Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Lịch sử trường

Trang chủ Lịch sử trường Kỳ 5 - Nhà trường thực hiện chương trình giáo dục trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Kỳ 5 - Nhà trường thực hiện chương trình giáo dục trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp

04/09/2022

Nhà trường thực hiện chương trình giáo dục
trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp
 
                                                                      Nhà giáo Trần Xuân Tuyết
Nguyên Giáo viên tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong;
Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định
 
  (Trích từ bản thảo sách “Một trăm năm trường Thành Chung - Lê Hồng Phong Nam Định” sắp xuất bản của nhà giáo Trần Xuân Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn của  nhà trường)
 
 
Ngày 9 tháng 3, năm 1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Ngày 17 tháng 4, năm 1945, Chính phủ Đế quốc Việt Nam (còn gọi là Chính phủ Trần Trọng Kim) thân Nhật do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng được lập ra. Trong Chính phủ này, Thạc sỹ toán học Hoàng Xuân Hãn được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ nghệ.

Với cương vị Bộ trưởng, ông Hoàng Xuân Hãn muốn nền giáo dục Việt Nam thoát ly nền giáo dục nô dịch của Pháp, nên đã cho triển khai xây dựng chương trình giáo dục hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ. Trong đó quan trọng nhất là chương trình Trung học phổ thông mới dạy bằng tiếng Việt. Chương trình Trung học phổ thông này được viết và hoàn thành trong thời gian rất ngắn với số lượng Giáo sư ít ỏi. Mỗi môn học chỉ có một hoặc hai người soạn thảo cho tất cả các lớp của bậc Trung học từ lớp Đệ nhất cho đến lớp Đệ tam chuyên khoa.

Thực hiện chương trình Hoàng Xuân Hãn, trường Trung học Nguyễn Khuyến (là trường Thành Chung được đổi tên vào tháng 6 năm 1945) chuyển sang dạy và học bằng tiếng Việt, tiếng Pháp trở thành ngoại ngữ, được dạy như hai môn tiếng Anh và tiếng Quan Hoa (tiếng Trung Quốc tiêu chuẩn, phát âm theo giọng Bắc Kinh) ở trường.

Khi chương trình Hoàng Xuân Hãn mới triển khai hơn một tháng thì Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Trần Trọng Kim bị giải tán, ông Hoàng Xuân Hãn không còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ nghệ nữa. Tuy nhiên, vào năm học 1945 - 1946 ở trường trung học Nguyễn Khuyến, chương trình này vẫn được tiếp tục triển khai dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với hai ban Toán-Lý-Hóa và ban Vạn vật. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhà trường, thuận lợi cho những học sinh muốn học cao hơn. Học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học, được học ngay chương trình Trung học Chuyên khoa tại trường để lấy bằng Tú tài mà không phải lên trường Bưởi, Hà Nội như trước đây nữa.

Do vừa đào tạo chương trình Trung học, vừa đào tạo chương trình Chuyên khoa nên lúc này trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến tương tự như trường Trung học cơ sở + Trung học phổ thông hiện nay.

Để dạy và học được chương trình Hoàng Xuân Hãn, đòi hỏi giáo viên và học sinh phải sõi tiếng Việt và sử dụng thành thạo chữ Quốc ngữ. Nhưng đây lại là khâu yếu nhất của thầy và trò nhà trường lúc ấy. Sau tám mươi năm bị người Pháp nô dịch giáo dục, giống như nhiều trường khác trên cả nước, giáo viên và học sinh trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến hiểu lịch sử Pháp, văn hóa Pháp hơn lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam; thành thạo tiếng Pháp hơn tiếng mẹ đẻ. Vì thế, yêu cầu khẩn thiết lúc này là phải nâng cao trình độ tiếng Việt và chữ Quốc ngữ cho giáo viên và học sinh, nhất là học sinh.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Hiệu trưởng Phó Đức Tố đã chỉ đạo tập thể giáo viên, học sinh toàn trường triển khai phong trào thi đua “giệt giặc dốt” tiếng Việt.  Nhằm khích lệ, động viên phong trào, nhà trường cho xuất bản một tuần báo viết tay do học sinh phụ trách lấy tên là báo “Tập Viết”. Bộ phận thường trực của tờ báo phần lớn là những học sinh năm thứ tư, có nền tảng tiếng Việt và chữ Quốc ngữ chắc chắn như các ông Phạm Hữu Dung, Nguyễn Thế Hưng, Lê Quý Anh, Vũ Văn Tảo… cùng các cộng tác viên. Tờ tuần báo có các chuyên mục như: Thời sự đất nước, sinh hoạt nhà trường, văn chương, dịch thuật, chuyện vui, thi đố, tranh minh họa, góc hài hước v.v… Tuần báo ra đều kỳ, được giáo viên và học sinh hào hứng đón nhận và tích cực tham gia viết bài. Tờ tuần báo, cùng với sách báo tiếng Việt do giáo viên và học sinh đóng góp đã hình thành “Tủ sách tiếng Việt” dùng chung cho toàn trường. Để giữ nghiêm “kỷ luật”, học sinh còn đặt lệ, ai nói hoặc viết tiếng Việt đệm lẫn tiếng Pháp, một tật học sinh lúc đó rất hay mắc phải, sẽ bị phạt hai xu nộp vào quỹ tuần báo “Tập Viết”.


Chân dung thầy Hiệu trưởng Phó Đức Tố

 
Sau một thời gian nỗ lực hết mình, trình độ tiếng Việt của giáo viên và học sinh được nâng lên rõ rệt. Trong kỳ thi kết thúc năm học đầu tiên dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đề được ra bằng tiếng Việt, thí sinh của nhà trường đã đạt thắng lợi lớn. Điều khiến thầy và trò hết sức phấn khởi.

Có thể nói, việc được dạy và học bằng tiếng mẹ đẻ đã cho thầy và trò nhà trường những cảm nhận sâu sắc về sự đổi thay từ thân phận nô lệ vươn lên thành người làm chủ đất nước.

Do triển khai chương trình Hoàng Xuân Hãn, nên khóa học 1942 - 1947 trở thành khóa học lâu năm nhất ở trường cho đến lúc bấy giờ, là khóa học đầu tiên được học chương trình Tú tài tại trường. Khóa học này cũng chứng kiến nhiều biến động lịch sử: Trường trải qua ba chế độ chính trị là Pháp thuộc, Nhật thuộc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là khóa hai lần bị quân Nhật và quân Tưởng cướp trường làm trại lính, cũng là khóa chứng kiến sự kiện trường bị đánh sập để tiêu thổ kháng chiến; là khóa học mà nhiều người vừa lên lớp vừa tham gia cùng các lực lược vũ trang cầm chân địch trong thành phố trước khi rút lui về vùng nông thôn.

Chiến tranh bùng nổ, trường tản cư về vùng tự do, nhưng chương trình Hoàng Xuân Hãn vẫn tiếp tục được thực hiện.

Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra là: Cách mạng Tháng Tám thành công, chế độ dân chủ nhân dân được thiết lập, song chương trình giáo dục về cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể. Cách tổ chức trường, lớp nhìn chung vẫn theo mô hình cũ. Giáo dục chưa theo kịp đời sống, chưa phù hợp với những chuyển biến lớn của đất nước, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của nhân dân. Thực tế ấy đặt ra yêu cầu phải cải cách giáo dục để tạo lập một hệ thống giáo dục mới phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước và chuẩn bị  nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai. Mặt khác, từ tháng 1, năm 1950, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được các nước Xã hội chủ nghĩa công nhận và tạo điều kiện giúp đỡ. Do vậy phải nâng cao nội lực của đất nước để tận dụng những ưu thế mà viện trợ nước ngoài mang lại, đưa cuộc kháng chiến nhanh chóng đến thắng lợi và bắt tay ngay vào kiến thiết đất nước khi chiến tranh kết thúc. Từ thực tiễn ấy, được sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, ngành Giáo dục đã tiến hành cải cách giáo dục để xóa bỏ những quan điểm, chương trình, nội dung của nền giáo dục cũ không còn phù hợp để xây dựng nền giáo dục mới cả về quan điểm, chương trình và đội ngũ giáo viên.

Năm 1950, sau khi đề án cải cách giáo dục được Chính phủ thông qua, Bộ Quốc gia Giáo dục tiến hành khẩn trương thành lập bộ máy chỉ đạo, tổ chức viết sách giáo khoa, thống nhất kế hoạch với các Sở giáo dục Liên khu và tiến hành bồi dưỡng giáo viên v.v…

Năm học 1951, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục Liên khu III, trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền (là trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến được đổi tên vào năm 1947) bắt đầu  triển khai thực hiện chương trình cải cách giáo dục theo các nội dung mà ngành giáo dục đề ra.

Mô hình tổ chức của nhà trường lúc này có sự thay đổi. Để phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, bên cạnh Hội đồng chuyên môn và Hội đồng kỷ luật đã có từ trước, nhà trường thành lập thêm Hội đồng quản trị, thành phần gồm có đại biểu giáo viên, đại biểu phụ huynh, đều do Hiệu trưởng làm Chủ tịch. Các thành viên Hội đồng có quyền thảo luận, biểu quyết ngang nhau.

Do đề án cải cách giáo dục quy định hệ thống giáo dục phổ thông mới chỉ có chín năm với với ba cấp học là cấp 1, cấp 2 và cấp 3, nên trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền đã sắp xếp lại cơ cấu các khối lớp. Khối trung học phổ thông (cấp II) trước đây học bốn năm với các lớp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ nay sắp xếp lại thành ba lớp là lớp 5, lớp 6 và lớp 7. Khối Trung học chuyên khoa (cấp III) trước đây học ba năm, với các lớp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, nay sắp xếp lại thành hai lớp là lớp 8 và lớp 9. Cũng từ năm học này, trong tên trường, cụm từ “Trung học Chuyên khoa” được bãi bỏ để thay vào đó là cụm từ “Cấp III”. Trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền  từ đây được gọi là trường Cấp III Nguyễn Thượng Hiền.

Về biên chế năm học, từ năm học này nhà trường tổ chức khai giảng năm học mới vào đầu tháng 1 dương lịch và kết thúc năm học vào tháng 12 cùng năm. Thời gian học chia làm 2 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng, xen giữa là 2 đợt nghỉ để học sinh có thời gian tham gia sản xuất vào lúc mùa màng bận rộn, hoặc vào lúc thời tiết khắc nghiệt để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh.

Về nội dung giảng dạy, tuân thủ phân phối chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục và tinh thần cải cách giáo dục, nhà trường tập trung vào dạy và học các môn cơ bản như Văn học, Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, tạm gác lại một số môn chưa thật cần thiết hoặc chưa có điều kiện giảng dạy tốt như ngoại ngữ, nhạc, vẽ, nữ công… đồng thời nhà trường cũng đưa vào những môn học và hoạt động mới như: thời sự, chính sách giáo dục, công dân, tăng gia sản xuất ở tất cả các lớp. Với các môn xã hội, nhà trường lược bớt những phần kiến thức chưa thật cần thiết như: Lịch sử cổ đại, Văn học cổ, Địa lý thế giới, để tăng thời gian cho phần Văn học cách mạng, lịch sử cách mạng và địa lý Việt Nam. Do vào năm 1952, Bộ quốc gia Giáo dục chưa có đủ bộ sách giáo khoa cấp II và cấp III, chương trình cấp II và cấp III mới chỉ biên soạn được một số tài liệu giảng dạy môn Lịch sử, Chính trị, Giáo dục công dân, các môn khác vẫn tạm sử dụng những bài mẫu in trong tờ “Giáo dục tập san”, nên nhà trường phải yêu cầu những giáo viên có trình độ chuyên môn tốt ở các bộ môn đứng ra tổ chức giáo viên biên soạn nội dung giảng dạy cho từng khối lớp và cả trường.  

Theo tinh thần của cải cách giáo dục, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn và từng giáo viên trong các bài dạy phải chú ý bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những người “công dân lao động tương lai”, trung thành với chế độ nhân dân; có đủ năng lực và phẩm chất phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Các bài giảng luôn chú trọng đến tính thiết thực của tri thức, bám sát các nhu cầu của xã hội hiện tại, hướng tới quyền lợi và vai trò của nhân dân với nguyên tắc: dân tộc - khoa học - đại chúng, đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho người cày; chú ý bồi dưỡng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần yêu lao động, tinh thần tập thể, phương pháp suy luận và thói quen làm việc khoa học cho học sinh; kết hợp học đi đôi với hành, kiến thức phải gắn với thực tiễn, với đời sống xã hội.

Để thực hiện tinh thần của cải cách giáo dục, giáo viên nhà trường đã có nhiều đổi mới trong cách dạy và kiểm tra. Một vài ví dụ: Khi chuẩn bị học về dòng điện, cách đó hàng tuần, giáo viên yêu cầu học sinh quan sát hiện tượng sấm chớp và giải thích vì sao có hiện tượng ấy. Đến giờ học, giáo viên yêu cầu học sinh mô tả hiện tượng mà mình quan sát được, và lý giải nguyên nhân của nó. Sau đó giáo viên tổng hợp các ý kiến và chỉ cho học sinh những kiến thức nào trong bài học về điện có liên quan đến các hiện tượng ấy. Từ đó giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu về các ứng dụng của điện trong cuộc sống.  Gắn với từng nội dung phù hợp của từng bài học, giáo viên giới thiệu cho học sinh về những phát minh sáng chế trong các lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, hóa chất của các công binh xưởng, những sáng kiến về trồng trọt, chăn nuôi của các địa phương trong phong trào tăng gia sản xuất. Để học sinh tập trung cao độ trong giờ học, sau mỗi tiết học, giáo viên dành năm phút cuối, yêu cầu học sinh viết lại phần cơ bản nhất bài vừa học để thầy kiểm tra. Lúc đầu học sinh chưa quen nên thường bị điểm thấp. Nhưng về sau rút kinh nghiệm, tập trung nghe giảng nên kết quả học tập dần tốt hẳn lên.  Năm 1955, nhà trường kiểm tra môn văn lớp 9 đúng vào dịp Đại hội nhà văn Á – Phi nhóm họp tại Băng Đung, Indonesia, đề văn đã ra như sau: “Hội nghị các nhà văn Á- Phi đang họp ở Băng Đung.  Em hãy viết về vai trò của nhà văn với xã hội.” Với kiểu đề này, nhà trường khuyến khích học sinh phải luôn quan tâm đến cuộc sống, đến tình hình thời sự trong nước và thế giới và không thể học vẹt, học tủ hay dựa vào bài mẫu nào cả.

Từ năm học 1951 việc kiểm tra học kỳ và cuối năm, nhà trường vẫn tổ chức như trước đây. Riêng với lớp 7 và lớp 9, là hai lớp cuối cấp, nhà trường chỉ tiến hành kiểm tra một cách nhẹ nhàng nhằm đánh giá tổng quát kết quả học tập và rèn luyện trong năm học của học sinh. Hầu hết học sinh đều vượt qua kỳ kiểm tra này được cấp bằng tốt nghiệp, được chọn đi học ở nước ngoài hoặc vào thẳng đại học mà không phải trải qua kỳ thi tuyển sinh./.