Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Lịch sử trường

Trang chủ Lịch sử trường Các biểu tượng truyền thống của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Các biểu tượng truyền thống của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

04/09/2022

Các biểu tượng truyền thống của trường
THPT chuyên Lê Hồng Phong
                                                             Nhà giáo Trần Xuân Tuyết
Nguyên Giáo viên môn Ngữ văn;
Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định.
 
Trích từ bản thảo sách “Một trăm năm trường Thành Chung - Lê Hồng Phong Nam Định” sắp xuất bản của nhà giáo Trần Xuân Tuyết, nguyên Giáo viên ngữ văn của nhà trường.

1. Bài hát truyền thống của nhà trường “Bài ca trường Lê Hồng Phong

Bài hát “Bài ca trường Lê Hồng Phong” được hai tác giả Nguyễn Ngọc Đính và Vũ Hùng, học sinh lớp 10A năm học 1959 -1960 sáng tác vào cuối năm 1959. Nguyễn Ngọc Đính là tác giả phần nhạc. Nguyễn Ngọc Đính và Vũ Hùng là đồng tác giả phần lời.
Hoàn cảnh ra đời bài hát như sau: Năm 1959, sau khai giảng năm học 1959-1960, ông Đào Văn Định, Hiệu trưởng nhà trường nêu ý tưởng với Ban văn nghệ là cần có một bài hát về nhà trường và nhà cách mạng Lê Hồng Phong để học sinh hát khoảng 5 phút vào tiết chào cờ sáng thứ hai hằng tuần. Tiếp thu chỉ đạo của Hiệu trưởng, Ban Văn nghệ nhà trường do ông Cao Văn Lãng, giáo viên môn Hóa học phụ trách đã giao việc sáng tác bài hát cho ông Nguyễn Ngọc Đính và ông Vũ Hùng là học sinh lớp 10A. Nhận nhiệm vụ, hai ông Nguyễn Ngọc Đính và Vũ Hùng tích cực bắt tay vào sáng tác. Sau nhiều lần chỉnh sửa cả phần nhạc và phần lời, bài hát đã xong. Nhưng để bài hát thật hoàn hảo, hai ông  đã nhờ nhạc sỹ Hải Thoại[1] nhuận sắc cho. Bài hát được nhà trường thông qua và được dàn hợp xướng của học sinh 4 lớp 10 trình diễn vào tháng 1 năm 1960, trong đêm liên hoan văn nghệ kết thúc học kỳ I năm học 1959-1960.
Cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, bài hát vẫn luôn là miền tự hào của các thế hệ học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.  
2. Logo của trường  Lê Hồng Phong qua các thời kỳ.
Logo năm 1960
Cùng với ý tưởng bài hát về nhà trường, ông Đào Văn Định còn nêu ý tưởng về huy hiệu trường (Thời ấy gọi là huy hiệu chứ không gọi là Logo như bây giờ). Việc thiết kế logo do học sinh lớp 10C đảm nhận. (Hiện nay chưa xác định được ai ở lớp 10C là tác giả Logo này).
Logo năm 1960 có hình ngọn đuốc ở bên trái làm lề một cuốn sách mở. Trang đầu, dòng trên cùng có các chữ “P.T.3” (Phổ thông cấp 3). Dòng thứ hai có các chữ “Lê Hồng Phong”. Dòng thứ 3 có hai chữ “Nam Định”. Bên phải có hình bông lúa vàng. Dưới cùng có hình dải lụa màu xanh ghi dòng chữ “ Vì Tổ quốc XHCN” (Vì Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa) nối ngọn đuốc với bông lúa.   
Nhìn vào Logo ta có thể hiểu ý nghĩa tượng trưng như sau: Ngọn đuốc và trang sách  mở thể hiện nhiệt huyết, niềm say mê và khát vọng vươn lên không ngừng để chiếm lĩnh các đỉnh cao tri thức của giáo viên và học sinh trường Lê Hồng Phong. Bông lúa vàng xác định, trường Lê Hồng Phong được thừa hưởng tầng sâu văn hóa của nền văn minh lúa nước mà cha ông đã đắp xây tự ngàn đời trên mảnh đất Nam Định này. Dải lụa có dòng chữ “Vì Tổ quốc XHCN” xác định lý tưởng cách mạng của giáo viên và học sinh nhà trường.

Logo trường những năm 1960

Logo năm 1970
Logo năm 1970 hình chữ nhật. 4/5 phía trên logo tô nền đỏ. Trên cùng, về bên phải, có dòng chữ “Cấp 3”. Dưới dòng chữ này là hình một cuốn sách mở, giữa cuốn sách có ngọn đuốc. Dọc theo Logo là ba chữ “Lê Hồng Phong” màu trắng. Dưới cùng, chiếm 1/5 diện tích logo là hình chữ nhật tô màu xanh có hai chữ “Nam Định”.

Logo năm 2000
Về cơ bản, các chi tiết biểu tượng của logo năm 2000 được tiếp thu và tổng hợp từ logo năm 1960 và Logo năm 1970. Chỉ có một số chi tiết thay đổi. Dòng chữ “ P.T.3” của logo năm 1960 được thay bằng dòng chữ “Trường THPT”. Ba chữ “ Lê Hồng Phong” logo năm 1960 trình bày một hàng ngang còn ở logo năm 2000 trình bày thành 3 dòng. Chân ngọn đuốc logo năm 1960 để trống icòn chân ngọn đuốc Logo năm 2000 có hình bánh răng (biểu tượng của công nghiệp hóa) cân xứng với hình bông lúa (biểu tượng của nông nghiệp). Phần dải lụa có dòng chữ “Vì Tổ quốc XHCN”của logo năm 1960 được logo năm 2000 thay bằng hình chữ nhật nằm ngang có dòng chữ “Nam Định”. Về hình thức trình bày, Logo năm 1960 trình bày theo chiều ngang, logo năm 2000 trình bày theo chiều dọc.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn này là người đưa ra ý tưởng logo năm 2000.


Logo trường năm 2000
Logo hiện nay
Logo hiện nay được sáng tác năm 2010, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập trường. Ông Cao Xuân Hùng, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường là tác giả  logo này.
Phía bên trái là hình lá cờ truyền thống phương Đông. Phía trên cùng là hình ảnh ngọn lửa cách điệu thành hình tượng chim đại bàng đang tung cánh giữa bầu trời tự do được đặt trên nền trang vở trắng ôm lấy quả địa cầu. Nhưng ngọn lửa ấy có màu nâu là màu của chất xám, của trí tuệ. Mắt chin đại bàng được tạo nên bởi biểu tượng khoa học, kỹ thuật với hình ảnh các nguyên tử quay xung quanh hạt nhân. Dọc theo cánh chim có hai chữ “Nam Định”. Ba chữ “Lê Hồng Phong” được trình bày đường theo đường vĩ tuyến quả địa cầu đang quay theo quỹ đạo từ Tây sang Đông. Vòng ngoài cùng, từ dưới vòng lên trên ở bên phải theo đường cong quả địa cầu là dòng chữ “Trường trung học phổ thông chuyên”. Góc dưới, bên trái có một vòng khuyết nhỏ.
Nhìn vào logo năm 2010 ta thấy, Logo này đã tiếp thu những ý tưởng cơ bản của Logo các giai đoạn trước, có bổ sung thêm một số chi tiết để phù hợp với xu hướng phát triển mới của nhà trường.
Ý nghĩa của Logo như sau: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được nuôi dưỡng từ nguồn mạch của vùng đất Nam Định có truyền thống văn hóa lâu đời. Ngọn lửa truyền thống, ngọn lửa trí tuệ và khát vọng của lớp lớp các thế hệ giáo viên và học sinh là sức mạnh chắp cánh cho trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bay cao, bay xa trên bầu trời tri thức, tự tin, chủ động hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật  đang phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng quê hương Nam Định đẹp giầu, đất nước Việt Nam hiện đại “sánh vai các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ căn dặn. Vòng khuyết góc trái phía dưới là động lực thôi thúc mỗi tập thể, cá nhân luôn luôn phải nỗ lực vươn lên tự hoàn thiện mình để làm đây góc khuyết ấy.
Có thể thấy sự kết hợp giữa triết lý Thiên - Địa - Nhân của văn hóa phương Đông, truyền thống văn hiến của quê hương Nam Định với truyền thống và khát vọng vươn lên của lớp lớp các thế hệ giáo viên, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là cảm hứng chủ đạo để sáng tạo nên logo năm 2010. 


Logo trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay

3. Ý nghĩa biểu tượng kiến trúc các công trình xây dựng

Công trình kiến trúc các dãy lớp học và cổng ra vào của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có sự liên kết rất chặt chẽ để làm nổi bật truyền thống yêu nước, truyền dạy giỏi, học gỏi, khát vọng vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học và hội nhập quốc tế của nhà trường.

Từ phố Vị Xuyên nhìn vào ta thấy, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong như một con đại bàng đang bay. Nhà B và nhà C, với những hàng ngói Nam xếp lớp, là đôi cánh đại bàng đang dang rộng đầy kiêu hãnh giữa bầu trời. Cổng trường là phần đầu và cổ đại bàng, cũng được trang trí bằng những hàng ngói Nam xếp lớp nhô lên ở hai đầu như đôi vai vươn cao khỏe khoắn nâng đỡ đôi cánh đón gió lành và vượt phong ba để đến khắp muôn phương. Nhìn từ chính giữa cổng trường vào phía sau là dãy nhà D. Trên nóc nhà D ta thấy điểm cao nhất của ngôi nhà này, cũng là điểm cao nhất của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Như vậy từ các công trình kiến trúc, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã có 5 điểm cao. Hai điểm cao là hai vai đại bàng ở cổng trường, hai điểm cao của hai cánh đại bàng là đầu nóc nhà B và C, điểm cao nhất của nhà D là lưng đại bàng. Năm điểm cao này tượng trưng cho trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong luôn luôn có 5 thế hệ giáo viên kế tiếp nhau viết nên những trang truyền thống vẻ vang của nhà trường. Trên nóc nhà D, giữa lưng đại bàng, lúc nào cũng có cờ đỏ sao vàng tung bay. Chi tiết kiến trúc này khẳng định, trong trái tim các thế hệ giáo viên và học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn nồng nàn tình yêu nước và luôn phấn đấu hết mình để đưa lá cờ Tổ quốc đi khắp muôn, để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giầu mạnh, “sánh vai các cường quốc năm châu” như lời Bác dạy. 
 
Có thể thấy, trong quá trình hình thành và phát triển của mình, trường Lê Hồng Phong luôn tìm tòi và đúc kết triết lý giáo dục làm nền tảng tư tưởng và động lực phấn đấu cho quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Triết lý ấy được thể hiện sinh động, súc tích, đậm chất triết học qua bình đồ kiến trúc của nhà trường và Logo các thời kỳ.
Từ năm 1959 đến năm 2010 trường đã có 4 Logo. Thiết nghĩ như vậy là đủ. Các thế hệ sau của nhà trường không cần và không nên sáng tạo Logo khác nữa để đảm bảo tính ổn định của biểu tượng nhằm lưu giữ bền chặt và thống nhất hình ảnh về nhà trường trong tâm trí mọi thế hệ học sinh./.
 
[1] Hải Thoại ( 1936-2009) quê ở thành phố Nam Định. Mẹ ông là bà Võ Thiện Ngôn, người Huế. Cha ông là nhà soạn kịch Nam Xương Nguyễn Ngọc Cát, kỹ sư công chính, hoạt động tình báo và đã hy sinh tại miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đầu thập nên 50 của thế kỷ XX, Hải Thoại tốt nghiệp Tú tài ban Toán trường Bưởi, Hà Nội. Hải Thoại là giảng viên ghi ta của Nhạc viện Hà Nội, cây ghi ta nổi tiếng của Đài tiếng nói Việt Nam.