Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tư liệu dạy và học

Trang chủ Tư liệu dạy và học Một số lưu ý ôn tập môn Hóa học chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020

Một số lưu ý ôn tập môn Hóa học chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020

03/08/2020

Sắp bước vào kì thi, quỹ thời gian của học sinh khối 12 mỗi lúc một ngắn dần. Đồng hành cùng các em trong kì thi quan trọng này, thầy có một số lưu ý về cách ôn tập đạt hiệu quả đối với học sinh khối 12. 
LẬP SƠ ĐỒ TƯ DUY CHO TỪNG BÀI HỌC
Giai đoạn này, các em đã học hết các kiến thức được quy định trong trường THPT, vì vậy, để tổng hợp kiến thức, các em cần hệ thống lại kiến thức bài học, đồng thời bổ sung các kiến thức môi trường và ứng dụng liên quan đến bộ môn.  Tùy thuộc vào năng lực cá nhân, các em có thể tiến hành theo các phương pháp thống kê sau:
1. Lập sơ đồ 
a)Theo nội dung kiến thức theo các chương bài bao gồm:
            + Các hợp chất quan trọng của chương, bài
            + Các kiến thức trọng tâm và đặc trưng của chất.
            + Các tính chất có ứng dụng của chất.
            + Các phản ứng điều chế và chuyển hóa của chất. Vai trò của các chất trong phản ứng.
b) Theo đặc điểm chất như:
            + Hiđrocacbon (no, không no, thơm)
            + Dẫn xuất hiđrocacbon (ancol, phenol, anđehit, axit cacboxylic, este, lipit).
            + Các hợp chất hữu cơ chứa nitơ
            + Các hợp chất polime, cacbohiđrat
            + Kim loại và hợp chất (oxit, hiđroxit, muối)
            + Phi kim và hợp chất.
2. Thống kê theo các chủ đề:
            - Vô cơ:
            + Tên chất hoặc tập hợp chất trong tự nhiên hoặc có nhiều ứng dụng
            + Hóa học môi trường.
            + Thực hành hóa học: tinh chế, phương pháp thu khí.
            - Hữu cơ:
            + Tên gọi của các hợp chất hữu cơ (các loại tên gọi và cách nhận biết kiểu tên gọi,...)
            + Trạng thái của các chất (rắn, lỏng, khí).
            + Điều chế chất hữu cơ. 

TỔNG HỢP THEO CHUYÊN ĐỀ VÀ TIẾN HÀNH LUYỆN ĐỀ
1. Ôn luyện theo chuyên đề
Trên cơ sở đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, các thầy cô đã xác định những nội dung kiến thức cũng như mức độ kiến thức cần ôn luyện. Tuy nhiên, để tăng tính chủ động của việc học, các em nên trực tiếp trao đổi với giáo viên về cấu trúc đề tham khảo để hiểu rõ yêu cầu Bộ GD & ĐT đưa ra. Từ đó, các em xác định vùng kiến thức trọng tâm, cũng như mục tiêu ôn luyện của bản thân.
a) Với kiến thức lí thuyết:
- Phần vô cơ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các phần kiến thức vô cơ lớp 12 xuất hiện chủ yếu dưới dạng các câu hỏi lí thuyết. Vì vậy, các em có thể bỏ qua hầu hết các bài tập khó và rất khó của phần này để dành thời gian ôn luyện các dạng bài như:
            + Xác định loại hợp chất, tên gọi của các chất, các tập hợp chất
            + Đánh giá khả năng phản ứng của các chất, hỗn hợp chất.
            + Xác định hiện tượng của các phản ứng như: kết tủa, hòa tan, màu sắc dung dịch.
            + Điều chế các chất như: nguyên liệu điều chế, phương pháp điều chế, phản ứng điều chế,...
            + Các tính chất và ứng dụng quan trọng của chất
- Phần hữu cơ: các kiến thức hữu cơ tương tự như các năm trước, do đó các em ôn luyện tập trung vào các vấn đề như:
            + Mối quan hệ giữa công thức cấu tạo - tên gọi - trạng thái tồn tại - phân loại chất - ứng dụng.
            + Mối quan hệ giữa cấu tạo và tính chất hóa học đặc trưng, phản ứng nhận biết nhóm chức.
            + Mối quan hệ giữa cấu tạo - phản ứng - sản phẩm phản ứng.
            + Mối quan hệ giữa nguyên liệu - sản phẩm phản ứng điều chế.
            + So sánh các tính chất vật lí (nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy, độ tan) và hóa học (lực axit-bazơ, khả năng thế hiđro trong vòng benzen,...).
b) Về bài tập:
Trong các đề tham khảo của Bộ, số lượng bài tập là 10 bài (chiếm 25%) trong đó phần mức độ kiến thức trung bình có 4 bài; phần khó có 4 bài; phần rất khó có 2 bài. Có thể nói, tùy vào mức độ mà chúng ta có thể sử dụng các phương pháp giải quyết khác nhau. Cụ thể:
- Phần bài tập thông hiểu: các bài tập này chủ yếu sử dụng các phản ứng đặc trưng của các chất, do đó các em có thể luyện tập theo các hướng sau:
            + Giải theo phương trình phản ứng: cách giải này thường có lợi thế hơn trong các bài toán liên quan đến yếu tố hiệu suất hoặc yêu cầu thống kê thành phần sau phản ứng (kết tủa, chất tan, kim loại, chất rắn,...). Với cách giải này, các em hết sức chú ý đến việc cân bằng phương trình phản ứng.
            + Giải theo sơ đồ và kết hợp với các định luật bảo toàn: cách giải này phù hợp hơn với các học sinh nắm chắc được kiến thức về phản ứng và sản phẩm phản ứng.
- Phần bài tập vận dụng (khó) và vận dụng cao (rất khó):
            + Với các bài toán vô cơ: tập trung ở 2 dạng bài chính:
            Dạng 1: Bài toán của kim loại: dựa theo phản ứng của kim loại (với axit, phi kim, muối) và phản ứng chuyển hóa tiếp theo các sản phẩm (hòa tan oxit bởi axit, tác dụng với muối) hoặc điều chế kim loại (nhiệt luyện, điện phân).
            Dạng 2: Bài toán của phi kim: dựa theo các kiến thức của chương 2 và 3 của lớp 11. Trong bài toán này, các em có thể lập sơ đồ phản ứng (nếu có nhiều chất hoặc nhiều phản ứng) hoặc viết phương trình phản ứng (nếu ít chất hoặc ít phản ứng).
            + Với các bài toán hữu cơ: tập trung ở 2 phần kiến thức chính:
            Phần 1. Este-lipit: với các kiến thức thường gặp như: phản ứng thủy phân este trong môi trường kiềm và sự chuyển hóa của các sản phẩm thủy phân (muối, ancol,..); phản ứng đốt cháy các chất (este, chất béo,..) và phản ứng của gốc (cộng hiđro, cộng brom).
            Có thể chia thành hai hướng chính sau:
            1.1. Xác định lượng chất dựa vào các đặc điểm chung của chất, hỗn hợp chất. Trong dạng bài này, các em cần biết cách lập các sơ đồ tổng quát của các chất và thiết lập mối liên hệ giữa đặc điểm chất với các phản ứng chuyển hóa và sản phẩm phản ứng chuyển hóa.
            1.2. Xác định công thức cấu tạo của các chất hoặc % lượng chất trong hỗn hợp. Trong các bài tập này, các em cần chú ý đến việc lập công thức của các chất cũng như các điều kiện tối thiểu ứng với công thức đó. Bên cạnh đó, kết hợp các phương pháp như: quy đổi, sơ đồ hóa, biện luận,... để giải quyết.
            Phần 2. Hợp chất hữu cơ chứa nitơ: dựa vào việc phân tích các thông tin về thành phần nguyên tố (O, N) và công thức chung hoặc công thức phân tử của chất để xác định đặc điểm phản ứng và sản phẩm phản ứng.
2. Ôn luyện theo các đề tổng hợp
Quá trình này rất quan trọng nhằm giúp ta có thể làm quen với áp lực thời gian và lượng kiến thức tổng hợp trong các đề. Để luyện đề hiệu quả, các em cần chú ý những điểm sau:
a) Phân bố thời gian: Ở giai đọan đầu, các em có thể lựa chọn mốc thời gian dài hơn 50 phút để mình có thể hình dung về khả năng của bản thân. Sau khi trải qua giai đoạn này, các em sẽ biết được khả năng của mình có thể giải quyết đề một cách chắc chắn nhất ở mức độ nào thì mình sẽ lựa chọn ưu tiên về thời gian cho mức độ đó, không nên quá "ham hố" tập trung giải quyết các vấn đề quá sức mà "lơ là" dẫn đến sai sót trong phần kiến thức ưu tiên. Tiến hành đánh dấu luôn vào các câu đã làm hoặc khoanh vào tờ làm bài. Bên cạnh đó, các em phải dành ít nhất 5 phút để rà soát lại bài làm của mình.
b) Xử lí kiến thức: mỗi câu trong đề thi thường đề cập đến một hoặc một số kiến thức nhất định và được hỏi theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể:
            - Các câu hỏi lí thuyết: Các em cần nhanh chóng xác định yêu cầu của câu hỏi sau đó tiến hành đọc lại thông tin đề bài và rà soát đáp án, tiến hành gạch bỏ đi các đáp án chắc chắn sai. Sau đó nếu phân vân giữa các đáp án thì cần rà soát kĩ lại thông tin đề bài cho.
            - Với các bài tập: cần chú ý đến việc nháp để có thể rà soát lại khi còn thời gian.
c) Làm quen với áp lực thi tổ hợp: Quá trình làm đề trong phòng thi luôn căng thẳng, đặc biệt với việc làm bài thi tổ hợp thì kết quả làm bài môn trước có ảnh hưởng rất nhiều đến môn sau. Do đó, trong thời gian ít nhất là 1 tháng trước kì thi, để có nhiều sự trải nghiệm và làm quen  với áp lực, các em nên thực hành làm 3 đề liên tục. Trong thời gian này, các em nên làm đề cùng nhau hoặc đề nghị nhà trường hoặc GVCN bố trí.
           
Các em học sinh khối 12 thân mến! Thời tiết nóng nực của mùa hè và việc ôn luyện nhiều kiến thức, nhiều môn, đôi khi khiến các em mệt mỏi. Vì vậy, để có được kết quả thi tốt nhất, các em hãy phân bố thời gian học tập hợp lí, giữ gìn sức khỏe, ổn định tâm lý. Thầy tin rằng với vốn kiến thức vững vàng, sự thông minh và chăm chỉ, sự nỗ lực không ngừng của bản thân, các em sẽ có một kì thi toại nguyện.

Chúc các em thành công!
Thầy Vũ Văn Hợp
Giáo viên môn Hóa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong