Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Lịch sử trường

Trang chủ Lịch sử trường Kỳ 4 - Trường Thành Chung với cách mạng Tháng Tám và Toàn quốc kháng chiến

Kỳ 4 - Trường Thành Chung với cách mạng Tháng Tám và Toàn quốc kháng chiến

24/08/2022

Kỳ 4
Trường Thành Chung
với cách mạng Tháng Tám và Toàn quốc kháng chiến
(Trích từ bản thảo sách “100 năm trường Thành Chung - Lê Hồng Phong Nam Định” sắp xuất bản của nhà giáo Trần Xuân Tuyết, Nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)
                                                                              Trần Xuân Tuyết
 
Bước sang năm 1945, tình hình chính trị ở Đông Dương càng lúc càng căng thẳng. Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào đêm ngày 9 tháng 3, năm 1945, ngày 12 tháng 3 năm 1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tại thành phố Nam Định, mọi hoạt động đấu tranh cách mạng đã có sự chuyển hướng. Các tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của Việt Minh tích cực chuẩn bị đón cơ hội vùng lên khi thời cơ tới, trong đó có thầy và trò trường Trung học Nguyễn Khuyến (Là trường Thành Chung được Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Trần Trọng Kim cho đổi tên vào tháng 6 năm 1945. Đầu năm học 1945-1946 trường Trung học Nguyễn Khuyến được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đổi tên thành Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến).


Bản thảo văn bản "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Bút tích lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)

Chiều ngày 21 tháng 8, năm 1945, giáo viên và học sinh trường Trung học Nguyễn Khuyến hòa mình vào cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức với hàng vạn người tham gia, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, tại dốc Lò Trâu, thành phố Nam Định. Mọi người náo nức lắng nghe tuyên bố của Uỷ ban Khởi nghĩa xoá bỏ chính quyền bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng. Giáo viên và học sinh trường Thành Chung hân hoan đón chào chế độ mới.

Lễ khai giảng của trường năm học 1945-1946 có sự khác biệt đặc biệt so với những năm học trước. Trước đây, khai giảng cũng như tập trung toàn trường mỗi sáng thứ hai, trên đỉnh cột cờ bao giờ cũng có hai lá cờ. Một lá cờ ba màu lam, trắng, đỏ là quốc kỳ Pháp; một lá cờ màu vàng, hình vuông, diềm xung quanh lượn sóng, phía trong có hai hình vuông màu đỏ lồng vào nhau, ở giữa có hình rồng (long tinh kỳ) là quốc kỳ An Nam của Nhà Nguyễn. Khi Nhật đảo chính Pháp, quốc kỳ Pháp được thay bằng cờ nền trắng có hình mặt trời là quốc kỳ Nhật Bản. Nhưng lần khai giảng này, khi “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” (Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh) nhân dân Việt Nam, cũng như thầy, trò trường Trung học Nguyễn Khuyến, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã đứng lên làm chủ đất nước của mình, nên trên đỉnh cột cờ hôm nay chỉ có lá cờ màu đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh là quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau tiếng hô vang của thầy Hiệu trưởng Phó Đức Tố, giáo viên và học sinh nhà trường đứng nghiêm chào quốc kỳ Việt Nam và đồng thanh hát Quốc ca - bài “Tiến quân ca”- trong niềm tự hào rưng rưng nước mắt. 
“Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca
Đường vinh quang xây xác quân thù
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra sa trường
Tiến lên! Cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền.”
Nhưng thời gian hòa bình không được bao lâu thì tình hình càng lúc càng căng thẳng do thực dân Pháp ráo riết tìm cách quay lại nước ta. Đến cuối năm 1946, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Để bảo đảm an toàn khi chiến sự nổ ra, thực hiện phương châm “tản cư cũng là kháng chiến” nhân dân thành phố Nam Định được lệnh tản cư.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thiếu nhi thành phố Nam Định, ngày 11-1-1946.

Tháng 12 năm 1946, trước ngày Toàn quốc kháng chiến nổ ra, trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến được lệnh chỉ để lại một số giáo viên trẻ và một số học sinh lớp Đệ tứ, lớp Chuyên khoa tham gia cùng lực lượng vũ trang chiến đấu giam chân địch; còn lại tất cả phải tản cư về vùng nông thôn.

Những giáo viên và học sinh ở lại thành phố được biên chế vào các đội tự vệ, tham gia đào đắp công sự, củng cố hầm hào, trận địa ở Cửa Đông, ngã sáu Năng Tĩnh, nhà Ga, Cổng Hậu… một số tham gia các đội tiếp tế, cứu thương, một số được điều sang Ban Tuyên truyền kháng chiến Khu phố 6.

Vào giữa tháng 12 năm 1946, quân Pháp ở thành phố Nam Định càng lúc càng hung hăng. Đỉnh điểm là ngày 17 tháng 12, chúng đặt súng máy trên xe GMC chạy dọc các phố để thị uy. Ngày 18 tháng 12 chúng huy động xe ủi, phá các chướng ngại vật ở Cửa Đông, Máy Tơ, Bến Đò Quan. Tối 19 tháng 12, chúng nổ súng vào tự vệ ở Cửa Đông và đòi ta phải giải tán tự vệ.

Trên cả nước, quân Pháp vô cớ tấn công vào lực lượng ta ở nhiều thành phố, kể cả Hà Nội.

Không thể nhân nhượng quân Pháp thêm được nữa, đêm ngày 19 tháng 12, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 20 tháng 12, năm 1946, loạt đạn pháo 75 mi-li-mét của bộ đội ta từ bên kia sông Đào bắn vào nhà Băng (nay là Ngân hàng Nhà nước ở phố Trần Hưng Đạo) mở đầu cuộc tấn công giam chân Pháp ở thành phố Nam Định.

Chiến sự bùng nổ, Ban Tuyên truyền do giáo viên và học sinh trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến đảm nhiệm thay nhau lên tiền tuyến lấy tin tức viết bài, in và phát tán nhiều nơi trong thành phố. Các bản tin bằng tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, in bằng đá ẩm (polycope à la pierre humide indochinoise) được phát hành đều đặn đã có tác dụng to lớn cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Việt Minh, tích cực đóng góp sức người, sức của cho công cuộc giải phóng đất nước.

Sau hơn tám mươi ngày sát cánh cùng lực lượng vũ trang ta giam chân địch trong thành phố, vào một đêm giữa tháng 3, năm 1947, trước khi rút ra ngoài, để tiêu thổ kháng chiến, nhiều giáo viên và học sinh  trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến tận mắt chứng kiến cảnh tượng bi hùng: Sau ánh chớp chói lòa xé rách màn đêm, một tiếng nổ long trời, lở đất vang lên, ngôi trường hai tầng thân yêu ở phố Cổng Hậu sụp đổ tan tành trong mịt mù khói thuốc và cát bụi./.