Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục HỌC LÀM NGƯỜI TỰ DO

HỌC LÀM NGƯỜI TỰ DO

14/10/2009

Osho, tên thật là Bhagwan Rajneesh, là bậc thầy tâm linh của Ấn-độ. Ngài không chỉ dạy biết chấp nhận mọi thứ, sống trong sự liên thông với CÁI TOÀN THỂ, mà còn dạy phải sống một cách thông minh, không theo số đông một cách máy móc, không tuân theo sự phán bảo của “bề trên” một cách mù quáng. Sau khi đọc đoạn văn dưới đây, ta có thể không cần làm theo giống như Ngài, nhưng những điều Ngài nói thì thực sự đáng suy ngẫm. Trong bối cảnh của giáo dục ở nước ta hiện nay, rất cần có những quan điểm kiểu như thế này để đối chứng.

Suốt cuộc đời, từ tuổi ấu thơ cho đến khi đã trưởng thành, tôi luôn bị lên án vì không chịu nghe lời. Và tôi luôn nói: “Không phải tôi không có khả năng vâng lời. Đơn giản là tôi muốn dùng trí khôn của mình để xem cái gì đúng, cái gì nên làm, và tôi chịu trách nhiệm về việc mình làm. Nếu có gì không ổn thì đó là lỗi của tôi. Tôi không muốn đổ lỗi cho người khác vì họ đã bảo tôi làm việc đó.”

Nhưng đối với cha mẹ và thầy cô giáo của tôi thì như thế thật khó chấp nhận. Nhà trường thì bắt học sinh đến trường phải đội mũ, còn tôi thì cứ đến đầu không. Một thầy dạy lớp tôi gọi tôi lại và nói: “Cậu không biết đội mũ là bắt buộc à?”

Tôi nói: “Việc đội mũ thì sao lại bắt buộc được. Làm sao mà bắt buộc người ta làm việc đó? Mang theo cái đầu mới là việc bắt buộc, chứ không phải mang mũ. Em đến trường với cái đầu, còn thầy, chẳng lẽ thầy chỉ mang theo mũ?”

Ông ấy nói: “Cậu thật kỳ cục. Nội quy nhà trường người ta viết hẳn là không đội mũ thì không được vào trường cơ mà.”

Tôi nói: “Thế thì đã đến lúc người ta phải sửa lại bản nội quy đó rồi, thưa thầy. Nội quy không phải do trời viết ra, mà do con người. Mà con người thì có lúc sai.”

Ông thầy của tôi không tin được. Ông ấy nói: “Cậu bị sao vậy? Vì sao học trò lại không đội mũ được?”

Tôi nói: “Vấn đề không phải là cái mũ. Em muốn biết lý do vì sao lại bắt buộc phải đội mũ. Nếu thầy không giải thích được thì hãy dẫn em đến gặp thầy hiệu trưởng để bàn về việc này.”

Thế là ông ấy dẫn tôi đến phòng hiệu trưởng.

Ở Ấn-độ, người Bengali là dân tộc thông minh nhất, mà họ không đội mũ. Còn người Punjabi thì kém thông minh nhất, và họ luôn mang khăn quấn trên đầu. Tôi nói với ông hiệu trưởng: “Thầy xem đấy, người Bengali không đội mũ và họ thông minh nhất ở nước ta, còn người Punjabi thì quấn khăn rất chặt trên đầu, và họ là dân tộc kém thông minh nhất. Có vẻ cái mũ có liên quan với trí thông minh nên em không dám mạo hiểm đội mũ.”

Thầy hiệu trưởng chăm chú nghe, rồi ông ấy nói: “Cậu này thật bướng, nhưng nói có lý. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này, nhưng đúng là thế thật. Chúng ta có thể bỏ quy định bắt buộc đội mũ đi. Ai muốn đội thì đội, không thì thôi, vì nó chẳng liên quan đến việc dạy và học.”

Ông thầy dạy lớp tôi không tin nổi. Trên đường về lớp, ông ấy hỏi: “Cậu nói gì với thầy hiệu trưởng thế?”

Tôi nói: “À, em chỉ phân tích sự việc. Em không chống đối, em sẵn sàng đội mũ. Nhưng nếu thầy nghĩ nó có lợi cho trí thông minh thì sao lại chỉ đội một cái? Em có thể đội hai ba cái, cái nọ chồng lên cái kia, nếu nó làm em thông minh hơn. Em không chống, em chỉ muốn thầy chứng minh điều đó thôi.”

Thầy tôi nói, và tôi vẫn nhớ nguyên văn: “Cậu sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Cậu chẳng hợp với nơi nào cả.”

“Thế thì tốt quá”, tôi nói. “Em không muốn làm một thằng ngốc hợp với mọi nơi. Tốt nhất là trở thành người không phù hợp nhưng thông minh. Và em đến trường để học điều khôn, để trở thành người không phù hợp nhưng có trí khôn. Xin thầy đừng cố biến em từ một cá nhân thành một người ăn khớp với xã hội.”

Từ hôm sau, học sinh trường tôi không phải đội mũ nữa. Nhưng ông thầy đó thì vẫn đội. Bước vào cổng trường, và đã có quy định mới không bắt buộc đội mũ nên các thầy cô, kể cả hiệu trưởng, đều không đội mũ. Trông ông thầy tôi thật ngố. Tôi nói với ông ấy: “Vẫn còn kịp đấy thầy ạ. Thầy cất mũ đi.” Và ông ấy làm theo!

………

Khi tôi mới vào đại học, câu đầu tiên mà ông hiệu phó hỏi tôi là: “Sao em để râu ria xồm xoàm vậy?” Và việc hỏi thế là bình thường, vì hồi ấy chẳng ai để như tôi.

Tôi đáp: “Em định đến gặp thầy để xin học bổng. Nhưng bây giờ thì việc đó không quan trọng bằng việc em có cơ hội tranh luận.”

Ông hiệu phó hỏi lại tôi: “Cậu định nói gì?”

Tôi đáp: “Em muốn hỏi sao thầy lại cạo râu của thầy đi. Em có làm gì với râu của em đâu, tự chúng mọc ra đấy ạ. Còn thầy, thầy mới tác động vào chúng, thầy không để chúng mọc tự nhiên, thầy cạo mỗi ngày hai lần. Thầy phải giải thích tại sao thầy làm như vậy.”

Ông ấy nói: “Ờ mà đúng là tôi chưa bao giờ nghĩ về việc này… Mọi người đều làm thế và tôi cũng làm theo.”

Tôi nói: “Đó không phải câu trả lời thông minh. Thầy cần suy nghĩ thật kỹ. Hàng ngày em sẽ đến đây, gõ cửa phòng thầy. Khi nào thầy tìm ra câu trả lời thì nói cho em biết, rồi em cũng sẽ cạo râu như thầy.”

Ba ngày tiếp theo tôi đều đến gõ cửa phòng làm việc của ông ấy. Ngày thứ tư ông ấy nói: “Cậu làm tôi mất ngủ mấy hôm nay. Suốt ngày lúc nào tôi cũng nghĩ đến chuyện râu với ria, cả ngày tôi cứ nhìn ra, trông chừng cậu đến gõ cửa. Có lúc tôi nghe tiếng gõ mà mở ra thì không có ai. Tôi bị ảo giác mất rồi. Cậu làm tôi bị ám rồi. Cậu nhận học bổng đi rồi làm gì tuỳ thích với râu của cậu. Làm ơn quên câu tôi hỏi cậu đi.”

Tôi nói: “Không dễ thế đâu thầy ạ. Thầy không được cạo râu nữa, nếu không em sẽ tiếp tục đến gõ cửa phòng thầy cho đến khi có câu trả lời.”

Ông ấy kêu lên: “Trời! Tôi đã cấp học bổng cho cậu rồi, mà học bổng đó lẽ ra cậu không được nhận vì cậu không phải sinh viên trường này. Cậu từ trường khác đến, mà theo quy định ở đây thì trước hết chúng tôi ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp trường này. Tôi đã bỏ qua quy định, tôi cấp học bổng cho cậu vì muốn cậu đừng đến gõ cửa phòng tôi nữa.”

Tôi nói: “Thôi, thầy cứ giữ lại suất học bổng đó mà trao cho sinh viên khác, nhưng thầy phải ngừng cạo râu.”

Ông ấy nói: “Xin đừng đối xử hà khắc như thế với một ông già như tôi. Tôi mà làm thế thì người ta sẽ nói về tôi như thế nào? Xin đừng biến tôi thành trò hề!”

Tôi nói: “Thầy sẽ thành trò hề nếu thầy không nghe em, vì em sẽ kể cho mọi người nghe những chuyện đã xảy ra trong bốn ngày vừa rồi.”

Và bạn sẽ không thể tin được: ông ấy trao học bổng cho tôi và bắt đầu để râu! Cả trường vô cùng kinh ngạc, vì ông ấy là người rất tươm tất – ông ấy đã từng giảng dạy ở Oxford, là giáo sư sử học và là chủ nhiệm khoa ở trường này. Mọi người băn khoăn hỏi ông: “Có chuyện gì vậy?”

Ông ấy nói: “Chẳng có gì. Tôi chỉ nhận ra rằng tôi đã phạm một sai lầm mà không giải thích được. Chàng thanh niên đó đã giúp tôi hiểu ra rằng mình phải sống một cách hợp lý. Trước đây tôi chỉ biết bắt chước, chỉ biết theo những gì diễn ra chung quanh. Chưa từng có ai nói với tôi rằng tôi chỉ biết phục tùng. Bây giờ thì vì rằng tôi không tìm ra lý do gì để cạo râu nên tôi để râu. Và hình như chàng trai đã nói đúng, rằng nếu phụ nữ để râu thì…”

………

Bạn hãy tưởng tượng xem thế giới có đẹp không nếu phụ nữ thì để râu, còn đàn ông thì cạo nhẵn?