Thắp sáng giấc mơ du học
01/11/2021Nằm trong chuỗi Toạ đàm Hướng nghiệp, Tọa đàm tháng 10 với chủ đề “Du học, cơ hội và thách thức” diễn ra vào 19h30 ngày 30/10/2021, với hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom đã mang đến những nội dung bổ ích, những định hướng đúng đắn cho các em học sinh đang ấp ủ giấc mơ du học.
Song song với nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài cho đất nước, Ban Giám hiệu trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn hướng nghiệp để giúp học sinh có những thông tin hữu ích và định hướng đúng đắn cho nghề nghiệp lựa chọn trong tương lai. Nằm trong chuỗi Toạ đàm Hướng nghiệp, Tọa đàm tháng 10 với chủ đề “Du học, cơ hội và thách thức” diễn ra vào 19h30 ngày 30/10/2021, với hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom đã mang đến những nội dung bổ ích, những định hướng đúng đắn cho các em học sinh đang ấp ủ giấc mơ du học. Dù thành phố Nam Định đang trong những ngày chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, phát huy tinh thần chuyển đổi công nghệ số thích nghi với mùa dịch, học sinh trường Lê Hồng Phong đã có một ngày cuối tháng Mười thực sự ý nghĩa, không thể đến trường nhưng không dừng học, không dừng hành trình chạm tay vào những giấc mơ lớn trong cuộc đời.
Background chương trình
Du học- tiếp cận với nền văn hóa và giáo dục của các nước phát triển, từ lâu đã là mơ ước của biết bao người trẻ Việt Nam. Đó cũng là hành trình đầy hứa hẹn, mở ra những trải nghiệm quý báu về kiến thức, kỹ năng và văn hóa; không chỉ giúp bản thân chúng ta hoàn thiện hơn mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước và nhân loại. Người trẻ ngày nay có nhiều cơ hội để lựa chọn, hiện thực hóa ước mơ du học của chính mình. Tuy nhiên, đó là hành trình không dễ dàng khi người trẻ phải đối mặt với rất nhiều thử thách: cần chuẩn bị hành trang như thế nào? lựa chọn ngành nghề nào để theo học? tìm kiếm các cơ hội du học với học bổng toàn phần như thế nào? lựa chọn du học ở đâu? Để tiếp thêm sức mạnh cho nhiều học sinh theo đuổi giấc mơ du học, Ban Tư vấn hướng nghiệp đã kết nối với các Cựu học sinh Lê Hồng Phong luôn sẵn sàng đồng hành với nhà trường trong tất cả các dự án vì sự phát triển của học sinh hôm nay và nhận được những chia sẻ và trợ giúp nhiệt thành. Tham gia chương trình có sự đồng hành của chị Phạm Thị Hồng Định, CHS chuyên Pháp khóa 1995-1998, Biên tập viên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam từ khâu lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, mời đón Diễn giả, tạo dựng không khí đối thoại thân thiện cho không gian Tọa đàm trong vai trò người dẫn dắt chính của chương trình.
Phạm Thị Hồng Định, BTV Đài Truyền hình Việt Nam, CHS chuyên Pháp khóa 1995-1998
Chọn một lối đi giản dị, mở ra từ những câu chuyện thực tế qua trải nghiệm của chính mình về du học, những người từng là du học sinh, đã hỗ trợ nhiều du học sinh, các Diễn giả là khách mời của chương trình đã phác họa bức tranh tổng quan nhất về vấn đề du học, trao cho các em học sinh những bài học kinh nghiệm để có một tâm thế sẵn sàng nhất cho con đường tiến tới giấc mơ du học của các em. Đối thoại và gợi mở, ấm áp và thân tình, người trẻ háo hức học hỏi, người đi trước tận tình chỉ hướng dẫn đường. Con đường du học xa là thế mà mỗi lúc lại gần hơn, hiển hiện rõ nét như một bức tranh và các khách mời là những họa sĩ nhiệt tâm thực tài.
Trao đổi về thách thức phải chinh phục khi hiện thực hóa giấc mơ du học, các diễn giả đều nhấn mạnh đó là con đường nhiều chông gai nhưng cơ hội luôn chia đều cho tất cả mọi người. Diễn giả GS.TS Đức Trần (GS ngành khoa học máy tính, Giám đốc Lab nghiên cứu về tình toán mạng, ĐH Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ; cộng tác viên về Blockchain với Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán; tham gia nghiên cứu tại ĐH VinUni) nhấn mạnh: cần xác định rõ tâm thế, đi để làm gì? Phục vụ bản thân, gia đình hay xã hội; cần có tư duy đúng về du học để thấy rõ những khó khăn trước, trong và sau du học mà người trẻ nào cũng phải đối mặt từ đó sẵn sàng một bản lĩnh chiến binh. Du học ở Mỹ và một số nước phát triển là một giấc mơ lý tưởng song thử thách thì vô cùng, không chỉ hiểu rõ thông tin về các trường đại học, điều quan trọng là phải nhận thức rõ hoàn cảnh tài chính, năng lực, ý hướng của bản thân để có quyết định phù hợp.
Diễn giả GS.TS Đức Trần (GS ngành khoa học máy tính, Giám đốc Lab nghiên cứu về tình toán mạng, ĐH Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ; cộng tác viên về Blockchain với Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán; tham gia nghiên cứu tại ĐH VinUni)
Nói về hồ sơ đi du học, diễn giả Phạm Bình Đàm (Thạc sỹ về Ngoại giao, thương mại tại Monash University, Úc, nguyên Đại sứ Việt Nam tại UAE, hiện là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong, Trung Quốc kiêm nhiệm Ma Cao, Trung Quốc, Nguyên Giám đốc Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia, Bộ Ngoại giao, là CHS Lê Hồng Phong khóa 1986-1989) khắc sâu một bài học thấm thía: điểm số không nói lên nhiều sự cạnh tranh, ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết, các hoạt động ngoại khóa là một căn cứ vô cùng quan trọng nhưng không thể tự họa lên bằng tưởng tượng, đừng vẽ mình thành người khác, cần phải chân thực với chính mình, học cách sống chia sẻ, hành động vì cộng đồng. Những giá trị đặc biệt chân thực ấy được chuyển hóa vào trong bài luận không chỉ giúp người trẻ được là chính mình mà còn là lợi thế thuyết phục đưa người trẻ đến với học bổng hay những cơ hội khác trong cuộc đời.
Diễn giả Phạm Bình Đàm (Thạc sỹ về Ngoại giao, thương mại tại Monash University, Úc, nguyên Đại sứ Việt Nam tại UAE, hiện là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong, Trung Quốc kiêm nhiệm Ma Cao, Trung Quốc, Nguyên Giám đốc Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia, Bộ Ngoại giao, là CHS Lê Hồng Phong khóa 1986-1989)
Diễn giả Trần Thu Huyền (từng là du học sinh về Thạc sĩ Kinh tế quốc tế và Tài chính Đại học Queensland, Úc; hiện nay đang là Trưởng phòng, Phòng Hội nhập Đa phương, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài Chính; là CHS chuyên Lý Khóa 1995-1998)
Giấc mơ du học không phải là màu hồng, nhưng thử thách lại là cơ hội để học sinh Lê Hồng Phong khai phóng sức mạnh của “người khổng lồ đang say ngủ” trong mình. GS.TS Đức Trần tin tưởng vào tiềm năng của học sinh Lê Hồng Phong và gợi ý nhiều cách thức kiếm tìm học bổng phù hợp khả năng tài chính và năng lực sở trường của mỗi người trẻ. Diễn giả Trần Thu Huyền (từng là du học sinh về Thạc sĩ Kinh tế quốc tế và Tài chính Đại học Queensland, Úc; hiện nay đang là Trưởng phòng, Phòng Hội nhập Đa phương, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài Chính; là CHS chuyên Lý khóa 1995-1998; thông qua câu chuyện du học của mình đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho các bạn trẻ khi nhận ra: cứ đi là sẽ đến, quan trọng là biết lựa chọn thời điểm phù hợp để hiện thực hóa ước mơ, và trên con đường ấy bạn sẽ không cô đơn, vì bạn có chúng tôi, những anh/chị đi trước, những người bạn nước ngoài thân thiện sẽ hỗ trợ bạn. Là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hồng Kông, Ma Cao, Trung Quốc, diễn giả Phạm Bình Đàm không chỉ chia sẻ nhiều thông tin quý về du học Hồng Kông, điểm đến hấp dẫn và phù hợp với học sinh Việt Nam, mà còn gợi mở những cơ hội từ sự trợ giúp của cá nhân mình đối với học sinh Lê Hồng Phong có ước mơ du học. Thông tin và cơ hội đang mở ra mỗi lúc đầy đặn hơn, các diễn giả bằng trí tuệ và tình cảm, bằng trách nhiệm của thế hệ đi trước thành đạt với lớp lớp đàn em đã thắp lên ngọn lửa quyết tâm trong trái tim mỗi bạn trẻ có khát khao du học.
Thay mặt nhà trường, TS. Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các diễn giả- khách mời, các Cựu học sinh đã dành cho chương trình những nội dung bổ ích, những định hướng đúng đắn giúp học sinh Lê Hồng Phong nối dài ước mơ của mình, tự tin hơn trong hành trình hiện thực hóa ước mơ du học. Người đứng đầu nhà trường cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự đồng hành của các diễn giả, các Cựu học sinh Lê Hồng Phong trong hành trình nâng tầm và thực hiện sứ mệnh của thầy và trò nhà trường.
T.S Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, phát biểu trong Tọa đàm
Không có khoảng cách dù là đối thoại trực tuyến, không muốn dừng lại dù thời lượng chương trình đã hết, những câu hỏi vẫn mong nhận hồi đáp, các khách mời vẫn không muốn rời xa màn hình, dòng địa chỉ viết vội, những lời hứa, những cuộc hẹn trợ giúp,…làm cho không khí Tọa đàm càng sôi nổi ấm cúng như câu chuyện đoàn tụ của những người thân trong gia đình. Để câu chuyện du học được nối dài, Ban Tư vấn Hướng nghiệp gửi đến các em học sinh đường link Chuyến tàu mơ ước:
https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSd3BhBQBdE6Bnhx1Qteas9Ffh-_sJZf8MMVaxo_KvmBW4YVYA/viewform.
Nếu như gặp khó khăn trong bước đi nào trên hành trình thực hiện giấc mơ, các bạn học sinh hãy điền vào đó mong muốn của mình để các khách mời, các anh/chị Cựu học sinh, thầy cô giáo sẽ tiếp tục hỗ trợ các em.
Sau đây là thông tin để các bạn học sinh có thể kết nối với các diễn giả của chương trình:
https://www.facebook.com/pham.b.dam
https://www.facebook.com/profile.php?id=100034211861916
https://www.facebook.com/profile.php?id=100015222061004
Không khí thân thiện trong những giây phút cuối Tọa đàm
-Vũ Thanh Huyền-
Tin liên quan
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” tại Nam Định
- Top nghề được dự báo sẽ dần biến mất vào năm 2025: Bạn có nằm trong số đó?
- Xu hướng nghề nghiệp năm 2025, công việc ở tương lai sẽ như thế nào?
- Định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông
- Tọa đàm tư vấn giáo dục hướng nghiệp số 2: Du học, cơ hội và thách thức