Kỳ thi THPT quốc gia tác động khiến nhà trường đổi mới
01/11/2015GD&TĐ - Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, lãnh đạo các Sở GD&ĐT đều đánh giá cao kỳ thi THPT quốc gia 2015 và khẳng định: Đây là thành công của ngành Giáo dục trong đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Cao Xuân Hùng đánh giá cao ý nghĩa của kỳ thi THPT quốc gia ở cả quyết tâm thực hiện của toàn ngành và thắng lợi quan trọng nhất là tác động để các trường phổ thông chuyển đổi cách thức dạy và học hướng vào việc phát huy phẩm chất, năng lực của người học.
Cách ra đề thi theo hướng mở là động lực để buộc các trường phổ thông phải đổi mới cách dạy và học. Đây cũng là việc làm cần thiết để hướng tới thay đổi cách thức dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kết quả thi THPT quốc gia về cơ bản đã phản ánh chính xác và khách quan năng lực học tập của thí sinh, giúp các trường ĐH, CĐ tuyển người học phù hợp với yêu cầu đào tạo.
Nam Định đã huy động các cấp, các ngành “cùng đi thi” với thí sinh, những thí sinh thi ở cụm thi quốc gia tại Hà Nội đã được tạo điều kiện xe ô tô đưa đón, có giáo viên các trường phổ thông đi theo trợ giúp, ở Hà Nội là sự giúp đỡ của các hội đồng hương.
Có thể các thầy cô và nhà trường vất vả hơn nhưng niềm vui với chúng tôi là Kỳ thi THPT quốc gia năm nay với ý nghĩa 2 trong 1 góp phần tiếp kiệm cho cả thí sinh và xã hội.
Thí sinh và gia đình đã không còn vất vả như các mùa tuyển sinh ĐH, CĐ trước kia khi cứ tốt nghiệp xong là phải khăn gói lên Hà Nội vào mỗi đợt tuyển sinh vô cùng vất vả.
Một cái được của kỳ thi này là các em được chọn lựa ngành, trường học phù hợp với năng lực học tập của mình hơn khi biết điểm rồi mới đăng ký xét tuyển.
Đòn bẩy để đổi mới phương pháp dạy học
Còn theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân, kỳ thi THPT quốc gia là đòn bẩy để ngành Giáo dục, các nhà trường quyết liệt hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông; tạo tiền đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Với học sinh Vĩnh Phúc, việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm học này không chỉ giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, thực tế kết quả thi cho thấy kỳ thi đã bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Giám đốc Hoàng Minh Quân cũng cho rằng Vĩnh Phúc là tỉnh tiếp giáp với Hà Nội, học sinh hiếu học và đa phần các em tốt nghiệp THPT đều có nguyện vọng học lên ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, cùng còn nhiều em do điều kiện khách quan khác, chưa có nhu cầu học nên thì kỳ thi THPT quốc gia với việc tích hợp 2 trong 1 như vậy sẽ góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THPT.
Tôi đánh giá cao việc này vì thực tế kết quả thi nói rõ năng lực học tập của các em, hơn ai hết các em có thể tự nhận thấy với sức học như vậy thì mình chưa nên cố gắng xét tuyển vào trường ĐH, CĐ mà đi làm tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Theo học các hình thức từ xa, phi truyền thống là cách thức phù hợp nếu sau này các em có nhu cầu học lên cao.
Bài học kinh nghiệm
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp: Kỳ thi THPT quốc gia năm nay Bộ GD&ĐT đã làm một việc rất tốt, đó là giúp cho các trường ĐH, CĐ phải đánh giá lại mình một cách khách quan và chính xác nhất.
Nhìn vào việc tuyển sinh năm nay của các trường ĐH, CĐ sẽ thấy rõ, những trường có uy tín xã hội là những trường tuyển sinh tốt không kể trường đó là công hay tư.
Tuyển sinh khó, không có nguồn tuyển, đây là bài học để các trường phải nhìn nhận lại rằng đào tạo đại học không chỉ là việc cứ muốn tuyển là được, vấn đề là người học có chấp nhận hay không. Cần phải gây dựng lòng tin với xã hội – đó là bài học kinh nghiệm duy nhất để các trường tồn tại và phát triển.
TS. Trương Tiến Tùng – Phó Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 và xét tuyển ĐH, CĐ đã nói lên một điều. Không phải được giao quyền tự chủ trong tuyển sinh mà các trường muốn làm gì thì làm, thực tế là xã hội, người học đang thực hiện quyền giám sát tối cao – đó là việc có chấp nhận theo học những trường chưa có uy tín hay không.
Thực tế việc nhiều trường khó khăn trong tuyển sinh năm nay do uy tín chưa cao, do xây dựng chỉ tiêu quá lớn. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh các trường, không còn là việc xác định cố gắng xác định chỉ tiêu cho được nhiều mà vấn đề quan trọng ở đây là việc làm thế nào tạo dựng uy tín với người học, với xã hội, chỉ khi đó chỉ tiêu tuyển sinh mới được xác định chính xác.
Đây là bài học kinh nghiệm chắc chắn các trường sẽ đút rút trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016.
Chấp nhận đổi mới và bản lĩnh đương đầu với những trở ngại, rủi ro là điều xã hội nhận thấy ở kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức.
Điều mà xã hôi mong muốn là trên nền tảng thắng lợi của kỳ thi THPT năm nay, Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm của đợt xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, ở kỳ thi THPT năm sau nên có những nghiên cứu để việc áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn.
Còn các nhà trường, hãy thể hiện trách nhiệm với xã hội bằng chính uy tín và chất lượng đào tạo. Với thí sinh và phụ huynh, cũng cần phải điều chỉnh tâm lý, tránh chạy theo đám đông và không đủ bản lĩnh để quyết định tương lai của chính mình.
Nguyễn Khang
Báo GD&TĐ