Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục "Tôi không tin có chuyện tiêu cực trong việc lập đội tuyển thi HSG"

"Tôi không tin có chuyện tiêu cực trong việc lập đội tuyển thi HSG"

20/01/2012

“Tôi cũng biết đôi khi có người nói tới tiêu cực trong việc lập đội tuyển. Bản thân tôi chẳng tin chuyện này, vì nếu làm vậy thì làm sao thắng được các bạn nơi khác? Mà nếu có gặp may thì chỉ gặp may một lần thi, chứ làm sao may cả 3 kì thi (cấp huyện, tỉnh và quốc gia)?” – GS. Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, Bộ GD&ĐT trả lời Báo Giáo dục và Thời đại Online xung quanh vấn đề về phong trào thi học sinh giỏi hiện nay.

PV: Hiện nay có một số ý kiến trái chiều về việc thi học sinh giỏi. Ông suy nghĩ thế nào về ý nghĩa của phong trào thi học sinh giỏi ở nước ta đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo?

GS. Lê Tuấn Hoa: Là một người trưởng thành nhờ thi học sinh giỏi, tôi luôn luôn đánh giá cao phong trào này. Nếu không có các kì thi học sinh giỏi, rất khó có thể tưởng tượng tôi có thể vượt xa lũy tre làng (lúc tôi nhỏ còn rất nhiều tre). Điều tôi nói không chỉ đúng với thời xa xưa của chúng tôi, mà chắc chắn vẫn đúng với ngày nay và cho cả mai sau.

Đây là một sân chơi tự nguyện, có nhiều cấp độ, phù hợp với nhiều học sinh có năng lực khác nhau. Bạn khá thì có thể đạt giải của trường. Được xem là  một trong 5-10 bạn giỏi nhất trong số 100 – 500 bạn cùng lứa (tùy qui mô của trường) cũng đáng hãnh diện lắm chứ. Bố mẹ tự hào, mà nhà trường cũng có tấm gương cụ thể để nêu tên cho các bạn khác noi theo. Giỏi hơn một tý, trúng giải của huyện/quận. Giỏi hơn nữa là cấp tỉnh/thành. Giỏi nhất là cấp quốc gia. Rõ ràng nó không đủ chỗ cho tất cả các em học sinh có năng lực (mà nếu đủ thì còn gì hay), nhưng cũng đủ nhiều với những thang bậc khác nhau.

Thường khi nói về thi học sinh giỏi, người ta hay nghĩ về mấy em ở cấp thi cao nhất. Trước khi có thi Toán quốc tế, người ta nói về giải quốc gia. Từ khi có toán quốc tế, người ta hay chú trọng về mấy giải Toán quốc tế. Và từ đó mới xuất hiện quan niệm cho rằng thi học sinh giỏi chỉ là luyện “gà chọi”. Có vẻ như cả nước đổ xô chỉ để có 6 em đi thi Toán quốc tế!?

Quan niệm như vậy thì thực sự sai lầm. Và nếu quả thực mục tiêu của tổ chức thi học sinh giỏi chỉ để chọn ra mấy em như vậy thì việc thi chẳng có mấy ý nghĩa. Rất may, chưa bao giờ người tổ chức thi học sinh giỏi nghĩ như vậy. Tất nhiên, kì thi học sinh giỏi nào cũng có mục đích tìm ra một số em giỏi nhất. Song cái nó hướng tới chính là tạo ra một phong trào học tập sáng tạo. Tôi chỉ lấy ví dụ môn Toán thôi. Để có được đội tuyển 6 em, nếu cứ tính mỗi huyện/quận có 4 trường trung học phổ thông, và đội tuyển mỗi trường có 10 em  thì với hơn 500 huyện/quận trên cả nước đã có ít nhất hai vạn học sinh dự thi hai cấp học sinh giỏi (trường, huyện/quận).  Dù hầu hết trong số hai vạn em này không đạt giải quốc gia, nhưng nhờ có thi học sinh giỏi mà năng lực của hai vạn em này về Toán được nâng cao đáng kể. Từ đó các em có thể học tốt các môn khác, rèn luyện được khả năng tìm tòi sáng tạo và lòng ham muốn học tập. Đó mới là cái đáng giá nhất của thi học sinh giỏi.

Như vậy, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, khi nói đến thi học sinh giỏi, phải nói đến học sinh giỏi ở mọi cấp, chứ không nên chỉ bàn đến cấp cao nhất.  Đạt được giải ở cấp nào cũng đáng trân trọng. Như thế mới đầy đủ, và mới thấy hết cái ý nghĩa của phong trào này. Và nếu vậy cũng sẽ dễ thấy: đây là cuộc chơi rẻ mà hiệu quả, không chỉ trên phương diện cá nhân, mà trên bình diện quốc gia. Hiểu đúng cũng sẽ không tạo căng thẳng áp lực cho người thi. Được giải thì vinh dự, không thì thôi. Đâu có hệ lụy gì. Chứ nếu  thi trượt đại học hay thi trượt lên cấp thì nguy to.

Lần nào có ai phỏng vấn  chuyện thi học sinh giỏi, tôi đều nhấn mạnh ý này, nhưng thường bị cắt bỏ khi đăng, vì dài dòng. Và thế là dẫn đến hiểu sai lệch.

GS.Lê Tuấn Hoa
GS.Lê Tuấn Hoa. Ảnh: gdtd.vn

PV: Có lần trả lời báo chí, Ông cho rằng trao 300 giải quốc gia cho mỗi môn thi là nhiều. Ông có thể nói rõ hơn chuyện này không?

GS. Lê Tuấn Hoa: Tôi chỉ lấy môn Toán làm ví dụ thôi. Nếu cả nước có 60 tỉnh/thành tham dự, và mỗi đội có 10 em thì tất cả có 600 em dự thi. Với nguyên tắc 50% số em được giải (như thi quốc tế), thì sẽ có 300 em đạt giải. Tính như vậy theo tôi là nhiều, vì theo xác suất, mỗi em dự thi có 50% khả năng đạt giải. Đối với đội mạnh thì khả năng đạt giải thậm chí lên tới gần 100%. Từ đó có thể tạo tâm lí thi không đạt giải là xấu hổ, và do vậy có thể tạo áp lực cho học sinh, cho đơn vị cử đi thi. Mà nếu đạt giải thì cũng ít được người ta nhớ tới tên như cái thời chỉ có khoảng 10 giải. Phải chăng chỉ nên trao độ 50-100 giải thôi.

Nhưng tôi nhấn mạnh, đó là ý kiến riêng của cá nhân tôi. Có thể là rất cực đoan, chẳng mấy ai đồng tình. Mà dù có được số đông đồng tình thì không có nghĩa là trao ít giải sẽ  không có điểm yếu.

Nếu ai đó đưa ra ý kiến ngược lại là trao nhiều giải hơn, thậm chí trao giải cho 80-90% số em tham dự, thì cũng không phải họ không có lí. Suy cho cùng tuyệt đại đa số trong số 600 em đi thi đó là có khả năng. Nếu có chọn tất cả 600 em đó, thì tỷ lệ em đạt giải trên hai vạn em giỏi từ cấp trường trở lên cũng mới chỉ là 6/200, tức 3% - chắc chắn khắc nghiệt hơn nhiều lần so với tỷ lệ thi đậu đại học.

Như vậy, vấn đề đặt ra là hãy xem xét đầy đủ các khía cạnh của thi học sinh giỏi, để rồi định ra một cơ cấu giải hợp lí, được sự đồng thuận của nhiều người. Chứ đừng hy vọng có phương án tuyệt đối đúng.

Nhân tiện tôi cũng muốn nói rằng dù trao 10 giải hay trao cả 600 giải để rồi cho các em đạt giải quốc gia được tuyển thẳng vào đại học, thì sự ưu đãi này cũng chẳng có gì là quá đáng, chẳng có gì là bất công. Vì như tôi đã nói ở trên tỷ lệ chọi là 3% trong số các em đã được xem là giỏi! Nếu có ai đó xem đây là con đường để vào đại học, cao đẳng thì tôi khuyên hãy suy nghĩ cho thật kĩ.

Tôi cũng biết đôi khi có người nói tới tiêu cực trong việc lập đội tuyển. Bản thân tôi chẳng tin chuyện này, vì nếu làm vậy thì làm sao thắng được các bạn nơi khác? Mà nếu có gặp may thì chỉ gặp may một lần thi, chứ làm sao may cả 3 kì thi (cấp huyện, tỉnh và quốc gia)?

Cũng như vậy với chuyện chạy đề. Làm sao mà cấp thi nào người học sinh đó cũng kiếm được đề? Không loại trừ 1-2 lần ở đâu đó có sai sót, nhưng tôi hoàn toàn không tin chuyện đó là phổ biến.

Thi cử bao giờ cũng có chuyện “học tài, thi phận”. Ngay như năm 1974, lần đầu tiên khi luyện đội tuyển thi Toán quốc tế, anh Vũ Đình Hòa luôn là người dẫn đầu, nhưng khi thi thì người đạt Huy chương Vàng duy nhất của Việt Nam lại là anh Hoàng Lê Minh.  Dù kết quả là như vậy, sau IMO-1974, chúng tôi vẫn luôn coi anh Hòa là người giỏi Toán sơ cấp nhất lứa đó. Tôi tin chắc, không vì tôi nói vậy mà ông bạn Hoàng Lê Minh sẽ giận tôi.

Nói một cách ngắn gọn, có thể một số em giỏi nhưng không đạt giải, hoặc chỉ đạt giải thấp. Có lẽ chính vì sự thật này, mà đôi khi có sự cay cú, dẫn tới nghi ngờ. Từ kinh nghiệm bản thân và bạn bè, tôi cho rằng không nên nghĩ như vậy. Bởi lẽ tôi luôn nghiệm thấy, phần lớn các em đạt giải là giỏi thật sự, tức là hoàn toàn xứng đáng. Mà nếu không đạt giải thì đã có gì là thất bại, mà chán nản.

PV: Có phản ánh là một số đơn vị chi khá nhiều tiền để mời thầy giỏi về luyện thi cho đội tuyển học sinh giỏi, tạo cảm giác chuyện thi học sinh giỏi là một cuộc đua không công bằng. Ý kiến ông về vấn đề này?

GS. Lê Tuấn Hoa: Trước hết tôi phải nói rằng tuyệt đại đa số thầy, cô luyện thi học sinh giỏi xuất phát từ sự yêu nghề nghiệp, yêu trò. Nhiều thầy cô ngoài việc dạy không công, còn cho các em tiền hoặc quần áo. Nếu chỉ từ một số ít thầy cô dạy giá đắt mà ai đó nghĩ xấu về tất cả các thầy cô luyện thi học sinh giỏi thì quả thật là phụ lòng họ.

Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận chuyện có một số thầy, cô dạy lấy công khá cao, thậm chí là rất cao. Về chuyện này cũng nên nghĩ nhiều bề. Đi học ai mà chẳng thích được học với thầy cô giáo giỏi. Thời bọn tôi, nghe đến thầy Tôn Thân “khét tiếng” ở Hà Nội, ai chả ao ước được học với thầy. Tất nhiên khi đó những người tỉnh lẻ như tôi làm sao mà hy vọng biến cái ảo ước đó thành sự thật. Cho nên, dù ở thời nào thì cũng không thể đòi hỏi có được công bằng theo nghĩa cùng điều kiện như nhau.

Ngày nay, nhờ có phương tiện giao thông thuận lợi hơn rất nhiều và khả năng tài chính (kết hợp nhà trường và phụ huynh), việc mời một vài thầy cô như vậy không còn là chuyện bất khả thi. Vậy mời được thầy cô giỏi có gì là xấu? Còn hiệu quả lại là chuyện khác. Có khi đơn thuần chỉ là tạo tâm lí tốt hơn cho học sinh, hoặc khích lệ học sinh khi được học trực tiếp với thầy cô nổi tiếng.  Nhưng cũng có khi nhờ gặp đúng thầy, mà năng lực học sinh thực sự thay đổi mang tính bước ngoặt?

Cái phải tránh chính là tránh tư tưởng học thêm để hy vọng trúng đề. Chuyện trúng đề là chuyện rất khó. Mà có trúng 1-2 đề của ai đó, thì cũng khó đạt giải nếu không có thực lực, vì như đã nói ở trên, tối đa cũng chỉ có 3% cơ may đạt giải. Mà dù có đạt giải nhờ trúng đề thì phỏng có ích gì, khi mà khả năng tư duy, sáng tạo của bản thân học sinh không được tăng lên?

Việc trả cho người dạy bao nhiêu là hợp lí cũng khó mà bàn tới được. Trong thời buổi cơ chế thị trường, hãy để cho người dạy và phụ huynh tự xác định với nhau. Chỉ có điều phải hiểu rằng: tiền nhiều (để thuê người giỏi dạy) không thể đem lại giải cho học sinh, nếu người học sinh đó kém năng lực.  Chưa kể có tiền nhiều chưa chắc đã mời được thầy tốt. Ngược lại, học sinh nghèo, nhưng thực sự có năng lực vẫn có thể học giỏi. Và khi đó vẫn có cơ may sẽ được thầy giỏi dạy mà không mất xu nào, và vẫn đạt giải cao như ai. Thực tế đã có không ít trường hợp như vậy.

Cái mà tôi cho không hay trong việc học thêm hiện nay, không chỉ trong luyện thi đại học, mà cả trong luyện thi học sinh giỏi, là luyện quá nhiều bài tập. Đến mức rất nhiều học sinh nghĩ chỉ cần học thuộc dạng Toán. Cách học này chẳng đem lại sự sáng tạo nào, mà làm cho bộ óc mệt mỏi và lười đi: khi đọc đề toán, trước hết óc phải làm nhiệm vụ của máy tính là tìm xem bài toán thuộc dạng nào…. Tất nhiên luyện kiểu đó khả năng trúng vào con số 3% nói trên có thể cao hơn, nhưng dù đạt giải vẫn có khi “lợi bất cập hại”. Khả năng tư duy thì chẳng nâng cao được bao nhiêu, mà sự ham mê học tập và thị lực thì chắc chắn là giảm!

PV: Theo Ông, học sinh giỏi quốc gia  nên được hưởng những cơ chế đặc thù gì ngoài chủ trương tuyển thẳng vào ĐH, CĐ những em được giải cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

GS. Lê Tuấn Hoa:
Nhiều lần tôi đã nói trong chiến tranh, lúc đói nghèo, học sinh giỏi còn được nhiều ưu đãi (với số tiền hàng tháng hơn cả một nửa tháng lương của cán bộ nhà nước khi đó). Tôi cũng là người được hưởng các ưu đãi đó. Ngày nay, đất nước giàu hơn rất nhiều, không có lí do gì không ưu đãi các em. Chuyện tuyển thẳng là việc rất đúng. Nhưng chưa đủ. Ta nên có học bổng đủ hấp dẫn để hỗ trợ các em. Tất nhiên, phải quan niệm chuyện học, nghiên cứu là chuyện dài hơi. Trên đường đi phải có rơi rụng. Bởi vậy cấp học bổng có thời hạn, và sau mỗi thời hạn thì phải xét lại.

Ngoài ra có những ưu đãi khác như tạo điều kiện được tham dự hội nghị, hội thảo, đi gặp gỡ các chuyên gia ở trường khác, ….

Đầu tư bao nhiêu cho các em giỏi cũng không đủ. Cũng không nên sợ điều đó dẫn đến mất công bằng. Có làm như vậy mới đánh thức được tiềm năng, mới tìm được hiền tài. Từ đó đất nước sẽ có cơ may vươn lên mạnh mẽ.
 

Nguồn: Báo GD&TĐ