Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục Đạo đức sao lại học thuộc, chấm điểm?

Đạo đức sao lại học thuộc, chấm điểm?

27/03/2014

Môn Giáo dục công dân học để làm người nhưng học sinh phải học thuộc và chờ chấm điểm. Đi cùng việc học thuộc, những con điểm là chuyện học trò đánh nhau, thóa mạ thầy cô…

Học đạo đức kiểu... thuộc lòng

Trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, em Phạm Thái Tiểu Mi, học sinh (HS) lớp 11, Trường THPT Bình Khánh, huyện Cần Giờ gây sửng sốt khi chỉ ra thực trạng học đạo đức ở nhà trường hiện nay.

Tiểu Mi cho rằng việc  truyền thụ các nội dung, kiến thức đến HS trong môn Giáo dục công dân hiện vẫn rất khô cứng, nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Cách kiểm tra môn học này còn nặng, yêu cầu HS phải học thuộc đạo làm người không chỉ làm HS ngán ngẩm mà dẫn đến nhiều hệ lụy.

Em Tiểu Mi, học sinh Trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ, TPHCM kiến nghị môn Giáo dục công dân phải được trả về đúng bản chất là giáo dục đạo làm người chứ không phải để học thuộc, để chấm điểm. 

Tiểu Mi kể ra những câu chuyện mà em biết có nữ sinh lớp 10 bỏ học vì mang thai, học trò đánh nhau, xúc phạm thầy cô… trong khi các bạn được học đạo đức thì phải chăng cần xem lại hiệu quả của môn học này.

“Học để làm người, sao lại bắt học thuộc, sao lại chấm điểm? Việc dạy học như vậy rồi đây thế hệ trẻ chúng ta sẽ như thế nào?”, cô học trò nêu lên câu hỏi nhức nhối đồng thời cho rằng, không riêng gì với HS mà chương trình học, các kiểm tra cũng đang đẩy giáo viên vào “guồng” có sẵn không thay đổi được việc dạy theo mẫu, dạy để lấy điểm. 

“Ngành giáo dục cần đưa môn Giáo dục công dân trở về đúng chức năng bản chất của nó là giáo dục cho HS làm người, sống có đạo đức, biết cách cư xử, yêu thương…”, Tiểu Mi kiến nghị.

Học trò lo lắng về đạo đức thế hệ trẻ

Cùng với chia sẻ “nặng ký” của em Phạm Thái Tiểu Mi, nhiều HS không khỏi lo lắng, có phần hoang mang trước ý thức, nhân cách, lối sống và lý tưởng của thế hệ trẻ hiện nay.

Buồn lòng trước ý thức của nhiều HS, em Phương Linh, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng những hành vi, ý thức không xả rác, chấp hành luật an toàn giao thông phải được giáo dục, chỉ dẫn từ bậc mầm non chứ không thể chờ lên phổ thông mới dạy. Hiện nay, các em suốt ngày nghe ra rả những lời nhắc nhở thì theo cô học trò này “chỉ là chúng ta đang nói để cho nhau nghe vậy thôi chứ không thay đổi được”.


Học sinh vi phạm luật an toàn giao thông.

Em Phụng Bội Bình, HS Trường THPT Trần Khai Nguyên nêu lên băn khoăn về lý tưởng của thế hệ trẻ ngày nay với ví dụ, bạn trẻ nào nhận được giấy báo nhập ngũ là hoảng, tìm cách trốn tránh trong khi đi nghĩa vụ là nhiệm vụ rất cao cả, lý tưởng. Lẽ ra, khi cầm tờ giấy báo nhập ngũ các bạn trẻ phải cảm nhận được sự khí thế, hạnh phúc.

Vấn đề em Bình đặt ra, ai cũng nói đại học không phải là con đường vào đời duy nhất nhưng ngoài con đường đó thì HS thiếu môi trường, điều kiện tiếp cận những con đường khác.


Cô trò Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý trong quá trình thực hiện học Văn theo dự án, giúp học sinh có những trải nghiệm thực sự và không còn bị áp lực bởi điểm số. 

Là người cùng tổ chức, học theo dự án “Học Văn để sống” (học Văn được đi thực tế để hoàn thành sản phẩm là bài viết, ảnh, xây dựng và triển khai cách giải quyết thật trong cuộc sống), em Lục Phạm Quỳnh Nhi, Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý cho rằng, thông qua những trải nghiệm, tiếp xúc thật sự với những số phận, tình huống trong cuộc sống giúp học trò biết cảm thông, yêu thương mọi người cũng như trang bị rất nhiều kỹ năng.

Vậy nhưng, cách học theo dự án chỉ có thể thực hiện khi gỡ bỏ được phần nào cách chấm điểm theo truyền thống. Thay vào đó là cách chấm điểm dựa vào các tiêu chí như xã hội, kỹ năng, làm việc nhóm…

Quỳnh Nhi đề xuất, hãy đưa văn hóa Việt Nam vào chương trình học để qua một món ăn, chén nước nắm, tà áo dài cũng giúp HS hiểu được những giá trị dân tộc chứa đựng trong đó.

Các em HS, những người hưởng thụ kết quả của giáo dục đã bày tỏ lo ngại chương trình học nặng nề, chưa thực tế, áp lực về điểm số đang tác động không tốt đến thế hệ của mình. Đúng như lời một lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM chia sẻ với HS trong buổi đối thoại, nếu việc học thiếu đi mục tiêu đúng đắn, nặng về điểm số, học chỉ để thi, học lệch thì sản phẩm của giáo dục sẽ là những con người bị lệch kiến thức và tâm hồn què quặt là điều khó tránh. 

Nguồn: Báo Dân trí