Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục Chiếc cầu nối đa chiều

Chiếc cầu nối đa chiều

18/03/2013

(GD&TĐ) - Cuộc đời đi học của mỗi chúng ta có nhiều thầy cô làm chủ nhiệm. Tuy mỗi người có một dấu ấn riêng nhưng giáo viên chủ nhiệm đều phải là người thầy giỏi về chuyên môn, giàu có về kinh nghiệm sống, đồng thời là một nghệ sĩ tâm lý tài năng, xử lý khéo léo các tình huống sư phạm.

Giỏi chuyên môn

Không thể phủ nhận rằng, giáo viên muốn đảm đương được vai trò chủ nhiệm lớp phải là giáo viên dạy giỏi. Đây cũng là lý do tại sao, ở bất kỳ trường học nào, việc cân nhắc giáo viên chủ nhiệm lớp luôn được ban giám hiệu nhà trường lựa chọn kỹ càng và được ấn định ngay khi năm học cũ vừa kết thúc. Việc “chọn thầy” này có thể hiểu đó là sự gửi gắm niềm tin yêu của lãnh đạo nhà trường với giáo viên chủ nhiệm lớp. Đại đa số phụ huynh  đều ngầm hiểu, trường tốt phải có giáo viên dạy giỏi, và đặc biệt là cô chủ nhiệm giỏi.

Muốn trở thành một giáo viên chủ nhiệm giỏi không đơn giản

Thường, giáo viên chủ nhiệm lớp là thầy cô các môn học chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Với học sinh THPT chuẩn bị thi ĐH, CĐ, các em thường đã định hướng sau này mình sẽ làm nghề gì, đã hướng tới các ngành thi, khối thi nào nên luôn mong muốn được học chọn lớp có thầy cô chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy. 

Chị Ngọc Lan, ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Năm nay con gái tôi học lớp 12, gia đình hướng cho cháu thi khối D, vì thế, ngay từ khi vào lớp 10 tôi đã chọn cho con học lớp cô chủ nhiệm dạy môn tiếng Anh. Nếu con gái học tốt môn này, cơ hội đỗ ĐH các trường  hàng đầu sẽ rất cao. 

Tuy nhiên, xét góc độ công bằng mà nói, nguyện vọng chọn cô, chọn lớp của phụ huynh là hoàn toàn chính đáng. Bởi mọi người đều tiến tới mục đích chung tạo môi trường học tốt cho những chủ nhân tương lai đất nước. Nói về vấn đề này, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội) bà Phạm Thị Hòa chia sẻ: Giáo viên chủ nhiệm lớp phải là giáo viên giỏi, yêu nghề, hiểu tâm lý con trẻ và với cô giáo mầm non cũng rất cần giáo viên trẻ, xinh đẹp.

Nghệ sỹ tâm lý 

Theo ông Phạm Huy Đức, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Nghệ An: “Vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp trong nhà trường phổ thông hết sức quan trọng. Ngoài nhiệm vụ của một giáo viên bình thường, giáo viên chủ nhiệm là người quản lý toàn bộ hoạt động giáo dục của lớp mình, đặc biệt là việc chăm lo hình thành, nuôi dưỡng, phát triển nhân cách của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm lớp là chiếc cầu nối đa chiều giữa Hiệu trưởng nhà trường với học sinh, cha mẹ các em và đoàn thể mà các em sinh hoạt”.

 

Nhưng có lẽ, với giáo viên chủ nhiệm miền núi, vùng sâu, vùng xa vai trò chủ nhiệm còn vất vả hơn nhiều. Cô Bùi Thị Si, giáo viên Trường THCS Nà Khoa (huyện Mường Nhé, Điện Biên) cho biết: Ngoài việc dạy chuyên môn, giáo viên miền núi chúng em còn phải thông thạo tiếng dân tộc Mông, một trong những chìa khóa “gọi học sinh” đi học chuyên cần. Vào dịp lễ hội, đặc biệt sau Tết học sinh các bản hay bỏ học, các em giúp gia đình đi nương trồng ngô, trồng khoai, hoặc ở nhà trông em nên. Thậm chí một số phụ huynh do hạn chế nhận thức nên chưa mặn mà chuyện học của con, sẵn sàng cho con bỏ học. Vì vậy, để duy trì sĩ số, giáo viên phải trèo đèo, lội suối, đi bộ 7-8km đến từng gia đình vận động các em quay lại trường lớp. 

Giáo viên chủ nhiệm còn có vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng và hình thành nhân cách sống cho học sinh. Thầy cô còn là nghệ sĩ tâm lý tài ba trong việc xử lý các tình huống sư phạm, lúc nhu, lúc cương. Quả thật, dù lớp học có đông đến đâu, thầy cô chủ nhiệm là người nắm rõ nhất đặc tính tâm lý của từng con. Đây cũng là lợi thế giúp cô quản lý và ổn định lớp học của mình thông qua vai trò chủ nhiệm.

Ngày nay, công việc xã hội bộn bề, nhiều phụ huynh khoán trắng việc học hành của con cái cho thầy cô và nhà trường. Sự quản lý lỏng lẻo của bố mẹ khiến một số học sinh trở thành trò hư, con hư từ lúc nào không biết, học lực giảm sút. Rất may, trong số đó, nhiều em đã được cô chủ nhiệm phát hiện, cùng gia đình phối hợp chặt chẽ trong giáo dục, dần đưa các em trở lại thành trò giỏi, trò ngoan. 

Còn trường hợp của vợ chồng anh Trung, khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) lại ở khía cạnh khác. Anh Trung cho biết: Khi con anh học  lớp 8, không ai khác, chính cô chủ nhiệm đã phát hiện con anh có biểu hiện của trẻ trầm cảm, nhờ thế gia đình đã kịp thời chữa trị cho cháu, đến nay cháu đã là sinh viên Đại học năm thứ nhất. 

Như vậy, muốn làm tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp, mỗi thầy cô giáo không chỉ vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm, tinh tường trong việc nắm bắt tâm lý học sinh và khéo léo trong xử lý tình huống sư phạm. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm phải biết tổ chức, hướng dẫn cho tập thể lớp hoạt động; biết phát huy năng lực tự quản của học sinh thông qua việc tạo ra “bộ máy” cán bộ lớp do chính học sinh đảm nhiệm...

Bí quyết trở thành giáo viên chủ nhiệm giỏi:

- Không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

- Có kinh nghiệm quản lý học sinh, biết xử lý khôn khéo tình huống sư phạm, thấu hiểu và chia sẻ với học trò.

- Phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, biết cách động viên, khích lệ học sinh không ngừng phấn đấu trong học tập, biết cách tổ chức học sinh học tập và hoạt động theo nhóm hiệu quả.

- Tìm các biện pháp giúp đỡ, động viên học sinh có kết quả học tập chưa tốt để các em phấn đấu tốt hơn.

- Thường xuyên trao đổi với thầy cô bộ môn giúp các em còn yếu bộ môn đó cố gắng học tập để tiến bộ hơn.

 Hoàng Hà

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại