Để làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông
06/10/2015GD&TĐ - Theo kinh nghiệm của cô Đoàn Thị Hạnh - Giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng), ngoài những yêu cầu chuẩn mực của nhà giáo nói chung thì đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải có phương pháp, kỹ năng làm công tác chủ nhiệm.
Nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về học sinh
Giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên theo dõi và giúp đỡ đội ngũ cán bộ lớp khi có những công việc thực sự khó khăn, vượt khỏi khả năng của các em.
Đặc biệt giáo viên chủ nhiệm phải kiểm tra, đôn đố và nhắc nhỏ kịp thời các em học sinh của mình.
Theo cô Hạnh, khi được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp điều quan trọng đầu tiên là giáo viên chủ nhiệm phải nắm được những thông tin khái quát về gia đình học sinh như:
Nơi ở, hoàn cảnh lối sống, hoàn cảnh kinh tế gia đình, giáo dục gia đình, sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái, quan hệ gia đình, anh, chị em....
Thông qua phiếu điều tra lý lịch, giáo viên chủ nhiệm phải dành thời gian đọc kỹ từng phiếu điều tra lý lịch và ghi chép vào sổ chủ nhiệm, rồi phân loại học sinh theo các tiêu chí về hạnh kiểm, học lực, năng khiếu sở thích, hoàn cảnh gia đình...
Qua đó nhằm nắm bắt rõ về những hoàn cảnh đặc biệt của học sinh như: Bố mẹ ly hôn phải sống vơí ông, bà hay những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn....
"Đối với những học sinh cá biệt, giáo viên cần tìm hiểu kỹ qua bạn bè và tạo điều kiện để các em được gần gũi được chia sẻ tâm tư tình cảm, nguyện vọng hay những vướng mắc của bản thân từ đó mới có thể có biện pháp giáo dục thích hợp" - Cô Hạnh trao đổi.
Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp có năng lực
Cũng theo cô Hạnh: Để quản lý học sinh một cách có hiệu quả, tiết kiệm được thời gian và công sức, giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng được đội ngũ cán bộ lớp thực sự có năng lực và trách nhiệm.
Theo đó, giáo viên chủ nhiệm cần chọn ra những học sinh có thành tích học tập tốt, có năng lực và tinh thần trách nhiệm để làm cán bộ lớp
Theo yêu cầu của từng công việc, cụ thể: giáo viên chủ nhiệm phân công trách nhiệm cho các thành viên cán bộ lớp. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên giao cho các em những quyền hạn nhất định.
Khi được giao trách nhiệm và quyền hạn trước tập thể, cán bộ lớp mới có thể điều hành tốt công việc mà giáo viên chủ nhiệm giao cho mà không bị bạn bè phản đối hoặc không chịu nghe theo.
Để ban cán sự có thể theo dõi chặt chẽ các mặt hoạt động của lớp trong lớp, giáo viên chủ nhiệm cần chuẩn bị cho các em ấy một số sổ sách với các tiêu chí cần thiết cho từng chức danh để các em có thể ghi chép những công việc diễn ra hàng ngày và báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm vào cuối tuần.
Việc chọn chính xác đội ngũ cán bộ lớp là một thành công bước đầu của công tác quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm.
Cô Hạnh cho biết: Giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch sinh hoạt phù hợp với đặc điểm tình hình của lớp và xây dựng tiêu chí đánh giá thi đua.
Sau mỗi tuần học tổ trưởng đánh giá tình hình cụ thể, lớp trưởng tổng hợp tình hình từ các tổ trưởng và các lớp phó báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm trước tập thể lớp.
"Theo đó, tôi thường biểu dương các thành tích mà các em học sinh đạt được nhưng cũng nghiêm khắc phê bình những biểu hiện lệch lạc về hành vi đạo đức hay các mặt hoạt động khác.
Đây cũng là cách để tôi xây dựng dư luận tập thể về các biểu hiện sai trái, giúp các em kịp thời sửa chữa khuyết điểm của mình" - Cô Hạnh chia sẻ.
Giáo viên chủ nhiệm phải bám lớp trong các hoạt động tập thể như: chào cờ, lao động hay các hoạt động ngoại khóa khá; không nên buông lỏng rất dễ dẫn đến những hành vi sai trái vì các em quá tự do.
Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm cần hướng dẫn các em phương pháp học tập ở nhà cũng như ở lớp. Qua đó giúp các em biết phân bố thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý tránh tình trạng căng thẳng dẫn đến bức xúc khi đến trường.