Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Lịch sử trường

Trang chủ Lịch sử trường Kỳ 1 - Bối cảnh xã hội dẫn đến sự ra đời của trường Thành Chung Nam Định năm 1920

Kỳ 1 - Bối cảnh xã hội dẫn đến sự ra đời của trường Thành Chung Nam Định năm 1920

30/06/2022

Kỳ 1
Bối cảnh xã hội dẫn đến sự ra đời của
trường  Thành Chung Nam Định năm 1920
 
    (Trích từ bản thảo sách “100 năm trường Thành Chung - Lê Hồng Phong Nam Định” sắp xuất bản
của nhà giáo Trần Xuân Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)
 
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha gồm 16 tàu chiến được trang bị vũ khí hiện đại tấn công vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Sau đó quân Pháp dần mở rộng chiến tranh ra toàn lãnh thổ Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn, thời gian đầu huy động lực lượng phản kháng quyết liệt, nhưng càng về sau càng đuối sức và cuối cùng, vào ngày 6 tháng 6 năm 1884, tại kinh đô Huế, đã phải ký hòa ước Patenôtre đầu hàng quân Pháp.

Chiếm được Việt Nam, thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp đã chia nước ta thành ba kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Mỗi Kỳ có một chế độ cai trị riêng như ba quốc gia khác biệt. Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp. Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ Pháp bảo hộ. Triều đình nhà Nguyễn, về danh nghĩa vẫn được cầm quyền ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nhưng trên thực tế, đều do người Pháp cai quản. Để thực thi quyền kiểm soát, người Pháp tổ chức bộ máy cai trị ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ xuống đến cấp tỉnh. Người đứng đầu mỗi Kỳ gọi là Tổng trú. Dưới Tổng trú, đứng đầu Bắc Kỳ là Thống sứ, đứng đầu Trung Kỳ là Khâm sứ. Dưới Thống sứ và Khâm sứ là Công sứ đứng đầu các tỉnh. Tất cả các chức vụ này đều do người Pháp nắm giữ và có quyền quyết định tất cả các vấn đề quan trọng trên địa bàn họ cai quản.

Thôn tính xong lãnh thổ, áp đặt được quyền thống trị, người Pháp bắt đầu tính đến  chính sách thôn tính giáo dục nhằm từng bước đồng hóa dân tộc Việt Nam.

Để thực hiện có hiệu quả chính sách này, việc đầu tiên người Pháp nghĩ đến là loại bỏ nền giáo dục Nho học đã tồn tại lâu đời trên đất nước Việt Nam. Vì nền giáo dục này đang tạo ra những trí thức Nho học luôn có xu hướng chống đối người Pháp. Mà trước mắt là nhóm Văn Thân đang ra sức kêu gọi “bình Tây” cứu nước. Loại bỏ nền giáo dục Nho học còn là để cách ly lớp trẻ khỏi hệ tư tưởng cũ. Có như vậy các giá trị Pháp, tư tưởng Pháp mới thấm sâu được vào xã hội Việt Nam, một xã hội trải suốt nghìn năm chỉ biết đến các giá trị Khổng Mạnh với nền giáo dục cử tử, lấy tầm chương, trích cú làm cứu cánh mà ít quan tâm đến tính thực chứng, thực nghiệm của tri thức, cái mà người Pháp rất cần để cai trị và khai thác thuộc địa lúc này. Cũng thông qua giáo dục để xây dựng lòng biết ơn, nhất là của tầng lớp thanh niên, học sinh với sự khai hóa văn minh của người Pháp cùng sự trung thành với nhà nước Pháp của người Việt. Cuối cùng là để mị dân, làm cho người Việt tin rằng, hệ thống giáo dục của Pháp là hiện đại, tiên tiến hàng đầu thế giới.

Với mục đích giáo dục như thế, người Pháp tính toán rằng, sẽ nhuộm trắng được đội ngũ trí thức da vàng, để họ phục vụ đắc lực cho quyền lợi của nước Pháp.

Tại Nam Kỳ, chiến lược thôn tính giáo dục được thực hiện ngay từ năm 1878, khi  thực dân Pháp bãi bỏ chữ Hán trong tất cả các văn bản của nhà nước, thay vào đó là chữ Pháp. Thực dân Pháp cũng theo đuổi việc hợp thức hóa chữ Quốc ngữ cho người Việt bằng cách nâng loại chữ này lên hàng văn tự chính thức ở Nam Kỳ từ năm 1878, ở Bắc Kỳ từ năm 1910. Ngay khoa thi Canh Tuất (1910) triều Duy Tân, sĩ tử đã phải làm bài bằng chữ Quốc ngữ. Đối với chữ Hán, khoa cử dần bị loại bỏ. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ là năm 1915. Ở Trung Kỳ, với đạo dụ của vua Khải Định ngày 26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28 tháng 12 năm 1918) khoa cử chính thức bị bãi bỏ. Năm 1919 là năm cuối mở khoa thi chữ Hán ở Huế.

Để thay thế hệ thống giáo dục Nho học, người Pháp nhanh chóng thiết lập ở Việt Nam hệ thống giáo dục Pháp – Việt.

Hệ thống giáo dục Pháp - Việt gồm hai phần: giáo dục cao đẳng chuyên nghiệp, đại học và giáo dục phổ thông

Về giáo dục Cao đẳng chuyên nghiệp và Đại học, người Pháp xây dựng ở Việt Nam một Viện Đại học Đông Dương và một vài trường Cao đẳng chuyên nghiệp ở Hà Nội như Sư  phạm, Thương mại, Canh nông, Thú y, Công chánh,  Mỹ thuật v.v… Các trường Cao đẳng và Đại học này tạo điều kiện cho những người có lý tưởng tiến thân theo con đường học hành, thi cử thay cho lý tưởng khoa bảng của nền giáo dục Khổng Mạnh trước đây.

Về giáo dục phổ thông, Giáo dục phổ thông có ba bậc với học trình mười ba năm: Tiểu học sáu năm, Cao đẳng Tiểu học (tức Thành Chung) bốn năm, Trung học (tức Tú tài Pháp-Việt) ba năm. Pháp cũng thiết lập một số trường làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục phổ thông là các trường trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho năm1879, trường Quốc Học Huế năm 1896, trường Collège du Protectorat HaNoi (trường Thành Chung Bảo hộ Hà Nội, nay là trường Trung học phổ thông Chu Văn An Hà Nội) năm 1908. 

Trong hệ thống giáo dục phổ thông, từ bậc Cao đẳng Tiểu học (tương đương Trung học cơ sở ngày nay) trở lên, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính. Sách giáo khoa biên soạn bằng tiếng Pháp. Trong các hoạt động dạy và học, làm bài kiểm tra và thi cử đều dùng bằng tiếng Pháp. Tiếng Việt được học như một ngoại ngữ, với thời lượng hạn chế.

Trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông, ngày 27 tháng 4 năm 1904, toàn quyền Đông Dương là Jean Baptiste Paul Beau đã ký ban hành Nghị định thành lập trường trung học Jules Ferry Nam Định (trường Thành Chung Nam Định).

Lý do chọn Nam Định là nơi đầu tiên ở Bắc Kỳ để xây dựng trường đào tạo bậc Thành Chung là vì, sau khi đặt được ách thống trị ở Việt Nam, người Pháp tích cực đầu tư vào thành phố Nam Định để khai thác thuộc địa. Thành cổ Nam Định bị phá bỏ và quy hoạch lại theo mô hình thành phố hiện đại phương Tây. Nam Định nhanh chóng trở thành đô thị lớn ở Bắc Kỳ, chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng. Nam Định từ chỗ nghèo nàn đã trở thành vùng đất có sức hút mạnh mẽ sức người, sức của. Một loạt các nhà máy, xí nghiệp mọc lên như: Liên hiệp các xí nghiệp Vải Sợi lớn nhất Đông Dương; Công ty Tơ Lụa xuất khẩu Pháp - Việt với số vốn 1,4 triệu phơ-răng; nhà máy Rượu; nhà máy Chai; nhà máy Xay; nhà máy Chăn; nhà máy Chiếu; nhà máy Gạch Ngói; nhà máy Nước; nhà máy Điện v.v… Việc đầu tư ồ ạt đã làm cho Nam Định biến đổi nhanh chóng về kiến trúc và cách làm ăn so với đô thị cổ trước kia. Người khắp nơi đổ về Nam Định ngày một đông. Đến đầu thế kỷ XX, dân số thành phố Nam Định đã tăng lên khoảng 6 vạn người, trong đó công nhân ước tính khoảng 1,5 vạn cùng hàng ngàn Hoa kiều và Ấn kiều. Quá trình mở rộng quy mô thành phố đã sản sinh tầng lớp thị dân đông đảo là các tiểu thương, tiểu chủ, học sinh, công chức, trí thức (gọi chung là Tiểu tư sản). Đồng thời cũng xuất hiện hai giai cấp mới chưa từng có trong suốt bao thế kỷ ở đô thị này đó là giai cấp Tư sản và giai cấp công nhân.

Với một đô thị phát triển nhanh chóng như vậy, để quản lý được chặt chẽ nhất, người Pháp rất cần những người bản xứ biết tiếng Pháp, văn hóa Pháp, có học vấn ở mức độ cơ bản để phục vụ họ trong công việc hằng ngày. Thêm nữa, Nam Định là vùng đất nổi tiếng học hành khoa cử, hiện vẫn đang tồn tại trường thi Hương, biểu tượng của nền giáo dục Nho học mà mỗi khoa thi thu hút hàng nghìn sỹ tử tham gia. Đây là đối tượng nhãn tiền mà người Pháp cần phải loại bỏ để thu hút thanh niên  theo hệ thống giáo dục của họ.

Có thể nói, việc thành lập trường Thành Chung Nam Định là quyết định nhất cử lưỡng tiện, vừa gạt bỏ được giáo dục Nho học, vừa đào tạo được người phục vụ cho các chính sách cai trị của người Pháp.

Tuy nhiên, ở đây người Pháp đã mắc một sai lầm do chưa nghiên cứu kỹ quy mô  các trường tiểu học Pháp - Việt ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng lúc bấy giờ, nên tiên lượng sai thực tế số học sinh có thể thu hút vào trường Thành Chung. Trường lập ra nhưng người có nhu cầu học, có khả năng học chương trình Thành Chung ở Nam Định nói riêng, ở Bắc Kỳ nói chung rất ít nên tuyển sinh không đáp ứng được như kỳ vọng. Đã vậy, ảnh hưởng của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ngày càng lan rộng. Xu hướng cạnh tranh của trường Đông Kinh Nghĩa Thục với các trường học của Pháp mỗi lúc một gia tăng, gây nhiều bất lợi cho Pháp. Vì thế, năm 1907, để chiếm thế độc quyền, chính quyền Bảo hộ ra lệnh đóng cửa trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Và để đáp ứng nhu cầu đào tạo người Việt thành công chức, viên chức có trình độ trung cấp, cao cấp phục vụ cho các chính sách của Pháp mỗi lúc một tăng, ngày 9 tháng 12, năm 1908, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra Nghị định thành lập Collège du Protectorat Ha Noi (còn gọi là trường Thành Chung Bảo hộ Hà Nội, hay trường Bưởi, tức trường Trung học phổ thông Chu Văn An ngày nay) trên cơ sở sáp nhập ba trường: Trường trung học Jules Ferry Nam Đinh (Thành Chung Nam Định); trường le College des interprprètes (Trung học Thông ngôn) và trường l’Ecole normale d’instituteues de Ha Noi (Sư phạm tiểu học Hà Nội) và quy chế hoạt động của trường này. Như vậy, trường Thành Chung Nam Định mới đi vào hoạt động được bốn năm đã bị bãi bỏ. Học sinh đang theo học trường Thành Chung Nam Định lúc ấy phải lên Hà Nội tiếp tục theo học ở trường Thành Chung Bảo hộ Hà Nội, vì  chỉ trường này lúc đó mới đào tạo bậc Thành chung[1].   

Theo thời gian, giáo dục giáo dục Nho học càng lúc càng bị thu hẹp, giáo dục Pháp - Việt ngày càng mở rộng. Học sinh theo học chương trình Pháp – Việt mỗi lúc một đông. Năm 1917, Toàn quyền Đông Dương ban hành “Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông Dương” cho phép các xã  có thể mở trường Tiểu học Pháp - Việt cũng như ở các phủ lỵ, huyện lỵ và các thành phố. Vì thế, ở tỉnh Nam Định, một số làng dân số đông và có truyền thống học hành khoa cử đã mở trường  tiểu học Pháp - Việt, như trường Sơ học Hành Thiện, trường Nữ ơ học Xuân Trường, trường Tiểu học Xuân Trường. Tại thành phố Nam Định cũng hình thành một số trường Kiêm bị (trường Tiểu học công lập) và một số trường Tiểu học tư thục. Tại các tỉnh khu vực Nam đồng bằng sông Hồng cũng có nhiều trường Tiểu học Pháp – Việt được mở. Nhiều học sinh đã được cấp bằng tốt nghiệp tiểu học Certificat.

Thực tế này làm nảy sinh nhu cầu phải có trường ở bậc học cao hơn để đáp ứng nguyện vọng học tập của rất nhiều học sinh. Vì thế, ngày 24 tháng 8, năm 1920, toàn quyền Đông Dương là Maurice Long[2]  đã ký Nghị định số 1255 thành lập trường Cours complémentaires de Nam Đinh (trường Thành chung Nam Định).

Như vậy, thực tế đã có hai quyết định ở hai thời điểm khác nhau (năm 1904 và năm 1920) của Toàn quyền Đông Dương về việc thành lập hai trường Cao đẳng Tiểu học Pháp – Việt ở thành phố Nam Định với hai tên gọi khác nhau bằng tiếng Pháp. Nhưng hai trường này, đều được người Việt gọi bằng một tên tiếng Việt không chính thức là trường Thành Chung. (Tên gọi trường Thành Chung chưa bao giờ xuất hiện trong các văn bản pháp quy của nhà nước Bảo hộ). Tuy nhiên, do trường Thành Chung Nam Định thành lập năm 1904 chỉ tồn tại một thời gian ngắn, trong khi chưa có thành tựu gì thì bị sáp nhập để thành lập trường Thành Chung Bảo hộ Hà Nội, nên trong tâm thức người dân, khi nói đến trường Thành Chung Nam Định thì đều hiểu đó là trường Thành Chung được thành lập năm 1920. Vì đây là ngôi trường gắn bó 26 năm (1920-1946) liên tục với người dân thành phố, đã viết nên những trang sử vẻ vang của ngành giáo dục tỉnh Nam Định nói riêng, của ngành giáo dục Việt Nam nói chung./.
 

[1] Đến năm 1931, trường Thành Chung Bảo hộ Hà Nội (trường Bưởi) được nâng cấp thành một lycée - Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ) và được phép đào tạo bậc Tú Tài. Từ đó, học sinh tốt nghiệp trường Thành Chung Nam Định (được thành lập năm 1920) muốn có bằng Tú tài phải lên trường Bưởi học tiếp ba năm. Hai năm đầu thi lấy bằng Tú tài bán phần. Năm thứ ba thi lấy bằng Tú tài toàn phần.
[2] Trong kỷ yếu “Mái trường thân yêu” do Sở Giáo dục Hà Nam Ninh xuất bản năm 1990, bài “Trường Thành Chung” ghi là Toàn quyền Paul Doumer là không chính xác.