Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục Giáo dục Việt Nam đang trên con đường nào?

Giáo dục Việt Nam đang trên con đường nào?

24/08/2009

<div align="justify">TTCT - Năm học vừa khai giảng bắt đầu với một số thay đổi: tăng học phí, và để bù lại, cho vay “ăn học”. Đây là một vài thay đổi đơn lẻ hay là một chuyển hướng quyết định? Qua một số tham luận trong hội thảo “Phát triển giáo dục so sánh tại VN” tổ chức tại TP.HCM vào tháng năm năm nay, người ta có thể nhận ra rằng đang có sự chuyển hướng theo một mô hình mới.</div>

43.jpg

Phần chính của cuộc hội thảo là những tham luận về tính ưu việt của mô hình giáo dục Hoa Kỳ. Đại diện của mô hình này hiện diện đông đảo trong hội thảo, kể cả từ xa qua một cầu truyền hình liên lục địa, và tất nhiên qua cả kim tiền tài trợ. Các nền giáo dục còn lại của thế giới chỉ được nhắc đến trong vị trí “kẻ vắng mặt”, hầu hết là với những khuyết điểm để minh họa những ưu điểm của mô hình kia.

Có thể học tập gì từ hệ thống giáo dục Hoa Kỳ?

Vì sao nền GDĐH Hoa Kỳ có sức hấp dẫn mạnh mẽ như vậy?... Tính thị trường có lẽ là đặc điểm bao trùm nhất, thể hiện rõ nhất của GDĐH Hoa Kỳ. Trong toàn bộ hệ thống GDĐH Hoa Kỳ cũng như trong hoạt động của từng trường đại học, sức mạnh của thị trường chi phối rất rõ rệt. Những người làm chính sách không những chấp nhận sự chi phối của thị trường mà còn tận dụng sức mạnh đó để nâng cao hiệu quả đầu tư, chẳng hạn như trong việc chọn phương thức cấp học bổng và tín dụng... Vì GDĐH Hoa Kỳ tôn trọng các qui luật của thị trường và có ý thức khai thác chúng, các lực thị trường đã tạo nên sự cân bằng động cho hệ thống.

Sau vài lời nói đầu về nhu cầu của “giáo dục so sánh”, một giáo sư tiến sĩ khoa học trình bày tham luận “Giáo dục đại học (GDĐH) VN và sự tham khảo kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ” - bắt đầu bằng tóm lược lịch sử mối quan hệ giữa GDĐH VN với GDĐH Hoa Kỳ (các chỗ in nghiêng là của tác giả tham luận).

Thông điệp quá rõ: mô hình Hoa Kỳ như là chọn lựa chính thức. Tiếp tục là phần giới thiệu “Những giá trị của kinh nghiệm GDĐH Hoa Kỳ đối với GDĐH nước ta trong thời kỳ mới”.

Diễn giả đã dày công giải thích: ở Hoa Kỳ, nhờ đóng học phí và cho vay tín dụng mà số sinh viên đại học đông hơn ở châu Âu vốn cứ bao cấp giáo dục. Diễn giả cũng đề cập những ưu điểm khác của mô hình giáo dục Hoa Kỳ như: phi tập trung, dân chủ, thực tiễn, đại chúng và cuối cùng đặt vấn đề: “Hệ thống GDĐH Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả. Vậy VN có thể học tập được gì từ hệ thống này?”.

Có lẽ tính thị trường mới là đặc điểm bao trùm nhất, thể hiện rõ nhất, nên không lấy làm lạ tại sao những thay đổi của năm học mới cho thấy “tính thị trường” lại đi trước các ưu điểm khác.

Quan điểm trên không phải là duy nhất hay hiếm hoi. Một nữ tiến sĩ giáo dục, ký tên chung với một tác giả Mỹ trên bài báo mang tựa đề kiêu kỳ “Vai trò của GDĐH Mỹ trong GDĐH VN”, đã thừa nhận: “Tựa này là của ông Mỹ. 80% nội dung là của ông ấy. Phần của tôi là 20%”!

Chuẩn - thị trường giáo dục

Một tiến sĩ khoa học khác tham luận với đề tài “Chuẩn - thị trường (quasi-market) giáo dục VN và những vấn đề đặt ra đối với giáo dục so sánh”. Ông đã cất công giải thích: chuẩn (quasi) có nghĩa là sắp sửa, gần như là. Giống như chuẩn úy, chuẩn tướng vậy, chứ không phải chuẩn mực. Chuẩn - thị trường tức là một nền kinh tế hầu như là thị trường. Nôm na mà hiểu, đề tài của ông là: “Các vấn đề của nền giáo dục VN trong chọn lựa hầu như là thị trường”.

Và ông đã tóm lược tiến trình đổi mới giáo dục VN trong 20 năm qua: “...Chuyển từ giáo dục phục vụ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang giáo dục vận hành trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyển từ giáo dục khép kín sang giáo dục mở cửa, chủ động hội nhập quốc tế... Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung ứng giáo dục, nhưng sự bao cấp toàn bộ trước đây đã được thay thế bằng cơ chế chia sẻ chi phí với việc đóng góp bằng học phí của người học: các nhà cung ứng mới trong giáo dục cũng đã xuất hiện: các trường bán công, dân lập, tư thục; các tổ chức, các cơ sở giáo dục nước ngoài”.

Theo tác giả, bước đầu cũng đã có những kết quả: “Ở cấp giáo dục phổ cập (tiểu học và trung học cơ sở) đã dần dần hình thành tình thế người học được lựa chọn trường học. Vì vậy đã có sự cạnh tranh rõ nét giữa các trường ngoài công lập trong việc thu hút người học... Trước khi vào WTO, đã có sự hình thành chuẩn - thị trường giáo dục ở một số cấp học, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị... Sau khi vào WTO, bên cạnh hai đặc trưng cơ bản đã nói ở trên, giáo dục VN sẽ có thêm một đặc trưng mới: chuyển từ chuẩn - độc quyền giáo dục (tức là hầu như Nhà nước độc quyền làm giáo dục) sang chuẩn - thị trường giáo dục” (các chỗ in nghiêng của tác giả tham luận).

Từ những giải thích đó, người nghe vỡ lẽ rằng khi nền giáo dục này đang biến thành một nền giáo dục - hầu như là thị trường, thì việc học là hàng hóa để bán và để mua là... chí lý. Nhà nước không còn là nhà cung cấp giáo dục duy nhất, không còn là người đài thọ chi phí duy nhất cho người dân đóng thuế như trong các xã hội “bao cấp” (trong đó có cả châu Âu hiện nay và cả Mỹ ở cấp giáo dục phổ cập). Cũng như trong y tế, sẽ không còn “nhà thương” vốn là tiêu biểu cho chính sách y tế miễn phí. Chuẩn - thị trường, nôm na mà nói, là như thế. Tất nhiên cũng có những biện pháp cân bằng như cho vay học phí, bảo hiểm y tế tự nguyện...

30 năm trước, mục tiêu của giáo dục là “xây dựng con người...”. 30 năm sau, “giáo dục là hàng hóa”. Điều này thì già trẻ lớn bé đều trải nghiệm.

GDĐH VN đã chịu ảnh hưởng của GDĐH Hoa Kỳ từ lâu, qua nhiều con đường. Đó là sự du nhập vào miền Nam một số mô hình và qui trình của GDĐH Hoa Kỳ: các trường cao đẳng cộng đồng, học chế tín chỉ trước năm 1975, khi cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và VN đang tiếp diễn. Về phía VN lúc đó việc du nhập các mô hình này là trực tiếp nhưng chưa mang tính tự nguyện, vì những vấn đề lớn hơn của cuộc chiến tranh như chủ quyền và độc lập dân tộc chưa được giải quyết. Vì vậy những ảnh hưởng đó không bền vững, và thực tế chúng đã bị xóa bỏ sau năm 1975.

Khoảng từ năm1987 - 1995, VN chuyển sang kinh tế thị trường, một số ý tưởng của mô hình GDĐH Hoa Kỳ đã được tái du nhập vào VN một cách gián tiếp, vì cánh cửa giữa VN và Hoa kỳ vẫn bị đóng kín do chính sách cấm vận của Hoa Kỳ. Thông tin về GDĐH Hoa Kỳ truyền vào VN không đủ để tạo một sự đồng thuận cao đối với việc áp dụng các ý tưởng đó.

Từ sau năm 1995, với sự bình thường hóa quan hệ giữa VN và Hoa Kỳ, cánh cửa giữa hai quốc gia đã được rộng mở, những người làm chính sách và cộng đồng GDĐH VN hiểu biết nhiều hơn về đất nước và nền GDĐH Hoa Kỳ, do đó những chủ trương về thiết kế cơ cấu hệ thống trình độ với ba mức bằng cấp chính cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, về đại chúng hóa GDĐH, về tăng cường mở rộng việc áp dụng học chế tín chỉ, về xây dựng hệ thống cao đẳng cộng đồng, về mở rộng hệ thống các trường đại học ngoài công lập, về hệ thống kiểm định công nhận chất lượng... đã được Chính phủ thúc đẩy thực hiện và đã tìm được sự đồng thuận cao trong cộng đồng GDĐH VN.

Ngoài ra, Chính phủ VN còn thể hiện ý nguyện xây dựng một vài trường đại học đẳng cấp quốc tế dựa vào sự giúp đỡ, tư vấn của các trường đại học Hoa Kỳ. Như vậy, một đặc điểm nổi bật của việc áp dụng các kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ vào VN trong giai đoạn mới hiện nay là có tính trực tiếp và có sự tự nguyện.

DANH ĐỨC