Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Ý tưởng sáng tạo trong dạy và học

Trang chủ Ý tưởng sáng tạo trong dạy và học Dự án văn học: Chuyến du hành vượt thời gian để gặp gỡ các tác giả văn học nước ngoài.

Dự án văn học: Chuyến du hành vượt thời gian để gặp gỡ các tác giả văn học nước ngoài.

10/01/2021

Văn học nước ngoài là một phần quan trọng làm nên tinh hoa văn hoá nhân loại. Nhưng tiếp cận với văn hoá nước ngoài lại gặp phải rất nhiều ngăn trở bởi khoảng cách không gian, thời gian nhất là sự khác biệt về văn hoá.

Trong khuôn khổ của chương trình văn học nước ngoài lớp 10, các bạn học sinh lớp 10A2 khoá 101 đã có những những phương thức khác nhau để du hành vượt thời gian đến với những vùng đất khác nhau, được trải nghiệm văn hoá ở đây và nhất là gặp gỡ những con người vĩ đại của thiên cổ.
Các em học sinh đã được chia thành 3 nhóm để tìm hiểu các tác phẩm khác nhau. Nhóm 1 đã đến với lầu Hoàng Hạc một danh thắng ở Trung Quốc để gặp gỡ với thi tiên Lí Bạch và tìm hiểu về cảnh ngộ khi tiễn người bạn Mạnh Hạo Nhiên lên đường. Thông qua sự kết hợp giữa hình ảnh, âm thanh, và cảm xúc trong tưởng tượng đã tái hiện ra cảnh tiết trời mùa xuân say đắm lòng người, thần tiên mĩ lệ dưới mặt đất đồng thời cũng thấy được không khí phồn hoa của thời đại. Học sinh đã nhập vai nhà thơ Lí Bạch để trò chuyện và hiểu thêm về mối thâm tình của hai người bạn tri kỷ khi phải xa cách. Một bài thơ li biệt nhưng cảnh vật vẫn rất thơ mộng hữu tình, cách viết thanh thoát, bay bổng. Sự trải nghiệm thú vị đã giúp các em học sinh thấy được tình cảm sâu sắc mà không nặng nề, ý tứ dài lâu mà không bi luỵ, ngôn từ đẹp đẽ mà không phù phiếm của bài thơ được gọi là thiên cổ lệ cú này.

Bước vào cánh cửa thần kỳ để trò chuyện cùng nhà thơ Basho và thơ Hai kư

Nhóm 2 đến với quê hương của Đỗ Phủ và nhập vai nhà thơ Đỗ Phủ để kể về cuộc đời mình hiểu thêm về nỗi niềm tâm sự khi thất ý trên con đường công danh, lại thêm cuộc sống gian nan cực khổ, những biến đổi lớn lao khi phải chứng kiến và chịu hậu quả của loạn An Lộc Sơn đã tàn phá xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Từ chính những khổ đau của bản thân Đỗ Phủ, học sinh hiểu được nỗi đau của nhân dân, của đất nước thời đó và tinh thần “Thi sử” trong thơ của ông.
 

Cuốn sách kì diệu và cuộc gặp gỡ với nhà thơ Đỗ Phủ

 
 
Nhóm 3 đã đến với xứ sở hoa anh đào và tìm hiểu về nhà thơ Basho. Mỗi bài thơ hai cư là một nét phác hoạ về chặng đường đời của nhà thơ vĩ đại này đồng thời phần nào cảm nhận được tinh thần thiền tông phật giáo trong đó.

Chuyến du hành thời gian và gặp gỡ với nhà thơ Lí Bạch

 
Các em học sinh cũng đã khéo léo đặt câu chuyện trong bối cảnh của hiện đại như có điện thoại, kết nối mạng xã hội để đưa ra những bài học thực tiễn. Các yếu tố như xuyên không, livestream phù hợp với tâm lý của các bạn trẻ làm cho câu chuyện thêm lí thú. Kết hợp các yếu tố công nghệ khi dự án được ghi hình trong phòng quay với tương tác trên lớp đã giúp bài thuyết trình của dự án thêm ấn tượng. Các em như bước vào một cánh cửa để mở ra thế giới khác sống động như đời thực.
Từ việc tìm hiểu các tư liệu đến lên kế hoạch, xây dựng ý tưởng và viết kịch bản các em đã thực sự phát huy hết năng lực của mình. Học sinh đã chủ động, tích cực trong khám phá kiến thức, mở rộng tầm nhìn và tăng cường trải nghiệm bản thân. Đặt tác phẩm văn học vào môi trường văn hoá chính là cách khai thác đến tận cùng tư tưởng của tác phẩm, làm giàu thêm đời sống tinh thần của những công dân toàn cầu tương lai, kích thích những truyền thống tốt đẹp hiện tại, khát vọng vươn ra thế giới để hiểu sâu sắc hơn nhân loại.
- Trịnh Quỳnh -