Giáo dục HS qua lao động: Một chương trình không thể bỏ qua
15/10/2012(GD&TĐ) - Nguyên lý giáo dục đã chỉ ra mục đích cũng như yêu cầu của quá trình giáo dục, trong đó, giáo dục toàn diện là yếu tố quan trong hàng đầu không thể thiếu được của các nhà trường. Do vậy, trong quá trình giáo dục học sinh, thông qua dạy chữ để dạy làm người, các nhà trường luôn chú trọng rèn cho học sinh các yếu tố như đức, trí, thể, mĩ. Trong đó, yếu tố giáo dục học sinh bằng lao động và qua lao động không thể bỏ qua được.
Từ rất lâu, các nhà trường dù ở cấp nào đi nữa ngoài rèn đạo đức, cung cấp tri thức cho học sinh thì một yếu tố rất quan trọng đó là luôn coi lao động là việc làm cần thiết để giáo dục toàn diện học sinh. Ngoài giờ học, hàng tuần, học sinh phải tham gia lao động, vệ sinh trường lớp, vệ sinh nơi công cộng và tham gia lao động công ích ở địa phương. Có như vậy, với sự tiến hành thường xuyên và có kế hoạch của các nhà trường sẽ giúp ích rất lớn vào việc hình thành đức tính yêu lao động ở trẻ, giúp các em hiểu và có trách nhiệm với bản thân, cuộc sống…
Xác định được vai trò quan trọng của lao động đối với học sinh, nhiều nhà trường đã xây dựng kế hoạch lao động hàng tuần sao cho phù hợp với đối tượng học sinh. Công việc không quá nặng nhọc đối với các em, miễn là để các em có dịp tham gia vào hoạt động này một cách thường xuyên và hiệu quả. Nhiều trường học đã yêu cầu học sinh vệ sinh lớp học hàng ngày bằng cách phân công theo bàn trực nhật. Đây là một việc không thể bỏ được. Vì nhờ có hoạt động này, sẽ giúp các em nhận thức được rằng cần phải làm sạch nơi mình học, nơi mình ở và sự công bằng trong phân công lao động. Rồi hàng tuần, các nhà trường có kế hoạch cho lớp trực tuần tham gia lao động vệ sinh trường học làm cho cảnh quan xanh, sạch, đẹp mỗi ngày.
HS trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ đào hố trồng cây xanh trong khuân viên trường |
Vấn đề đặt ra là cái đích của hoạt động lao động mà mỗi nhà trường thường tổ chức là gì? Có phải là năng suất của cải do lao động của học sinh mang lại hay một lợi nhuận nào đó? Tất cả đều tập trung vào hiệu quả giáo dục qua hoạt động lao động đó là hình thành niềm tin trong tâm hồn học sinh rằng các em sẽ cảm nhận được lao động là vinh quang, là tự hào, là trách nhiệm của mỗi con người trong cuộc sống. Điều đó sẽ kích thích nhiều hơn nữa ý chí học tập của các em.
Giáo dục học sinh qua lao động cũng cần có sự chung tay, góp sức của phụ huynh học sinh. Khi về nhà, phụ huynh cần có thời gian biểu hợp lý để con em được ôn bài rồi có thời gian tham gia vào hoạt động lao động ở gia đình theo công việc phù hợp. Có như thế, các em mới có thêm động lực để học tập.
Trong xã hội ngày nay, dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường, việc giáo dục học trò qua lao động và bằng lao động cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với các cấp quản lý, các nhà giáo dục. Điều đó đồng nghĩa với việc, các nhà trường chỉ chú trọng dạy kiến thức cho học sinh còn các hoạt động khác trong đó có lao động thì không quan tâm. Đó cũng là điều dễ hiểu khi các nhà trường không tổ chức cho học sinh lao động mà vào đầu năm học đều thu tiền nào là tiền lao động nào là tiền thuê làm trực nhật nào là tiền lao động công ích…Như thế có nghĩa là học sinh chỉ việc đi học chứ không biết lao động là gì. Hiện tượng này diễn ra rất nhiều ở các trường thuộc thành phố, thị trấn.
Cũng nằm trong việc giáo dục học sinh bằng lao động, nhiều trường học nhất là các trường học tư thục đã lạm dung lao động để sát phạt học sinh khi các em mắc lỗi. Hàng tuần, nếu học sinh nào mắc lỗi, giáo viên chủ nhiệm báo với ban lao động nhà trường để xếp việc phạt học sinh. Có thể là lao động trực nhật lớp hàng tuần, rồi cọ hố giải, đánh đất, xới cỏ….Thực chất, đó cũng là những việc có trong lao động nhưng mục đích giáo dục lại đi trái với hiệu quả của nó. Chúng ta chỉ sử dụng lao động để các em cảm nhận được lao động là vinh quang chứ không phải lao động là sự sát phạt, kỷ luật và xấu hổ.…Hiện tượng này cần được xóa bỏ.
Dù ở bất kỳ thời nào, ở nhà trường nào, luôn đặt ra vấn đề giáo dục toàn diện học sinh. Và đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hơn bao giờ hết, các nhà trường phổ thông có nhiều cấp học cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục học sinh qua lao động và coi đây là yếu tố không thể thiếu được trong hành trình đưa các em trở thành con người hữu ích của xã hội.
Nguyễn Thế Lượng