Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục Thạc sĩ giáo dục đúc kết hành trang cho giáo viên

Thạc sĩ giáo dục đúc kết hành trang cho giáo viên

10/08/2015

Bài viết dưới đây là sự đúc kết của tác giả Khổng Thị Diễm Hẵng sau khi dự giờ gần 200 bài học ở các trường học của Việt Nam trong vòng gần 10 năm qua.

Trải qua 2 lần cải cách chương trình lớn kể từ sau năm 1975, giáo dục Việt Nam hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, trong đó có chất lượng giáo viên. Có thể nói rằng đội ngũ nhà giáo chưa được trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết để có thể trở thành giáo viên chuyên nghiệp, tự chủ.

Vậy họ còn thiếu những gì và giáo viên tương lai cần chuẩn bị gì để tạo ra những trải nghiệm học tập ý nghĩa cho học sinh?

Tự hỏi mình “Giáo viên là ai?”

Nếu là viên chức nhà nước, họ chỉ cần dạy hết chương trình quy định mà không quan tâm đến liệu học sinh có học được hay không. Nếu là người dẫn dắt học sinh, họ sẽ giúp học sinh hiểu bài, tự xây dựng kiến thức cho chính mình, lắng nghe khi học sinh hiểu lầm, lắng nghe cơ thể các em (qua nét mặt, cử chỉ,…) để nắm bắt học sinh đang phát đi những tín hiệu không lời nào cho giáo viên. Họ cũng xác định rõ nghề dạy thực chất là nghề học bằng cách trang bị cho mình rất nhiều kiến thức liên quan phục vụ cho việc dạy học vì biết khi nào giáo viên ngừng học thì học sinh cũng sẽ ngừng học. Họ sẵn sàng làm việc ngoài phạm vi công việc của mình, tất cả để đem lại một môi trường học tập an toàn, những trải nghiệm học tập thú vị cho học sinh.

Giáo viên thường xuyên tự hỏi mình câu hỏi “Giáo viên là ai?”, đọc sách báo về những tấm gương nhà giáo đã truyền cảm hứng, làm thay đổi cuộc đời của học sinh. Cuốn sách“Người thầy giỏi trong mọi lớp học”có thể giúp giáo viên tham khảo những gì họ cần chuẩn bị cho sự nghiệp dạy học.

Có tư duy cầu tiến, sáng tạo, chủ động trong công việc

Những bất cập nhiều mặt của giáo dục Việt Nam hiện nay khiến nhiều giáo viên ngần ngại đổi mới dạy học và chủ động điều chỉnh chương trình, sáng tạo trong bài học. Một số tỏ ra hài lòng với thành tích hiện tại của mình, một số khác có xu hướng chờ đợi mệnh lệnh, quyết định của cấp trên để tiến hành đổi mới. Tuy nhiên, chính bản thân ý chí, sự chủ động của giáo viên với những nỗ lực hết sức mình mới có thể thay đổi cách suy nghĩ và việc dạy học của họ. Họ chính là người tiếp xúc nhiều nhất và có ảnh hưởng lớn nhất tới học sinh trong bất cứ điều kiện giáo dục nào.Vì vậy, họ cần luôn học hỏi, chủ động đổi mới bài học của mình.

Hãy thử nghiệm những ý tưởng mới nho nhỏ trong các bài học hàng ngày và tự lập ra kế hoạch nghiên cứu cho bản thân mình trong từng năm học. Giáo viên trong trường cùng nhau nghiên cứu, điều chỉnh chương trình, tự thu thập hay làm đồ dùng phục vụ việc dạy học.

Học cách quan sát và suy ngẫm về bài học hàng ngày

Việc này nghe chừng đơn giản nhưng thực tế không phải là điều dễ thực hiện. Nhiều giáo viên coi đối tượng dạy học của mình là cả lớp học nói chung chứ không phải từng cá nhân học sinh nên khó nhận biết em nào vẫn còn băn khoăn hay gặp khó khăn ở điểm nào, nét mặt, cơ thể của học sinh thể hiện điều gì,… Giáo viên cần biết cách quan sát học sinh kĩ lưỡng trong và ngoài lớp học, nhất là quan sát khi nào học sinh học và không học được. Đồng thời, họ cần liên tục tự suy ngẫm về những quyết định giảng dạy của mình ngay trong và sau mỗi bài học. Việc suy ngẫm thường xuyên cùng với giáo viên trong trường và chuyên gia tư vấn ngoài trường học đặc biệt hữu ích.

Kĩ năng quan sát và suy ngẫm cần được rèn luyện liên tục. Tham gia “Nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập” hàng tuần là cách hữu hiệu giúp giáo viên biết quan sát và suy ngẫm tốt hơn.Giáo viên có thể tham khảo 2 cuốn sách “Nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập: Sách hướng dẫn đổi mới nhà trường bền vững” và “Cộng đồng học tập: Mô hình đổi mới toàn diện nhà trường”.

Dành thời gian cho học sinh khám phá, tìm hiểu

Giáo viên thường giục học sinh làm nhanh lên. 1-2 phút sau khi giao việc cho các nhóm, họ đã gọi học sinh lên trình bày vì lo cháy giáo án. Tuy nhiên, học sinh cần thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu, nhất là khi được giao nhiệm vụ thách thức. Nếu có quá nhiều hoạt động trong một bài học, học sinh sẽ bị tước mất khoảng thời gian quý giá để hiểu sâu và xây dựng kiến thức cho chính mình.

Hãy thiết kế bài học chỉ với khoảng 3 hoạt động nhưng vẫn đảm bảo nội dung tối thiểu trong SGK và nội dung cao hơn mức độ SGK.

Quan tâm đến tất cả học sinh

Lớp học là dành cho và thuộc về tất cả học sinh, chứ không chỉ thuộc về học sinh khá, giỏi. Phần lớn giáo viên chỉ thiết kế bài học dành cho đối tượng học sinh này mà không chú ý tới những em không hề phát biểu hay nét mặt lộ rõ sự bối rối, lúng túng, hoài nghi.Trong điều kiện lớp học đông đúc với sĩ số có khi lên tới 60 em/lớp, quan tâm đến tất cả học sinh dường như là điều không thể. Tuy vậy, có những việc giáo viên có thể làm để cải thiện tình hình.

Giáo viên cần chú ý đến đến nhữnghọc sinh trầm, hiểu lầm hay gặp khó khăn trong bài học và tạo nhiều cơ hội cho các em chia sẻ, bày tỏ ý kiến của mình; tổ chức học tập theo nhóm nhỏ (3-4 học sinh/nhóm gồm cả nam và nữ) để học sinh hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau; và quan sát học sinh bằng cách đứng ở góc lớp bên trên để đưa ra hỗ trợ kịp thời.

Tin tưởng vào học sinh

Tất cả học sinh đều có khả năng học tập với những cách học rất khác nhau. Có những em đạt thành tích học tập cao và cũng có những học sinh cảm thấy việc học ở trường không liên quan đến cuộc sống của các em nên tỏ ra thờ ơ với việc học, hay thậm chí phá phách, gây mất trật tự (đôi khi là do hoàn cảnh gia đình hay ảnh hưởng của một số bệnh như tăng động). Giáo viên không nên quy chụp cho rằng các em “học dốt” hay “không học được”, đơn giản bởi vì tất cả trẻ em đều có thể học theo cách của riêng mình, dù là học trong hay ngoài trường học.

Giáo viên hãy tìm đọc thêm tài liệu, sách tham khảo về thuyết đa trí tuệ, tìm hiểu về gia cảnh học sinh, về giáo dục đặc biệt và một số bệnh như tăng động, tự kỉ để hiểu tâm lí và biết cách giúp đỡ học sinh với đặc điểm khác nhau.

Huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh, cộng đồng

Trường học ở Việt Nam thường là nơi khép kín, trong đó tất cả hoạt động ở trường chỉ diễn ra giữa cô và trò. Thay vì vậy, giáo viên có thể hợp tác với phụ huynh để xây dựng bài học như mời phụ huynh là nha sĩ đến hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho học sinh. Hơn nữa, giáo viên thu thập số liệu về dân số, lịch sử, nông nghiêp, công nghiệp địa phương,…và sử dụng chúng trong các bài học một cách hiệu quả.

Vào đầu mỗi năm học, giáo viên thu thập thông tin về ngành nghề của phụ huynh và hình thành ý tưởng hợp tác với họ trong một số bài học nhất định. Ngoài ra, giáo viên cũng tìm hiểu xem họ có thể thu thập những thông tin gì về địa phương và nguồn cung cấp thông tin.

***

Dạy học là một công việc phức tạp đòi hỏi giáo viên phải liên tục đưa ra các quyết định trong quá trình diễn ra bài học và sau khi bài học kết thúc. Để trở thành giáo viên chuyên nghiệp, tự chủ, họ cần trang bị cho mình rất nhiều điều quan trọng. Họ chỉ có thể có được hành trang ấy khi xác định rõ vai trò của mình, nỗ lực học hỏi, sáng tạo không ngừng, vượt qua khó khăn, tự nguyện thực hiện những gì ngoài phạm vi công việc của mình vì lợi ích của học sinh. Phần thưởng dành cho họ chính là những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt học sinh khi các em đã hiểu bài, sự trân quý của phụ huynh cũng như toàn xã hội.

Theo Vietnamnet.vn