G.S Ngô Bảo Châu: Thành công = kỷ luật + đam mê + lòng quả cảm!
22/03/2013Đó là chia sẻ của chủ nhân giải thưởng Toán học Fields năm 2010 trong buổi nói chuyện với sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội tại Hội trường C2 ngày 13/3 vừa qua. Với chủ đề “Học như thế nào”, G.S Ngô Bảo Châu đã có một bài thuyết giảng rất thú vị dành cho các bạn sinh viên.
Buổi giao lưu giữa G.S Ngô Bảo Châu với sinh viên ĐH Bách Khoa HN là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện ASEAN lần thứ 4: “Những cầu nối – đối thoại hướng tới nền văn hóa hòa bình”; với sự tham gia của ông Uwe Morawetz – chủ tịch quỹ Hòa Bình thế giới (IPF), đại diện các đại sứ quán tại Việt Nam, cha mẹ, các thầy cô giáo cũ của G.S và rất nhiều phóng viên khác.
Mở đầu buổi giao lưu, G.S Châu chia sẻ về vấn đề học: mục đích và phương pháp học tập. Ông đưa ra ba câu hỏi cũng là ba luận điểm chính của bài giảng: Cái gì là động cơ căn bản của việc học? Học chữ hay học làm người? Và học như thế nào?
Đi sâu làm rõ những vấn đề trên, G.S đã đưa ra những ví dụ cụ thể và lí lẽ thuyết phục. Trả lời câu hỏi đầu tiên, theo G.S Ngô Bảo Châu, có rất nhiều động cơ của việc học: ước mơ, đam mê, sở thích, cha mẹ định hướng… Tuy nhiên, G.S cho rằng việc học của mỗi người cần dựa trên những mục tiêu cụ thể. Chúng ta cần luôn hướng tới những mục tiêu cao nhưng không nằm ngoài những giá trị đạo đức xã hội. Hay việc học phải gắn với sự hướng thượng, hướng thiện.
Câu hỏi thứ ba, cũng là chủ đề của buổi nói chuyện, được GS Ngô Bảo Châu dành nhiều thời gian để chia sẻ hơn. Bàn về phương pháp học, Giáo sư cho rằng phần lớn sinh viên hiện nay chưa có phương pháp học tập hiệu quả. “ Gợi ý của tôi là tại sao các bạn không tự tổ chức cùng học với nhau theo giáo trình, bài giảng, tư liệu học tập trên mạng. Thầy giáo cũng có thể sử dụng tài liệu miễn phí thành tài liệu học chính khóa. Trên lớp các thầy không nhất thiết phải giảng cả buổi mà có thể cho sinh viên xem trước bài giảng trên mạng, dành thời gian để giải thích thêm, trả lời những câu hỏi, thậm chí quay lại bài cũ nếu sinh viên chưa hiểu rõ một số khái niệm và hướng dẫn các em làm bài tập. Cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc", GS Châu nói. Theo GS Châu, thiếu tổ chức, con người không có bản năng duy trì nỗ lực của mình trong một thời gian dài. Thiếu tranh biện con người sẽ nhanh chóng lạc vào con đường chủ quan, con đường luôn luôn dẫn tới cái đích là sự bế tắc.
Trong phần giao lưu, Giáo sư đã nhận được rất nhiều câu hỏi thú vị từ các bạn sinh viên. Một bạn sinh viên đến từ Thanh Hóa đặt vấn đề: “Em cũng như nhiều bạn SV Bách khoa đang gặp vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả việc người khác không tin mình hay mình không tin mình, đó là bản thân không còn say mê với con đường mình đã chọn... Đã bao giờ G.S rơi vào trạng thái không còn đam mê với con đường mình đã chọn? G.S đã vượt qua như thế nào, đã tìm thấy trở lại niềm đam mê ra sao?”
G.S Ngô Bảo Châu đã “khéo léo” đưa ra câu trả lời trước câu hỏi hóc búa này: “Niềm say mê nhiều khi không ổn định. Chính vì thế, học phải có tập thể, có kỷ luật là vì thế, kể cả khi không còn niềm đam mê cũng phải cố học để hoàn thành công việc, hoàn thành bổn phận của mình. Thêm nữa, niềm đam mê có thể chia tay bạn nhưng cũng có thể quay lại. Không có gì là vĩnh viễn ra đi cả, cái chính là không được bỏ cuộc. Chính tinh thần kỷ luật và tập thể sẽ giúp bạn không bỏ cuộc. Khi đó tinh thần kỷ luật, tinh thần tập thể sẽ giúp bạn không bỏ cuộc. Bạn chán nhưng người khác vẫn chưa chán, nếu bạn vì người khác thì bạn vẫn sẽ thấy cần phải nỗ lực” – G.S Ngô Bảo Châu đưa ra lời khuyên.
Cũng theo G.S Châu, điều kiện làm việc ở trong nước còn thiếu thốn nên các nhà khoa học phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tuy nhiên để đạt được những thành công trong nghiên cứu khoa học, ngoài các điều kiện cơ bản như đảm bảo đời sống cho nhà nghiên cứu, môi trường làm việc thì việc tổ chức làm việc là yếu tố cần được quan tâm…
Huyền Gà
http://sinhvienbachkhoa.vn