Nam Định góp ý tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia
11/01/2015GD&TĐ - Thầy Cao Xuân Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, Sở GD&ĐT đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và nhất trí về cơ bản với dự thảo này.
Thứ nhất, về thành lập cụm thi, thầy Hùng cho biết: Không nên phân biệt thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp với thí sinh có thêm nguyện vọng xét vào đại học, vì sẽ rất khó cho thí sinh phải quyết định việc có hay không nguyện vọng xét tuyển đại học.
Nên giữ nguyên quy định điểm khuyến khích đối với thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên có chứng chỉ Tin học hoặc Ngoại ngữ từ trình độ A trở lên như những năm trước. Vì trước khi có quy chế này, các em đã học chứng chỉ để được cộng điểm khuyến khích theo quy chế cũ.
Sở GD&ĐT Nam Định
Với các tỉnh khó khăn, Bộ GD&ĐT xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho tất cả mọi thí sinh của tỉnh và giao cho trường ĐH chủ trì, đảm bảo tính khách quan, công bằng của kỳ thi.
Liên quan đến trách nhiệm của cán bộ coi thi và của các thành viên khác trong Ban coi thi, dự thảo quy định: “Khi thí sinh bắt đầu làm bài, cán bộ coi thi thứ nhất đối chiếu ảnh trong Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ dự thi và và danh sách ảnh của thí sinh với thí sinh để nhận diện thí sinh, ghi rõ họ tên và ký vào các tờ giấy thi, giấy nháp của thí sinh...”;
Thầy Hùng cho rằng, cách làm này mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác coi thi, làm phiền thí sinh đang làm bài. Do đó, nên bố trí thời gian cho cán bộ coi thi làm việc này ngoài thời gian tính giờ làm bài.
Cũng nội dung về trách nhiệm của cán bộ coi thi và của các thành viên khác trong Ban coi thi, dự thảo quy định: “Nếu thí sinh có nhu cầu chính đáng, nhất thiết phải tạm thời ra khỏi phòng thi thì cán bộ coi thi phải báo cho cán bộ giám sát phòng thi để kịp thời báo cáo Trưởng điểm thi giải quyết”;
Sở GD&ĐT Nam Định đề nghị nên bỏ cụm từ “báo cáo trưởng điểm thi để giải quyết”, mà chỉ cần giao thí sinh cho cán bộ giám sát là được.
Liên quan đến công tác tổ chức coi thi, Sở GD&ĐT Nam Định đề nghị bỏ dòng “Trình giấy CMND (nếu cán bộ coi thi yêu cầu)”. Vì như vậy, thí sinh luôn phải mang 2 loại giấy. Nếu nghi ngờ thẻ dự thi, cán bộ coi thi cần có cách khác để xác minh, không nên gây phiền hà cho thí sinh.
Đồng thời, nên bổ sung nội dung thí sinh được mang vào phòng thi Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì)...
Cùng với đó, ở Điều 14, nên bỏ nội dung: “Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xoá, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi”.
Vì, ngay ở phần trên đã quy định rất rõ, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Góp ý về qui định về việc người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không được tham gia các công việc của Hội đồng thi, Sở GD&ĐT Nam Định cho rằng, chỉ nên nêu chung một lần ở Điều 7, không cần nhắc lại ở các điều khác.
Sở GD&ĐT Nam Định cũng bày tỏ một số băn khoăn với quy định miễn thi môn Ngoại ngữ, vì những thí sinh có chứng chỉ như dự thảo quy chế quy định không gặp khó khăn gì khi dự thi. Hơn nữa, hầu hết những thí sinh này không dùng quyền được miễn mà sẽ dự thi để lấy kết quả xét vào đại học...
Theo báo Giáo dục & Thời đại