến tranh. Quê tôi ở Bình Định, nơi mà sư đoàn Bạch Hổ của Hàn Quốc đã đóng quân trong chiến tranh. Nhiều nguời lính Hàn khi đó sang Việt Nam đã chỉ mơ ước nuớc họ giầu có như Việt Nam ta vào những năm 60. Chỉ 30 năm sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, năm 1982 Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia công nghiệp với tổng thu nhập đầu người trên 11.000 USD (con số này hiện nay là 28.000 USD, trong khi năm 1965 nuớc bạn còn nghèo hơn ta).
Hãy nhìn sang dân tộc Do Thái. Họ xây dựng lại đất nước từ con số không, sau hàng ngàn năm mất nuớc, mất cả tiếng nói, mất cả chữ viết, bị tiêu diệt, bị đồng hóa gần như tiệt chủng. Năm 1948 một triệu người Do Thái sống sót từ các trại tập trung khắp châu Âu quay về xây dựng lại đất tổ Israel, giữa vòng vây trùng điệp của một trăm triệu nguời Ả Rập.
Vậy mà sau hơn 30 năm, nhà nuớc Israel đã trở thành một quốc gia kỹ nghệ cao, có bộ máy quân sự hùng mạnh nhất tại Trung Đông và có thể nói, ngày nay nguời Do Thái đã chuyển từ số phận kẻ bị đe dọa tuyệt chủng thành kẻ nắm sinh mệnh của dân tộc khác. Ở đây tôi không muốn bàn đến mặt trái "vô trách nhiệm" của nhà nuớc Israel trong vấn đề hòa bình với dân tộc láng giềng Palestine, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến ý chí tự cường và sự thành công của một dân tộc bị bao vây đến mức đó. Hoàn cảnh quốc tế đối với nuớc ta suốt mấy chục năm qua thuận lợi hơn rất nhiều, đó là chưa kể các thuận lợi về nội lực.
Chắc chắn có nhiều bạn đọc không thích cái điệp khúc "đất nước ta rừng vàng biển bạc". Nhưng tôi đã đi nhiều nước và phải công nhận một điều rằng Việt Nam quả là một đất nuớc giàu có tài nguyên. Trong khi ở mọi nơi trên thế giới, nhân loại đang lo lắng về thiếu năng lượng, bất kể tạo ra từ khoáng sản hay từ nuớc, từ gió, từ nắng, thì nuớc ta thừa thãi các nguồn này.
Nước Đức trung bình có 1000 giờ nắng trong năm, chính phủ phải bù lỗ để dân chúng làm pin mặt trời trên mái nhà để bán lại cho mạng quốc gia. Ngược lại nước ta có hơn 2200 giờ nắng trong năm với cường độ bức xạ mặt trời cao hơn nhiều thì lại không làm đuợc việc đó. Trong khi hơn 2/3 nhân loại đang lo sợ về khan hiếm lương thực, về nguồn nuớc, về dự trữ dầu mỏ thì Việt Nam ta có đầy đủ mọi thứ.
Ảnh: VnEpress.net |
Các nước công nghiệp hóa đang lo ngại về nguồn nhân lực trong lúc chúng ta lại có thừa. Như vậy nếu đất nuớc chúng ta có thiếu thốn và nghèo đói, chẳng qua tại chúng ta chưa biết quản lý và khai thác.
Một đạo diễn điện ảnh người Đức, bạn tôi, đã từng lăn lộn bao năm trong chiến tranh để giúp ta, khi sang thăm Việt Nam có nói với tôi: "Đất nuớc cậu như vậy, làm cho nó nghèo đi còn khó hơn là giữ cho nó giầu có!". Câu nói đó tuy đầy vẻ hài huớc của một nghệ sỹ, nhưng rất đáng để chúng ta suy nghĩ.
Tất cả các cường quốc trỗi dậy sau chiến tranh như Đức, Nhật, Israel, Hàn Quốc đều không thể có những điều kiện thuận lợi mà trời phú cho dân tộc ta. Các nuớc Đức và Nhật hầu như không có tài nguyên gì đáng kể, Israel thì nằm lọt trong một vùng hoang mạc cằn cỗi. Hàn Quốc và Israel luôn ở trong tình trạng nửa chiến tranh và phải chi phí cho một ngân sách quốc phòng gấp nhiều lần nuớc ta. Thành công của các dân tộc này chính là nhờ yếu tố con nguời, và để phát huy được yếu tố này, họ đã coi con người là mục tiêu của công cuộc xây dựng đất nuớc.
(Còn nữa)