Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục Du học và câu chuyện của "xu hướng thứ 3"

Du học và câu chuyện của "xu hướng thứ 3"

18/10/2009

Không phải những sinh viên xuất sắc kiếm được học bổng, hay gia đình khá giả để đi học tự túc, những người trẻ du học theo xu hướng thứ 3 đang tìm đường sang Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hi Lạp, Ấn Độ... Sau đây là chia sẻ của một số sinh viên Việt Nam trong xu hướng thứ 3 này. Câu chuyện của họ liệu có bộc lộ một phần cá tính và lựa chọn của những sinh viên thế hệ mới?

Lê Mỹ Hạnh (1989), sinh viên chuyên ngành Kinh tế của Asumption University (ABAC) tại Bangkok, Thái Lan

Việc lựa chọn đi du học Thái Lan của Hạnh khá tình cờ. Sau một lần nói chuyện với người chị họ đang học ở Thái, Hạnh quyết định gửi thư xin học tại trường Asumption. Nhờ những chỉ dẫn của chị mình cùng với kết quả học tập và tấm bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi, Hạnh dễ dàng tìm được một học bổng.

Hạnh nói: "Ban đầu, bố tớ cũng không ủng hộ lắm. Nhưng sau nỗ lực thuyết phục bố rằng, học ở Thái gần Việt Nam nên bố mẹ có thể sang thăm con bất cứ lúc nào, hoặc giá sinh hoạt ở Thái thực sự không hề đắt đỏ như Anh hay Pháp… bố mình đã đồng ý”.

h 3.jpg

Mỹ Hạnh (ngoài cùng bên phải)


Theo lời Hạnh, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Thái khá đông. Trường mà Hạnh đang theo học có khoảng 200 sinh viên Việt Nam, phần lớn đều có bố mẹ hoặc người quen từng học ở Thái. Con số này đã chứng tỏ sự lựa chọn thứ 3 đến thời điểm này đã bắt đầu thành "mốt".

Khi được hỏi, tại sao Hạnh lại chọn Thái Lan mà không phải là một trường quốc tế tại Việt Nam, Hạnh trả lời: "Thực sự, mình muốn được sống tự lập, nếu học đại học Việt Nam thì bố mẹ sẽ lo cho mình mọi việc. Ở bên này, mình phải tự lo tất cả, tự xoay xở với cuộc sống của mình. Và phải nỗ lực và cố gắng cho những gì mình đã lựa chọn".

Và với Hạnh và những người trẻ như Hạnh thì đây mới là lý do giúp họ thực sự trưởng thành.

Với học phí khoảng 25 triệu đồng/kỳ và phí sinh hoạt tầm 8 triệu đồng/tháng, Thái Lan hoàn toàn nằm trong tầm tay của những tân sinh viên "xu hướng thứ 3".

Nguyễn Lê Thanh Huyền (1989), sinh viên Khoa Ả rập, Trường ĐH Cairo, Ai Cập

Khác với Hạnh, Huyền chọn tiếng Ả rập với mục đích chinh phục một ngôn ngữ mới. Theo Huyền thì môi trường học tập tại Ai Cập rất được chú trọng, ngoài ra, các bạn sinh viên quốc tế khi sang đây sẽ được miễn 50 - 100% học phí trong 1 năm.
Tuy nhiên, lượng du học sinh Việt Nam tại Ai Cập tương đối nhỏ, điển hình như trường của Huyền, người Việt chỉ có khoảng 20 người. Phần lớn mọi người đi theo dạng học bổng của Bộ Ngoại giao, học bổng giao lưu văn hoá hoặc một số công ty liên kết giữa Việt Nam với Ai Cập.

Đồ ăn ở bên này rất khác Việt Nam nên rất khó ăn. Ở Ai Cập, mọi người không ăn cơm mà chỉ ăn duy nhất một bữa chính vào tầm 2 - 3h chiều trong ngày. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là một khó khăn đối với nhiều bạn du học sinh. Theo Huyền, tiếng Ả rập ngữ pháp rất khó.

Hơn thế, văn viết thì một kiểu, văn nói lại một kiểu khác, nên cũng có thể coi là học hai thứ tiếng. Nhưng hết thảy những điều này lại rất hấp
dẫn Huyền.

Chi phí sinh hoạt tại đây cũng không quá đắt đó, với số tiền khoảng 1.500 USD, bạn có thể chi tiêu cho cả 10 tháng.

Nguyễn Hạnh Dung (1989), sinh viên trường Imam Khomeini International University tại Iran

Dung đến với Iran như một duyên số. Mặc dù, cô bạn đã tìm hiểu rất kỹ về Iran trước khi đi nhưng Dung vẫn không tránh khỏi những điều lạ lẫm. Theo Hạnh Dung, nếu không có những chuyến đi, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn vì quá ít trải nghiệm.
Cả thành phố nơi Dung đang sống và học tập có tất cả 7 du học sinh Việt Nam (2 sinh viên, 5 nghiên cứu sinh). Điểm đầu tiên mà tất cả những du học sinh Việt Nam khi sang đến Iran đều cảm nhận được chính là con người nơi đây, tuy phải giao tiếp với nhau qua một tấm khăn che mặt, nhưng họ luôn niềm nở, vui vẻ đón tiếp những vị khách đến từ những vùng đất khác.

Cuộc sống của những sinh viên Việt Nam tại ký túc xá cũng rất thoải mái, điện, nước nóng, gas được dùng một cách thoải mái và hoàn toàn miễn phí cả ngày lẫn đêm.

Thanh Thảo (SVVN_HHT Online)