GS.NGND Phan Trọng Luận: Muốn thành đạt trước hết phải yêu nghề mình đã chọn
30/03/2013(GD&TĐ) - Xác định một trong những nguồn lực cần thiết cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ở các trường sư phạm. Tuy nhiên do sự chi phối bởi nhiều yếu tố, vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập nơi bục giảng. Làm thế nào để bức tranh người thầy giáo trong tương lai gần sẽ tươi sáng, sinh động hơn? Đó là nỗi niềm đau đáu của những người làm giáo dục đầy tâm huyết trước mỗi mùa tuyển sinh vào các trường sư phạm. Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với GS.NGDN Phan Trọng Luận -giáo sư đầu ngành của khoa Phương pháp giảng dạy văn học, Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Ngữ văn THPT.
- Thưa GS, với sự trải nghiệm của hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề dạy học cũng như ngành giáo dục, xin ông cho biết, tố chất nào làm nên một thầy giáo giỏi?
GS.NGND Phan Trọng Luận |
GS.NGND Phan Trọng Luận: Tôi nghĩ bất cứ ngành nghề nào cũng vậy muốn trở thành một con người thành đạt trong nghề nghiệp thì trước hết phải là một người yêu cái ngành mình đã lựa chọn. Một cảnh sát hình sự luôn luôn phải đối mặt với cái chết hay một chị công nhân môi trường vệ sinh ngày đêm lam lũ, vất vả nếu không yêu cái nghề mình đang làm thì không bao giờ có thể hoàn thành tốt công việc đó được.
Với một thầy giáo cũng vậy, cần ý thức được thật minh triết về nghề nghiệp của mình để yêu quí, để say mê, để tận tụy cống hiến. Cái hạnh phúc lớn nhất của thầy giáo mà có lẽ ít ngành nào có thể có được đó là hạnh phúc được hàng ngày tiếp xúc với tuổi trẻ tương lai của đất nước, đó là một nghề hàng ngày lên lớp luôn truyền đạt cho học sinh của mình những điều tốt đẹp nhất về kiến thức khoa học, về lẽ sống làm người. Và bản thân người thầy giáo bao giờ cũng phải giữ mình để thị phạm cho lớp học trò mình dạy dỗ. Tôi nghĩ nghề dạy học không phải là nghề dễ kiếm tiền. Đời sống của thầy giáo khi nào cũng thanh bạch. Nhưng cái hấp dẫn nhất của nghề dạy học chính là ở những điều tôi nói trên. Có thể nói đó là triết lí nghề nghiệp của thầy giáo. Không phải ngẫu nhiên mà cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí”. Ngoài ra còn biết bao nhiêu phẩm chất cần có để trở thành một thầy giáo giỏi. Ví dụ: Tinh thần cần cù tu dưỡng nghề nghiệp. Người thầy giáo cần có một vốn văn hóa rộng. Người ta thường nói đó là cái nền văn hóa(well rounded). Sức hấp dẫn của thầy giáo đối với học sinh là vốn văn hóa sâu rộng, là sự uyên thâm. Ngoài ra, thầy giáo giỏi cũng là thầy giáo tinh thông nghề nghiệp. Nghề nghiệp thì bao gồm nhiều thứ rất phức tạp, rất đa diện. Nào là nghệ thuật giao tiếp, là phong cách sư phạm, là sự giàu có về ngôn ngữ. Tôi nghĩ, khó có thể nói hết được mọi yêu cầu về phẩm chất và năng lực của một thầy giáo giỏi.
- Thưa GS, dư luận xã hội phàn nàn rằng tình cảm thầy trò ngày nay ít có sự gắn bó sâu nặng như ngày trước. Phải chăng truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc đã bị mai một?
GS.NGND Phan Trọng Luận: Tôi nghĩ thời đại và xã hội luôn luôn phát triển và biến đổi. Có những quan niệm về giá trị cũng không hoàn toàn giống như cũ. Trong tâm khảm của tôi, hình ảnh người thầy của tôi bao giờ cũng thiêng liêng, cao quí. Nhưng với học sinh ngày nay, họ đang sống trong nhiều quan hệ phức tạp hơn, đa dạng hơn nên cũng không thể đòi hỏi một mô hình “tôn sư trọng đạo” giống như ngày xưa. Ngày xưa, ông thầy giáo được xếp bậc thứ hai trong thang bậc “Quân – Sư – Phụ”, ngày nay thầy còn là bạn, là người tâm giao, là đồng hành thân thiết chỉ đường. Có lẽ suy nghĩ như vậy chúng ta không quá bi quan về mối quan hệ thầy trò ngày nay.
Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí Ảnh: T.Minh |
- Thưa GS, có một thực tế trong những năm gần đây, để tồn tại được, nhiều trường sư phạm chuyên ngành đã phải mở rộng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Ông nghĩ sao về điều này?
GS.NGND Phan Trọng Luận: Tôi nghĩ các trường sư phạm chuyên ngành phải mở rộng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực là một điều có thể hiểu được. Một là do nhu cầu đầu ra của ngành sư phạm đang bị co hẹp lại. Sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Thứ hai là các ngành đào tạo ví dụ như Việt Nam học lại có sức hấp dẫn vì sinh viên được trang bị nhiều kiến thức và kĩ năng liên ngành có khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ra trường có thể kiếm việc làm dễ hơn. Nên chăng, nhà nước cần có một chiến lược thu hẹp lại mạng lưới các trường sư phạm, trả lại đúng chức năng đào tạo ra “thầy của những người thầy” để người thầy giáo thật sự đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đáp ứng được niềm tin của nhân dân.
- Trước mùa tuyển sinh 2013, ông có hiến kế gì cho các trường sư phạm về đảm bảo chất lượng đầu vào và cả việc tạo hành trang cho người thầy giáo tương lai hay không?
GS.NGND Phan Trọng Luận: Đây là vấn đề nhức nhối nhiều thập kỉ nay của ngành sư phạm. Số học sinh giỏi trong đó có học sinh khối C và khối D cuối cùng cũng phải tránh ngành sư phạm. Tôi nghĩ có lẽ các bạn trẻ cũng khá tỉnh táo và khôn ngoan. Vào ngành sư phạm được ưu đãi gì, ra trường có dễ tìm việc không, đồng lương thấp kém có thể nuôi thân được không? Trước đây ngành Y và ngành Sư phạm là hai ngành được lựa chọn hàng đầu.
Rõ ràng muốn lôi cuốn được người tài, người giỏi vào ngành sư phạm thì phải có một sự thay đổi căn bản từ cấp quản lí nhà nước về chính sách đãi ngộ, tuyển dụng đào tạo và sử dụng. Bản thân các trường sư phạm cũng bó tay trước chế độ chính sách hiện hành đối với ngành sư phạm.
Tuy nhiên trong phạm vi quyền hạn của mình, trường sư phạm vẫn có thể có nhiều giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng học sinh giỏi vào ngành sư phạm: ưu đãi về học phí, ưu đãi về nơi ăn chốn ở, ưu đãi về tuyển chọn khi ra trường, đa dạng hóa hình thức khen thưởng, trợ cấp hàng năm cho sinh viên giỏi, lựa chọn hạt giống tốt vào các lớp chất lượng cao dể xây dựng đoi ngũ giảng viên đại học.
Nguyễn Thúy Hồng (thực hiện)