Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tư liệu dạy và học

Trang chủ Tư liệu dạy và học Một số giải pháp trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi

Một số giải pháp trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi

09/10/2022

BÀI THAM LUẬN
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG CÔNG TÁC PHÁT HIỆN,
TUYỂN CHỌN VÀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI
(tại Hội nghị nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động năm học 2022-2023)
Người tham luận: Nguyễn Hải Dương – Giáo viên tổ Vật lý.

 
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một công tác mũi nhọn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, cho địa phương và cho nhà trường. Bồi dưỡng HSG là một công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò.
Đối với trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, công tác bồi dưỡng HSG là công tác trọng tâm, chiến lược và thực tế cũng chỉ ra những thành công của nhà trường trong bề dày truyển thống hơn 100 năm. Trong rất nhiều các hội nghị, bản thân tôi đã được lắng nghe các tham luận của các thầy giáo, cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cũng như nhiều năm kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi. Là một giáo viên còn ít tuổi nghề với 5 năm dạy chuyên và 1 năm lãnh đội tuyển HSG quốc gia, tôi xin chia sẻ với hội nghị về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Đầu tiên, về thuận lợi:
  • Công tác bồi dưỡng HSG luôn được sự chỉ đạo, quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo và có những kế hoạch, chiến lược cụ thể, lâu dài.
  • Nhà trường đảm bảo về cơ sở vật chất giúp cho việc dạy và học đạt kết quả tốt. Truyền thống và thành tích trong bề dày lịch sử của nhà trường là bước đệm để các thế hệ sau vững tin gìn giữ và phát triển.
  • Các tổ chuyên môn có nhiều giáo viên ở các thế hệ: Có nhiều thầy cô có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng HSG. Bên cạnh đó có thế hệ giáo viên trẻ có sự khát khao cống hiến và thể hiện bản thân trong chuyên môn.
  • Học sinh Nam Định, đặc biệt học sinh giỏi của Nam Định rất hiếu học, yêu thích môn chuyên, có tính sáng tạo và tinh thần tự giác cao.
  • Đa số phụ huynh luôn thể hiện trách nhiệm và quan tâm đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiều học sinh có nền tảng giáo dục từ gia đình luôn là những lá cờ đầu trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
  • Công tác học sinh giỏi cũng được xã hội tôn vinh, nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm và ủng hộ. Đối với trường Lê Hồng Phong có thể kể đến các quỹ học bổng Lương Thế Vinh, quỹ Phát triển tài năng Thành Nam, sự quan tâm của các khóa cựu học sinh. Bên cạnh đó là những sự thay đổi từ phương thức tuyển sinh của các trường Đại học nên các học sinh có nhiều động lực học tập.
  • Nhà trường, các giáo viên có mối liên hệ tốt với các chuyên gia giáo dục, bên cạnh đó các chuyên gia cũng đánh giá cao tinh thần hiếu học của thầy trò Nam Định.
Về khó khăn:
  • Giáo viên và lãnh đội được tạo điều kiện về thời gian trong công tác tập huấn, tuy nhiên các giáo viên dạy bồi dưỡng vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn do vậy cường độ làm việc tương đối căng thẳng, việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG cũng có phần bị ảnh hưởng.
  • Học sinh vừa phải hoàn thành chương trình chính khóa vừa phải học chương trình bồi dưỡng HSG nên đã có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình học tập cũng như kết quả. Một số học sinh có tố chất nhưng khi tham gia học bồi dưỡng còn vướng nhiều lý do nên kết quả học tập môn chuyên còn chưa cao (ví dụ do sức khỏe thể chất và tinh thần không tốt, định hướng từ gia đình).
  • Một số ít phụ huynh chưa thực sự hiểu và quan tâm đến việc học bồi dưỡng HSG của học sinh.
  • Các địa phương trong toàn quốc đang có những chiến lược phát triển bài bản, nhanh chóng. Để tỉnh Nam Định vẫn giữ vững được vị trí top đầu, cần rất nhiều sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo, các giáo viên, học sinh.
Tiếp theo, tôi xin trình bày về các giải pháp nâng cao chất lượng HSG
Thứ nhất, khâu tuyển chọn học sinh phải chính xác
Trong công tác BDHSG, khâu đầu tiên và rất quan trọng là tuyển chọn đúng học sinh. Chúng ta cần phải chọn được những học sinh có năng khiếu môn chuyên, có sức khỏe cũng như lòng đam mê khoa học.
Để làm tốt điều này theo tôi cần các yếu tố sau:
- Công tác ra đề thi cũng như các đề kiểm tra cần đảm bảo khoa học, đạt được kiến thức chuyên sâu, chấm thi khách quan, chính xác. Với các đề kiểm tra, có thể liên hệ với các đội tuyển mạnh trong toàn quốc để tăng sự cọ xát của HS. Trong quá trình này sẽ phát hiện được các học sinh có nghị lực vươn lên mạnh mẽ.
- Đối với tuyển chọn học sinh vào khối 10, việc nhân hệ số các môn chuyên và cận chuyên là phù hợp. Ví dụ đối với thi vào lớp chuyên Lý thì môn Văn và  môn Anh nhân hệ số 1, Toán và Chuyên nhân hệ số 2.
- Hiện nay các trường THPT không chuyên cũng dạy ôn thi tốt nghiệp đạt chất lượng và có chính sách để hỗ trợ học sinh ở lại học tại địa phương nên việc tuyển sinh vào trường chuyên cũng có những khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn này, tôi đề xuất nên tăng thêm chế độ cho học sinh đi học xa nhà, trợ cấp cho học sinh tăng theo khoảng cách đến trường. Bên cạnh đó cũng cần phải làm tốt công tác thi tốt nghiệp, có nhiều điểm thật cao, nhiều thủ khoa, đồng thời bồi dưỡng kĩ năng sống, ngoại ngữ, những kết quả tốt sẽ tự truyền thông cho vị thế của nhà trường, như vậy PH và HS mới yên tâm gửi con về học tại trường chuyên.
- Cần có sự liên kết giữa trường chuyên Lê Hồng Phong và các trường THCS xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao để trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận học sinh giỏi từ sớm, định hướng cho các em có năng khiếu.

Thứ hai, tạo động lực liên tục cho học sinh
Quá trình học tập, nghiên cứu rất gian nan, vất vả, có những lúc thấy bế tắc. Vì vậy việc tạo động lực liên tục cho học sinh cần được quan tâm.
Để làm tốt điều này theo tôi cần các yếu tố sau:
- Ngay từ khi vào lớp 10, thậm chí ở THCS, học sinh cần thấy rõ được những lợi ích của HSG. Bản thân các HSG cần xác định mục tiêu đúng đắn: các em là những người dẫn đầu trong chính thế hệ của mình và các em cần xây dựng thương hiệu của bản thân mình.
- Theo tôi, từ truyền thống sẽ gây dựng niềm tin và niềm tin sẽ bồi đắp truyền thống. Các thế hệ học sinh đi trước sẽ là niềm cảm hứng cho các học sinh khóa sau, hội cựu học sinh luôn là niềm tự hào của LHP mà ít trường có được.
- Khen thưởng và tuyên dương kịp thời cũng góp phần cho học sinh nâng cao sự tự hào, tin tưởng vào bản thân mình.
- Vài trò của thầy cô luôn là người truyền cảm hứng, để học trò tin tưởng, đi theo thầy cô hướng đến những mục tiêu cao đẹp.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ và tăng cường cơ sở vật chất, chính sách.
Những việc cần làm như sau:
- Xây dựng đội ngũ quản lý đủ tâm và tầm, đổi mới về nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, tạo động lực và truyền lửa cho đội ngũ giáo viên hăng say làm việc. Các thủ lĩnh phải là đầu tàu kết nối mọi giáo viên nhìn về chung một hướng để cả tập thể là một đoàn tàu vận hành trôi chảy ở tốc độ cao.
- Nhà trường và các tổ nhóm chuyên môn cần tham mưu tốt cho các cấp về việc tuyển chọn giáo viên tận tâm, có kiến thức, có lý tưởng, có khát vọng, thực sự là tấm gương, người truyền cảm hứng không chỉ cho học sinh mà cả các đồng nghiệp. Bên cạnh đó cũng song hành bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại chỗ, tạo động lực để GV hăng say học tập nâng cao trình độ và giảng dạy hết mình.
- Đối với các giáo viên dạy chuyên, theo tôi nghĩ cần phải có thời gian ít nhất từ 2 đến 3 năm dạy liên tiếp ở lớp 10, rồi sau đó lại từ 2 đến 3 năm ở lớp 11 để có thể nắm bắt và có kinh nghiệm giảng dạy chuyên sâu, đồng thời với đó là giao nhiệm vụ lãnh đội cụm để giáo viên cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Khi giáo viên đã trưởng thành, nhà trường hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ hơn.
- Với các giáo viên dự kiến lãnh đội năm sau, cần có danh sách dự kiến sớm, tạo điều kiện một năm trước đó có nhiều thời gian chuẩn bị về tài liệu, về nắm bắt học sinh để có chiến lược phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
- Tham mưu các cấp để hoàn thiện hơn các chế độ đặc thù cho cấp quản lý, cho giáo viên và học sinh. Thực tế tỉnh và ngành giáo dục đã rất quan tâm và đãi ngộ với giáo viên và học sinh, tuy nhiên xã hội luôn thay đổi không ngừng nên chắc hẳn sẽ có những chính sách chưa thực sự cập nhật. Ví dụ, đội tuyển Vật lý có kì thi quốc tế là Olimpic Vật lý Châu Âu, nếu các học sinh có thể tham dự thì cũng cần những chính sách đồng hành.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng HSG phù hợp.
Bồi dưỡng học sinh giỏi cần phải cập nhật thường xuyên và mỗi năm mỗi khác, theo tôi chúng ta cần xây dựng kế hoạch và chương trình phù hợp:
- Có một lộ trình chung cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và có rút kinh nghiệm và bổ sung cho các năm sau.
- Phát huy thế mạnh của từng năm học để xây dựng kế hoạch riêng. Ví dụ thế mạnh đến từ học sinh, đến từ cơ chế, thời lượng tập huấn, hình thức thi tuyển. Bản thân kế hoạch cũng cần linh hoạt thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.
- Mỗi một khóa học sinh nên có từ 1 đến 2 giáo viên chuyên dạy lớp 10 và theo lên lớp 11, từ đó nắm chắc học sinh của khóa đó và có tư vấn cho tổ chuyên môn phù hợp. Đồng thời các giáo viên dạy cùng cũng có thêm những tư vấn bổ sung. Với bồi dưỡng HSG phổ thông thì giáo viên dạy các lớp 11 nên theo lên lớp 12 để đảm bảo đã hiểu được học sinh, không tốn thời gian làm quen lại từ đầu, như vậy kiến thức cũng được liền mạch. Với học sinh khối 11 cũng nên chăng phân hóa các em theo các tổ hợp từ sớm để việc bồi dưỡng có hiệu quả hơn.
-  Thời lượng bồi dưỡng học sinh giỏi cần phải đảm bảo, và cường độ bồi dưỡng thì cần phù hợp. Đồng thời cần mời các chuyên gia trong các chuyên môn hẹp về giảng dạy cho cả học sinh và giáo viên để học sinh hiểu sâu hơn về vấn đề, đồng thời giáo viên nâng cao trình độ.
- Tăng cường cho học sinh tham gia các kì thi trong nước (Cụm duyên hải, Trại hè Hùng Vương,…). Nguồn ngân sách có thể xã hội hóa nếu học sinh có nguyện vọng cọ xát học hỏi. Mỗi khóa học sinh có thể kiểm tra và xếp thứ tự, cho 3 em đi thi cụm và 3 em đi thi trại hè, như vậy có thể đánh giá được 6 học sinh so với toàn quốc, 2 khóa sẽ là 12 học sinh, đảm bảo cho nhận định về top 10 học sinh tham gia đội tuyển quốc gia.
- Ngoài các kì thi trong nước, nếu học sinh có trình độ Tiếng Anh tốt có thể tham gia các kì thi online của các nước khác, các khu vực uy tín trên thế giới. Ví dụ với Vật lý có các kì thì như OPhO, PBO dành cho các team học sinh đến từ THPT. Mức độ cọ xát của học sinh tăng lên mà lại hoàn toàn miễn phí. Nếu HS gặp rào cản ngôn ngữ thì giáo viên đứng ra dịch thuật (đóng vài trò như các trưởng đoàn thi quốc tế)
- Các tổ chuyên môn tự nhiên thành lập nhóm sưu tầm tư liệu Olympic các năm: nắm bắt nguồn tài liệu trên toàn thế giới. thành lập nhóm dịch tài liệu Olympic hàng năm: xuất bản thành sách, tăng thu nhập cho GV, là tài liệu dạy học và nghiên cứu
-  HS lớp 11 có tố chất tốt, GV đánh giá có triển vọng tốt cần huy động các nhà tài trợ hay quỹ tài năng LHP giúp đỡ cho các em để có thể gửi đi học các chuyên gia sớm và có lộ trình phù hợp. Các học sinh 11 có giải quốc gia và là nòng cốt năm học sau có thể tách riêng đào tạo chuyên sâu trong học kì II của lớp 11.
-  Sau mỗi năm, các tổ chuyên môn cũng cần rút kinh nghiệm qua từng năm để có chiến lược phát triển dài hơi.

Thứ năm, về sự phối hợp giữa các tổ chức trong và ngoài nhà trường, công việc tôn vinh khen thưởng.
- Gia đình luôn là điểm tựa cho sự phát triển của học sinh, là niềm động viên các em rất lớn. Nhiều gia đình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định học các đội dự tuyển và đội tuyển. Để có được sự ủng hộ từ phía gia đình thì GV phải giữ được mối liên hệ với PHHS, trao đổi với PHHS về năng lực và khả năng của HS, để từ đó động viên HS tham gia.
- Xây dựng tốt quy chế nội bộ để tôn vinh khen thưởng, động viên kịp thời giáo viên, học sinh để tăng cường động lực cho toàn thể giáo viên, học sinh. Đôi khi chỉ cần vài phút được khen thưởng trước toàn trường đã là niềm tự hào mà học sinh nhớ mãi.