Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Nhà giáo- yếu tố quyết định nhất đến chất lượng GD-ĐT

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Nhà giáo- yếu tố quyết định nhất đến chất lượng GD-ĐT

16/11/2012

(GD&TĐ)- Nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2012), phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xung quanh các vấn đề thực trạng, vai trò, trách nhiệm mới của nhà giáo đối với sự nghiệp GD-ĐT có nhiều đổi mới hiện nay?

Phóng viên (PV): Thưa thứ trưởng, đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) các cấp có vai trò như thế nào đối với sự nghiệp GD-ĐT hiện nay?

Thứ trưởng (TT) Nguyễn Vinh Hiển: Từ xưa đến nay vai trò của GV vẫn là đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước. Sứ mệnh đào tạo con người mới là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng đội ngũ GV vẫn là yếu tố giữ vai trò quyết định nhất đến chất lượng GD-ĐT. Tục ngữ có câu: “không thầy đố mày làm nên“ cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh Bá Hải/gdtd.vn

Hiện nay, học sinh (HS) có nhiều nguồn thông tin để thu nhận tri thức nên làm thầy bây giờ khó hơn ngày xưa, thầy giáo phải đạt đến những phẩm chất và chức năng mới. HS của chúng ta đã có mạng internet và nhiều phương tiện truyền thông khác, có các cơ hội giao lưu với bạn bè học trong nước và quốc tế...

Chính vì vậy, nếu trước đây GV chỉ cần bộ SGK để đi dạy thì nay GV phải biết nhiều hơn thế để có thể chủ động ứng xử được trước các tình huống do HS đưa ra, đó là những tình huống mà các em dựa trên các thông tin thu nhận được từ ngoài nhà trường, đưa ra thắc mắc, muốn được GV làm sáng tỏ thêm. 

Xét đến mục tiêu giáo dục chúng ta sẽ gặp một vấn đề hệ trọng khác. Chúng ta biết rằng từ trước đến nay mục tiêu chung của giáo dục các cấp đều là đào tạo những con người sáng tạo, có năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào cuộc sống; tuy nhiên, trong thời gian qua chúng ta làm việc này chưa tốt. GV chủ yếu vẫn đóng vai trò truyền thụ cho HS nắm được một số kiến thức, kỹ năng; còn HS có năng lực sáng tạo, phối hợp các kiến thức, kỹ năng đã học được để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống hay không thì chưa được quan tâm. 

Để khắc phục hạn chế này, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, nhà giáo phải là người tổ chức các hoạt động học tập, hướng dẫn, rèn  luyện HS cách học, cách thu thập, xử lý thông tin để phục vụ việc học tập; không phải chỉ dạy cho HS nắm được cái gì mà phải biết hướng dẫn người học vận dụng tổng hợp những kiến thức, kĩ năng đã học để phát hiện, giải quyết vấn đề trong thực tiễn đời sống. Do vậy người GV phải có năng lực, trình độ cao để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng nhiều hình thức tổ chức giáo dục và kiểm tra, đánh giá giáo dục mới khác nhau và hiện đại. 

Để đáp ứng yêu cầu đó, nhà giáo cũng phải biết tự học và biết vận dụng những kiến thức đã học vào hoạt động nghề nghiệp và cuộc sống thì mới có thể làm gương và biết cách dạy cho học trò của mình. Nếu trước đây có câu: “thầy già, con hát trẻ“ là nói đến yếu tố không thể thiếu được của người GV là quá trình tích luỹ kinh nghiệm thì ngày nay GV được sống trong một xã hội năng động, có sự thay đổi nhanh chóng, GV không chỉ cần tích luỹ kinh nghiệm mà còn phải không ngừng tự học, tự nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đổi mới của sự nghiệp giáo dục, góp phần đào tạo các thế hệ người học biết tự học và ham muốn học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội nước ta thành một xã hội học tập.

02.jpg
Nhà giáo, yếu tố quyết định nhất đến chất lượng GD-ĐT. Ảnh Bá Hải/gdtd.vn

Tôi cũng muốn nói đến một hạn chế nữa, đó là chúng ta chưa thực hiện tốt phương châm kết hợp 3 môi trường giáo dục HS là gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục HS. Nói đến điều này, chúng ta muốn GV phải là thật sự là người của cộng đồng, là người gương mẫu và chủ động kết nối 3 môi trường giáo dục; công tác quản lí phải tạo điều kiện cho giáo viên làm tốt chức năng này. 

Pv: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng đội ngũ GV và CBQLGD ở nước ta hiện nay?

TT Nguyễn Vinh Hiển: Ở nước ta hiện nay số lượng nhà giáo và CBQLGD tăng nhanh, cơ bản bảo đảm được số lượng và cơ cấu cho các cấp học, môn học; số lượng đó từ mầm non đến đại học có gần 1,2 triệu người, trong đó nhà giáo chiếm khoảng 88%, CBQLGD khoảng 12%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên và CBQLGD có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến năm 2011, tỉ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn về bằng cấp là 96,03%, ở tiểu học là 99,46%, THCS là 98,84%, THPT là 99,14%.

CBQLGD các cấp đều đạt hoặc vượt chuẩn bằng cấp, nhất là ở phổ thông, trình độ cử nhân đạt gần 100%. Tỉ lệ có bằng thạc sĩ ngày càng tăng, ở các cơ sở đào tạo CĐ, ĐH tỉ lệ này đạt từ 20 đến 50%. Nhìn chung các nhà giáo và CBQLGD có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững và phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của nhà giáo…

Pv: Trong bối cảnh: "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ GV và CBQLGD ở nước ta ra sao?  

IMG_6901.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đang lắng nghe những chia sẻ của các học viên lớp bồi dưỡng Tiếng Anh bậc B2 theo khung tham chiếu Châu Âu tại trưởng CĐ Hải Dương. Ảnh Bá Hải/gdtd.vn

TT Nguyễn Vinh Hiển: Để tiến hành “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo“ hiện nay thì cần phải đề cập đến đổi mới đào tạo GV trong trường sư phạm. Chương trình đào tạo GV trong các trường sư phạm hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhưng có nhiều yếu tố đã lạc hậu, không theo kịp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Cụ thể là chương trình đào tạo còn nặng về kiến thức chuyên môn, chưa quan tâm đúng mức đến rèn luyện trách nhiệm nhà giáo và năng lực sư phạm của giáo sinh. Thời lượng và điều kiện dành cho việc học và rèn các kĩ thuật, phương pháp và hình thức dạy học – giáo dục còn rất ít; trường sư phạm chưa chú trọng việc phát triển hệ thống các trường phổ thông thực hành, các cơ sở rèn luyện kĩ năng sư phạm.

Trong chương trình đào tạo, các trường sư phạm chưa quan tâm mục tiêu tích hợp vừa dạy kiến thức chuyên môn vừa đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh. Cần phải khắc phục những hạn chế này và quan tâm hơn đến giáo dục lý tưởng, ý thức trách nhiệm công dân, lòng yêu nghề của người GV ngay khi đang học tập và rèn luyện trong trường sư phạm; đồng thời trang bị thêm những kiến thức hiện đang còn thiếu cho sinh viên sư phạm về các lĩnh vực kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, giáo dục hòa nhập, tư vấn hướng nghiệp cho HS, phương pháp dạy học cho người lớn...

Đối với cán bộ quản lý, nếu không có tâm huyết và năng lực quản lý sự phát triển thì chính họ lại là lực cản trong quá trình đổi mới. Trước đây chúng ta quan tâm đến việc trang bị cho CBQLGD các kĩ năng quản lý nhà trường, quản lí hệ thống giáo dục như một môi trường tĩnh. Nay phải đổi sang bồi dưỡng cho họ năng lực lãnh đạo, quản lí quá trình đổi mới của nhà trường và hệ thống giáo dục.

Trong những năm gần đây Bộ GD-ĐT và các cơ sở đào tạo đã có nhiều cố gắng trong việc bồi dưỡng GV và CBQLGD. Nội dung bồi dưỡng GV và CBQLGD đã cố gắng xuất phát từ nhu cầu thực sự của GV, của CBQLGD, thiếu mặt nào được bồi dưỡng mặt đó. Chương trình bồi dưỡng thường xuyên được biên soạn thành nhiều modul khác nhau để GV và CBQLGD chọn lựa và tự học là chính...

Trong thời gian tới, để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng GV và CBQLGD, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung thực hiện “Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011 - 2020”, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện chế độ chính sách cho GV để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và phù hợp với những đặc điểm của nghề giáo để GV được làm việc một cách chân chính, tập trung tâm trí vào nhiệm vụ giáo dục, hạn chế những tiêu cực trong ngành; hỗ trợ, tạo điều kiện để GV đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức quá trình dạy học – giáo dục. 

Theo đó, mục tiêu trong 10 năm tới là xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD theo hướng chuẩn hóa về năng lực, có lòng yêu nghề, tận tâm với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, am hiểu và vận dụng sáng tạo khoa học giáo dục, khoa học quản lý vào điều kiện cụ thể của giáo dục Việt Nam; đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bá Hải (ghi)

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại