Giáo dục giúp học sinh hình thành hệ giá trị của bản thân
23/09/2012(GD&TĐ)- Nhà trường giúp người học hình thành và phát triển hệ giá trị của từng người: tâm lực, trí lực, thể lực- giá trị học thức, giá trị sống, giá trị tay nghề và lương tâm nghề, giá trị đóng góp..., giá trị tự khẳng định mình...
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT GS.VS Phạm Minh Hạc- Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã phát biểu về Triết lý giáo dục hiện nay tại buổi tọa đàm "triết lý giáo dục Việt Nam" do Báo điện tử ĐCSVN tổ chức hôm 31/8 tại Hà Nội.
Buổi tọa đàm sáng nay do báo Điện tử Đảng Cộng sản tổ chức. ảnh: gdtd.vn |
GS.TS Phùng Hữu Phú- Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận TƯ, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ đã dự và có những ý kiến đóng góp quý báu trong buổi tọa đàm.
GS.Phạm Minh Hạc cho rằng, triết lý giáo dục nước nhà đã có từ xa xưa. Ông lấy mốc lịch sử khi có Quốc tử giám (1076) đến thế kỉ thứ 19. Theo ông, triết lý giáo dục Việt Nam trong lịch sử đã được thể hiện sâu sắc trong tư tưởng của các bậc hiền triết tiêu biểu từng thời kỳ, của các nhà văn hóa- giáo dục tiêu biểu: Chu Văn An (TK 14), Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi (cuối TK 14, đầu TK15), Lê Thánh Tông (TK 15), Lê Quý Đôn, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Ngô Thời Nhậm (TK 18), Nguyễn Trường Tộ (TK 19).
GS Phạm Minh Hạc nhận định: Suốt 843 năm (1076-1919), tại Việt Nam song song tồn tại hai dòng giáo dục chính thống (hệ thống giáo dục từ chương, khoa cử, quan trường) và không chính thống thể hiện qua tư tưởng, quan niệm về giáo dục của các thầy đồ Nho, dạy học trong dân gian, dạy học trò là con em các gia đình truyền thống trong các làng Việt xưa được ghi nhận trong vốn văn học dân gian (ca dao, tục ngữ). Hợp lưu những gì tinh tuý, tích cực của hai dòng giáo dục chính thống và giáo dục dân gian đã tạo lập nên triết lý giáo dục Việt Nam trong lịch sử, thể hiện ở: Ý thức dân tộc; Tinh thần hiếu học; Triết lý nhân sinh Tình Nghĩa; Giá trị gia đình; Kết cấu xã hội bền vững: nhà- làng- nước.
Thời kì tiếp sau đó (TK 20) là bước ngoạt lớn ảnh hưởng đến nền giáo dục nước nhà cũng như triết lý giáo dục thời bấy giờ. Các chí sĩ yêu nước tiêu biểu cho thời kì đó phải kể đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và các phong trào Đông du, Đông kinh nghĩa thục và Truyền bá quốc ngữ. Thông qua các hoạt động của mình, các nhà chí sĩ này đã đưa triết lý giáo dục thành tinh thần yêu nước.
Kế tiếp là tư tưởng giáo dục vĩ đại Hồ Chí Minh. Tư tưởng "chống giặc dốt" của Người được thể hiện rất sớm trong thời kì ách đô hộ. Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, việc đầu tiên Người nghĩ đến là nước Việt Nam mới giành được độc lập phải diệt được "giặc dốt".
GS.VS Phạm Minh Hạc |
GS Phạm Minh Hạc viện dẫn, về giáo dục, Bác Hồ đã từng viết: "dạy làm sao phải dạy thành người" và "người Việt Nam muốn học phải học Khổng Tử, muốn làm Cách mạng phải học Lê- nin"; Bác đã từng căn dặn các thầy cô giáo: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt".... mà xuất phát từ tư tưởng, triết lý giáo dục đó của Người, ngành giáo dục đã có nhiều cuộc vận động, phoing trào thi đua, tiêu biểu như "Hai tốt".
Từ triết lý giáo dục Việt Nam trong lịch sử đến triết lý giáo dục Cách mạng (từ tháng 8/1945): Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh (kể cả qua các văn kiện của Đảng CSVN), triết lý giáo dục Dân chủ nhân dân, triết lý giáo dục Kháng chiến kiến quốc, triết lý giáo dục thời đổi mới (đến Đại hội XI): kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập, toàn cầu hoá... có thể góp phần khẳng định từ trước tới nay Việt nam có triết lý giáo dục (tư tưởng, ý tưởng về giáo dục được thể nghiệm, trải nghiệm, đúc rút thành kinh nghiệm sống, rồi lại đem ra thực hành...)
GS Phạm Minh Hạc khẳng định: triết lý giáo dục có ở nhiều tầng bậc: từng con người, gia đình, trường lớp, quốc gia. Ở phạm vi quốc gia đó là đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục – thành tựu 66 năm phát triển giáo dục nước nhà là minh chứng rất rõ.
Thực tế cuộc sống đòi hỏi lý luận giáo dục của chúng ta phải có phát triển mới, góp phần triển khai chủ trương, chính sách phát triển GD-ĐT trong thời kỳ mới.
GS Phạm Minh Hạc đề xuất triết lý giáo dục là: “giáo dục hệ giá trị bản thân”:
Nhà trường hình thành và phát triển ở người học hệ giá trị của từng người: tâm lực, trí lực, thể lực – giá trị học thức, giá trị sống, giá trị tay nghề và lương tâm nghề, giá trị đóng góp..., giá trị tự khẳng định mình;
Người học tạo cho mình có các giá trị để sống và hoạt động, phát huy hệ giá trị bản thân đem lại cuộc sống cho mình, gia đình và cộng đồng, xã hội;
Xã hội (bao gồm cả Nhà nước) tạo môi trường thuận lợi (bao gồm các chính sách, thái độ ững xử, nhất là tôn trọng giá trị của từng người) cho mọi người hình thành, phát triển, phát huy các giá trị bản thân.
GS, TS Trần Ngọc Hiên- Nguyên Phó GĐ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đào tạo ở nước ta đã trở nên cấp bách. Vì vậy, đổi mới nền giáo dục không đơn giản đưa ra một chương trình mà trước hết cần làm rõ chúng ta đổi mới giáo dục trong không gian và thời gian nào về kinh tế, xã hội - văn hoá và chính trị đặt ra đối với giáo dục, đào tạo. Trước hết cần đặt sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước vì mục đích trực tiếp của giáo dục, đào tạo là tạo ra nguồn lực lao động và quản lý phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển, nhờ đó mà nâng cao dân trí theo mỗi bước đi.
Về định hướng, GS Trần Ngọc Hiên cho rằng: phải định hướng cho đúng vì định hướng sẽ chi phối nội dung chương trình, cách tổ chức nền giáo dục, phương pháp dạy và học. Để định hướng phát triển nền giáo dục nước ta như là sự tích hợp những giá trị của thời đại mới đang hình thành với những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam.
Theo ông: cần giáo dục tư duy độc lập - nhân tố để phát triển toàn diện của mỗi cá nhân; kết hợp hài hoà tri thức khoa học kỹ thuật với tri thức khoa học xã hội - nhân văn là định hướng nền giáo dục mới, và xây dựng môi trường văn hoá trong hoạt động giáo dục, đào tạo, những điều tốt đẹp được truyền cho thế hệ trẻ, chủ yếu là thông qua quan hệ trực tiếp với người thầy và cả người quản lý giáo dục, chứ không phải chủ yếu qua sách vở. Chính mối quan hệ ấy tạo ra môi trường văn hoá trong giáo dục...
GS. TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam: cho rằng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia; học tập là gốc rễ của giáo hóa”, phương ngôn đó vẫn còn nguyên tính thời sự đối với ngành GD-ĐT hiện nay. Một quốc gia không có người hiền tài sẽ là một quốc gia đứng trước những bế tắc trong bài toán phát triển. Vậy nên, theo ông, cần phải có triết lý giáo dục trong điều kiện xây dựng nền giáo dục tri thức. Do vậy, muốn làm tốt, cần thực hiện tốt lời dạy của Hồ Chí Minh: Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm.
GS.TS Phạm Mạnh Hùng - Nguyên Phó Trưởng ban Ban Khoa giáo TƯ đề cập vấn đề ham học, làm sao để toàn dân ham học, đọng lực ham học ở đây thực sự là thi đua chứ không phải là ganh đua.
GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội nêu vất thực tế hơn: xây dựng triết lý giáo dục bắt đầu từ đâu. Việt Nam đã có những điều kiện gì. Triết lý giáo dục Việt Nam phải bao gồm những yêu cầu gì. Theo ông: việc xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam phải hiểu được 5 vấn đề, đó là: Hiểu con người Việt Nam; Hiểu lịch sử giáo dục của đất nước; Hiểu xu thế thế giới; Hiểu những yêu cầu của đất nước, Đảng, nhân dân với giáo dục; Hiểu được những yếu tố tác động tới giáo dục Việt Nam.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Phùng Hữu Phú đánh giá cao sáng kiến của Báo ĐTDCS đã tổ chức buổi tọa đàm rất cần thiết và thiết thực này.
Mục đích của buổi tọa đàm hôm nay để thấy được những giá trị, những tinh hoa của dân tộc ta về triết lý giáo dục để tiếp tục vận dụng, cân nhắc hoàn cảnh lịch sử hiện nay, tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa hiện nay để hình thành triết lý giáo dục Việt Nam đúng, có sức sống và có tính khả thi.
Trong quá trình triển khai sắp tới, bên cạnh việc xây dựng kết hoạch, quy hoạch các chương trình đề án cụ thể, chiến lược giáo dục Việt Nam 2011 - 2020 cần hình thành được một triết lý giáo dục và truyền bá sâu rộng triết lý giáo dục trong thầy, trò, cộng đồng xã hội, coi đây là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong chiến lược đổi mới giáo dục trong 10 năm tới.
Bá Hải